Sau kết luận thanh tra, từ năm 2018, lãnh đạo Thành phố đã có những chỉ đạo rất quyết liệt, nhưng đến nay, mọi sự vẫn vòng vo, còn người dân thì kêu cứu khắp nơi trong cảnh “con kiến leo cành cụt”
Hàng loạt sai phạm của cơ quan quản lý
Xung quanh sai phạm tại Dự án Khu dân cư Tân An Huy, hồ sơ chúng tôi thể hiện, Thanh tra TP.HCM đã xác định có sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương cùng nhiều cơ quan chức năng như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Cục Thuế…
Điển hình, tại khu nhà ở thấp tầng, chủ đầu tư Dự án xây dựng 14 căn không đúng quy hoạch được duyệt từ năm 2011. Tuy nhiên, do buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra trong hoạt động xây dựng, nên mãi đến tháng 7/2017, Thanh tra Sở Xây dựng mới phát hiện, lập biên bản xử lý.
Tại khu đất xây dựng nhà ở cao tầng, trước khi được UBND TP.HCM công nhận Công ty TNHH Nam Sài Gòn Residences là chủ đầu tư, từ nửa năm trước đó, doanh nghiệp đã ký các “thỏa thuận đặt cọc”, với cam kết là chủ đầu tư hợp pháp của Dự án. Đây là hành vi bị cấm của Luật Kinh doanh bất động sản. Doanh nghiệp này còn cho thi công ép cọc đại trà trước khi được cấp giấy phép xây dựng. Điều lạ là, trong giải trình của Thanh tra xây dựng và Phòng Cấp phép xây dựng (Sở Xây dựng), cơ quan chức năng có kiểm tra, nhưng… không phát hiện. Trong khi đó, UBND xã Phước Kiển thừa nhận là đã không kiểm tra, xử lý việc xây dựng của Công ty TNHH Nam Sài Gòn.
Theo nhiều khách hàng, họ đã kêu cứu, tố cáo, thậm chí đã được cả Thanh tra TP.HCM mời lên cung cấp chứng lý, nhưng rồi tất cả vẫn chỉ để “ghi nhận”. “Xin đừng đánh trống bỏ dùi”, “Chúng tôi giờ cứ như con kiến leo cành cụt”… là những lời u uất của hàng chục nhà đầu tư lâm nạn tại Dự án Khu dân cư Tân An Huy khi trao đổi với phóng viên.
Tại khu đất dành xây dựng bệnh viện, trong khi chủ đầu tư Dự án Bệnh viện Sản nhi quốc tế Sài Gòn chưa thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết được UBND quận Nhà Bè phê duyệt theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, thì Sở Xây dựng lại ký cấp giấy phép xây dựng tăng mật độ xây dựng, tăng tầng, tăng chiều cao và diện tích sàn. Việc này vi phạm Luật Xây dựng.
Ngày 7/11/2006, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM phê duyệt bản đồ hiện trạng và cấp 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 3 khu cao tầng, khu đất y tế và đất giáo dục. Nhưng đến thời điểm Thanh tra vào cuộc (năm 2017), Cục Thuế Thành phố chưa thực hiện truy thu, truy hoàn tiền sử dụng đất tại 3 khu đất trên.
Chưa hết, cuối năm 2005, UBND TP.HCM đồng ý cho tách Dự án Khu dân cư Tân An Huy thành Dự án Trần Thái do Công ty TNHH Trần Thái làm chủ đầu tư. Tháng 10/2010, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nhà Bè có văn bản xác nhận bồi thường giải phóng mặt bằng dự án trên với phần diện tích do Nhà nước trực tiếp quản lý tại khu đất của chủ đầu tư này hơn 21.000 m2. Tuy nhiên, tới tháng 5/2010, UBND huyện Nhà Bè xác định diện tích trên chỉ còn chưa tới 13.200 m2.
Từ đó tới thời điểm thanh tra (năm 2017), Sở Tài chính vẫn chưa phối hợp với UBND huyện Nhà Bè xác định phần đất Nhà nước quản lý tại Dự án và tỷ lệ hoán đổi đất đã có hạ tầng kỹ thuật và yêu cầu chủ đầu tư này thực hiện nghĩa vụ đối với phần đất Nhà nước quản lý tại Dự án.
Ngoài ra, Công ty TNHH Nam Sài Gòn Residences và Công ty Ngân Hà là các chủ đầu tư được hưởng lợi từ việc thay đổi các chỉ tiêu quy hoạch (tăng tầng cao, tăng diện tích, mật độ xây dựng…), nhưng các sở, ngành vẫn chưa tham mưu UBND TP.HCM chỉ đạo cơ quan thẩm quyền xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung trong việc thay đổi quy hoạch tại dự án.
Quyết liệt, quyết liệt…
Sau khi Thanh tra TP.HCM công bố kết luận, từ tháng 4/2018, Chủ tịch UBND Thành phố lúc bấy giờ là ông Nguyễn Thành Phong (hiện là Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, đã bị Bộ Chính trị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hồi tháng 7/2022) đã đồng ý cơ bản kết luận Thanh tra và yêu cầu chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Tân An Huy là Công ty Tân An Huy phải nộp ngân sách các khoản thuế và tiền phạt nộp chậm (hơn 154 tỷ đồng); đề ra kế hoạch cụ thể, cam kết về tiến độ, khả năng tài chính để khẩn trương bồi thường giải phóng mặt bằng, tiếp tục xây dựng hệ thống hạ tầng…
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu Chủ tịch huyện Nhà Bè, Giám đốc các sở Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế xử lý các sai phạm và hậu quả liên quan, đặc biệt là truy thu thuế và giám sát chặt chẽ hoạt động của Công ty Tân An Huy. “Các đơn vị phải báo kết quả các việc thực hiện nêu trên cho UBND Thành phố và Thanh tra TP.HCM trước ngày 31/5/2018”, thông báo chỉ đạo của ông Phong nêu rõ.
