Tiêu cực dần xuất hiện trong bức tranh lợi nhuận, cổ phiếu thép còn cơ hội ‘trở mình’?

21/07/2022 14:33

Sản lượng thép chững lại, giá thép liên tục giảm trong thời gian ngắn và lượng hàng tồn kho với giá cao khiến nhiều doanh nghiệp thép ghi nhận lợi nhuận giảm rõ rệt. Và những lo ngại về ngành thép dường như đang được phản ánh lên giá cổ phiếu của nhóm này.

CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) vừa báo cáo lợi nhuận sau thuế quý II/2022 chỉ đạt 42,45 tỷ đồng, giảm 91,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 11,6% về chỉ còn 3,1% do giá thép giảm nhanh.

Doanh nghiệp đua nhau... báo lợi nhuận giảm

Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 122,99 tỷ đồng, giảm 83,4% so với cùng kỳ và chỉ mới hoàn thành 41% kế hoạch lợi nhuận năm.

thep-1658387071.jpg Sản lượng thép chững lại, giá thép liên tục giảm trong thời gian ngắn và lượng hàng tồn kho với giá cao khiến nhiều doanh nghiệp thép ghi nhận lợi nhuận giảm rõ rệt.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại CTCP Thép Mê Lin (MEL) khi doanh nghiệp này báo lãi chỉ gần 1,7 tỷ đồng, giảm đến 93% so với cùng kỳ quý II/2021.

Hay như Công ty Gang thép Thái Nguyên (TIS) ghi nhận doanh thu quý II/2022 giảm 10% về gần 3.200 tỷ đồng. Đáng chú ý, do giá thành cao khiến lãi gộp chỉ bằng 1/10 cùng kỳ và do đó đẩy lãi sau thuế giảm 90% về chưa đến 6 tỷ đồng.

Còn CTCP Gang thép Cao Bằng (CBI) cũng không khá hơn là bao khi cho biết lãi ròng giảm mạnh tới 90% so với cùng kỳ.

Thậm chí, CTCP Thép Thủ Đức - VNSTEEL (TDS) cũng ghi nhận tiếp tục thua lỗ lần thứ 3 trong 4 quý vừa qua. Cụ thể, quý II/2022, Thép Thủ Đức ghi nhận doanh thu thuần 358 tỷ đồng, lỗ ròng gần 2 tỷ đồng, giảm hơn 45% so với cùng kỳ, đồng thời lỗ gộp gần 2,5 tỷ đồng.

Lý giải về đà thua lỗ, Thép Thủ Đức cho biết, giá bán giảm liên tục và lượng tiêu thụ giảm dẫn đến ngừng sản xuất, trong khi nguyên liệu tồn kho giá cao ảnh hưởng đến giá vốn.

Bên cạnh đó, dòng tiền bị ảnh hưởng do việc tiêu thụ chậm, và việc siết chặt tín dụng đẩy lãi suất tăng so với cùng kỳ làm chi phí tài chính cũng tăng cao.

Dự báo Thép Thủ Đức sẽ còn tiếp tục gặp khó khi giá thép dự kiến còn lao dốc trong thời gian tới, do doanh nghiệp còn lượng hàng tồn kho cao giá không rẻ.

Thực tế những "lực cản" tới từ giá thép không chỉ là vấn đề của riêng Thép Thủ Đức mà là nỗi lo chung của toàn ngành thép. Bởi lẽ, chỉ trong hơn 2 tháng gần đây, giá thép xây dựng đã giảm giá 9 lần liên tiếp với tổng mức giảm đến hơn 3,3 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu và loại thép. Nguyên nhân dẫn đến đà giảm kéo dài của giá thép đến từ nhu cầu tiêu thụ suy yếu và chi phí nguyên liệu đầu vào hạ thấp.

Trong khi đó, tính đến cuối quý II/2022, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp thép vẫn còn khá cao. Chẳng hạn như Thép Thái Nguyên đang nắm giữ hơn 2.000 tỷ đồng hàng tồn kho, tăng mạnh 43% so với cùng kỳ, Thép Mê Lin là 463 tỷ, thép Cao Bằng là 396 tỷ…

Có thể thấy, kết quả kinh doanh của ngành thép không phải là quá bất ngờ vì đã được dự báo từ trước. Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long đã từng đánh giá không mấy lạc quan về hoạt động kinh doanh ngành thép từ quý II trở đi.

Cũng chính từ sau phát biểu của lãnh đạo doanh nghiệp thép hàng đầu, những lo ngại về triển vọng và kết quả kinh doanh của ngành thép đã dần được phản ánh lên cổ phiếu doanh nghiệp toàn ngành.

Cổ phiếu “lao dốc”

Bên cạnh ảnh hưởng giảm giá từ thị trường chung, đà "lao dốc" của cổ phiếu ngành thép chủ yếu là do sức bán mạnh mẽ và dứt khoát của các nhà đầu tư.