Thế nhưng, đến tháng 12/2019, Thông báo số 986/TB-VP ngày 27/12/2019 của Văn phòng UBND TP.HCM truyền đạt chỉ đạo của ông Võ Văn Hoan (Phó chủ tịch UBND Thành phố) lại cho biết, “lệnh” rất quyết liệt của ông Phong chưa thực hiện được bao nhiêu.
“Ngoài việc nợ đọng các nghĩa vụ thuế, tài chính với Nhà nước, Công ty Tân An Huy cũng thiếu thiện chí hợp tác, nhiều lần không phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến kéo dài giải quyết sai phạm/khắc phục hậu quả, cũng như Công ty còn nhiều tranh chấp dân sự với công dân (hợp tác đầu tư hoặc ký kết hợp đồng mua bán sản phẩm hình thành trong tương lai, hợp đồng chuyển nhượng), gây khó khăn cho việc hoàn thành các nghĩa vụ, cam kết theo giao dịch dân sự, dẫn đến nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp”, Thông báo số 986/TP-VP viết.
Do vậy, ông Hoan đã yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện hàng loạt biện pháp, như tạm xem xét phong tỏa/ngăn chặn giao dịch nếu Công ty Tân An Huy không chấp hành; thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để truy thu tiền chủ đầu tư nợ đọng Nhà nước… Theo đó, phải xử lý triệt để, xử lý dứt điểm, tránh tạo điểm nóng khiếu kiện đông người và phải báo cáo kết quả chậm nhất trước tháng 3/2020.
Khóa có được tra đúng chìa?
Phân tích của một luật sư, Chủ tịch UBND TP.HCM đã đồng ý với kết luận của Thanh tra. Mà theo kết luận này thì ngoài việc yêu cầu Công ty Tân An Huy phải cử người đại diện theo pháp luật (do chủ cũ đã mất) và phải nộp thuế và nghĩa vụ tài chính, truy thu thuế và nghĩa vụ tài chính khác, thì công ty này cùng 2 công ty khác phải “cùng chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ ràng buộc tại hợp đồng góp vốn được ký kết giữa khách hàng với chủ đầu tư”.
Theo đó, chủ mới phải kế thừa trách nhiệm, tuân thủ việc hoàn thiện hạ tầng, bàn giao nền cho những khách hàng đã thực hiện xong việc góp vốn đầu tư và thống nhất công tác xây dựng nhà ở mà chủ cũ đã ký kết…
Muốn thực hiện các nghĩa vụ ràng buộc theo hợp đồng, chủ đầu tư phải có vốn, nhưng oái oăm là, theo Thanh tra TP.HCM, trong quá trình làm việc với Đoàn Thanh tra, Công ty Tân An Huy không chứng minh được khả năng nộp khoản nợ thuế và khả năng tài chính để tiếp tục thực hiện Dự án.
Trong khi đó, trước đó, Công ty Tân An Huy, thay vì thực hiện Dự án, đã bán sạch cả đất nền và hầu hết dự án nhỏ liên quan, thu về hàng trăm tỷ đồng, nhưng đã “bốc hơi”, dẫn tới tình trạng không chứng mình được khả năng nộp thuế và tài chính để tiếp tục thực hiện dự án tại thời điểm thanh tra. Vậy tại sao TP.HCM không yêu cầu cơ quan liên quan làm rõ số tiền đã “bốc hơi” bí ẩn này, để có thể truy thu thuế cũng như buộc lãnh đạo mới của Công ty phải thực hiện nghĩa vụ, cam kết đã ký? Đây mới chính là “chìa khóa” để mở đúng “cái khóa” vấn đề.
Bên cạnh đó, tới tháng 3/2021, trong thông báo tới khách hàng, “chủ mới” Công ty Tân An Huy nêu rõ: “Việc thay đổi thành viên HĐQT cũng như Ban Tổng giám đốc của Công ty, thì tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty cũng không được cải thiện và có chiều hướng đi vào bế tắc do những khoản nợ trước đây quá lớn, nguồn tiền ứng cá nhân để đầu tư thì Công ty không thu hồi được. Theo báo cáo kiểm toán từ ngày 1/1/2019 đến ngày 31/12/2019, Công ty có khoản lỗ lũy kế 206,138 tỷ đồng. Khoản lỗ này đã vượt quá vốn chủ sở hữu một khoản là 98,138 tỷ đồng. Đồng thời, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 108,963 tỷ đồng”.
Cũng tại thông báo này, Tân An Huy cho biết, Công ty còn nợ thuế và nghĩa vụ khác liên quan hơn 181 tỷ đồng.
Như vậy “chủ mới” Công ty Tân An Huy cũng không đảm bảo về tài chính để có thể “đề ra kế hoạch cụ thể, cam kết về tiến độ, khả năng tài chính để khẩn trương bồi thường giải phóng mặt bằng, tiếp tục xây dựng hệ thống hạ tầng..”, mà lãnh đạo TP.HCM yêu cầu từ tháng 4/2018.
Vậy tại sao TP.HCM không có giải pháp khác để xử lý, mà vẫn để tình trạng bức xúc liên quan chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Tân An Huy “lê thê” tới giờ này? Vẫn để tình cảnh vì không đủ tài chính, nên Công ty Tân An Huy không những không thực hiện nghĩa vụ ràng buộc như Thanh tra TP.HCM yêu cầu, mà còn đòi hủy biên bản giao nền, ép khách hàng nộp thêm tiền để… Công ty có nguồn đóng, trả nợ thuế.