Đà bán ròng này không chỉ đến từ nhà đầu tư trong nước mà khối ngoại cũng tham gia. Tính từ đầu năm đến nay, giá trị cổ phiếu nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp thép đã giảm đến gần 70.000 tỷ đồng, phần lớn đến từ 5 mã HPG (Tập đoàn Hoà Phát), POM (Thép Pomina), HSG (Tập đoàn Hoa Sen), SMC (Đầu tư Thương mại SMC), NKG (Thép Nam Kim). Hiện, nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn giữ 27.770 tỷ đồng (khoảng 1,2 tỷ USD) các cổ phiếu thép.

Thị giá cổ phiếu giảm, tài khoản của các cổ đông thép thâm hụt nhanh chóng, dẫn tới vốn hóa các doanh nghiệp ngành thép cũng sụt giảm hàng tỷ USD.

Đi đầu cho đà giảm giá của cổ phiếu ngành thép chính là “ông lớn” Tập đoàn Hòa Phát khi cổ phiếu HPG về 22.350 đồng/cp, tức giảm khoảng 40% so với hồi đầu năm. Giá trị vốn hóa theo đó “bay” gần 71.400 tỷ về mức 130.000 tỷ đồng (tính đến chốt phiên 20/7).

Cùng chung số phận là cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen khi thị giá giảm 65% từ đỉnh. Chốt phiên ngày 20/7, cổ phiếu HSG đang giao dịch ở mức 18.000 đồng/cp, tương đương giá trị vốn hóa gần 9.000 tỷ đồng. Tính từ đầu năm, vốn hoá doanh nghiệp này mất khoảng 9.950 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp khác cũng ghi nhận vốn hoá "bốc hơi" hơn nghìn tỷ đồng như Thép Việt Nam (TVN), Thép Nam Kim, Thép Tiến Lên (TLH), SMC, Thép Thái Nguyên, Thép Việt Đức (VGS)…

Đánh giá triển vọng 6 tháng cuối năm 2022, Mirae Asset đã hạ nhận định ngành thép từ tích cực xuống trung tính dựa trên các luận điểm: Áp lực từ nguồn cung than cốc lẫn giá than tăng cao, bào mòn từ 3-6% biên lợi nhuận gộp các công ty thép, lạm phát chưa có dấu hiệu dừng lại và ngành bất động sản chững lại trong năm 2022.

“Dự phóng sản lượng thép toàn ngành năm 2022 hạ 15% về 27,76 triệu tấn (-10%), riêng sản lượng xuất khẩu đạt mức 7.6 triệu tấn (+1%)”, báo cáo nêu.

Về triển vọng xuất khẩu thép, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, mức xuất khẩu cao của năm 2021 sẽ khó lặp lại. Lý do là bởi đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, kết hợp với nhu cầu hàng không thiết yếu suy giảm do lạm phát kỷ lục tại châu Âu; cạnh tranh tại Mỹ gia tăng do nước này đã nới lỏng chính sách thuế quan với thép Nhật; châu Âu và Nga đặt mục tiêu xuất khẩu nhiều hơn sang Đông Nam Á.

Trước đó, SSI Research từng cho rằng, sản lượng thép xuất khẩu vẫn ổn định trong quý II, nhưng nhiều khả năng sẽ giảm tốc trong các quý tới do nhu cầu chậm lại trước lo ngại giá thép giảm và các biện pháp bảo hộ từ các thị trường xuất khẩu.

“Lợi nhuận năm 2022 của Hoà Phát có thể đạt 26.500 tỷ đồng, giảm hơn 23% so với cùng kỳ chủ yếu do giả định giá thép giảm. Lợi nhuận dự phóng năm 2022 của Hoa Sen cũng giảm 67% so với cùng kỳ, dự kiến ở mức 1.400 tỷ đồng chủ yếu do sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu giảm. Với Nam Kim, lợi nhuận năm 2022 cũng được dự báo sẽ giảm 39% so với cùng kỳ xuống 1.350 tỷ đồng”, SSI Research dự báo.

Tuy nhiên, xét về trung và dài hạn, ngành thép vẫn “sáng cửa”. Các yếu tố hỗ trợ ngành thép trong thời gian tới có thể đến từ sự phục hồi của giá thép trong khu vực sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phong tỏa, và giá than cốc hạ nhiệt trong trung hạn từ mức cao bất thường hiện tại.

Đáng chú ý, thông tin mới đây cho thấy, Trung Quốc đã thành lập Tập đoàn tài nguyên khoáng sản khổng lồ, mang tới kỳ vọng nước này sẽ có tiếng nói hơn trong việc định giá quặng sắt để có thể chống lại việc thao túng giá trên thị trường quốc tế. Điều đó sẽ mang tới yếu tố tích cực cho việc nhập khẩu của thị trường trong nước, bởi sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm 43,5% tổng lượng và chiếm 40,9% tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.

Ngoài ra, với quyết tâm của Chính phủ, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ, các dự án đầu tư công trong thời gian tới có thể giúp nhóm ngành này được chú ý trở lại.

Bạn đang đọc bài viết "Tiêu cực dần xuất hiện trong bức tranh lợi nhuận, cổ phiếu thép còn cơ hội ‘trở mình’?" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).