'Tội đồ' nào khiến VN-Index thủng đáy?

29/09/2022 22:48

Nhịp giảm quyết định chiều nay đã đẩy VN-Index rơi xuyên qua đáy tháng 7/2022, vốn được xem là 'thành trì' của xu hướng điều chỉnh hiện tại. Đó là một tín hiệu kỹ thuật đáng sợ, áp lực bán đã tăng vọt, duy trì liên tục và chỉ số kết phiên ở mức thấp nhất ngày, bốc hơi 17,55 điểm tương đương 1,53%...

VN-Index xuất hiện nhịp giảm quyết định xuyên thủng ngưỡng đáy tâm lý trong phiên chiều nay.

VN-Index xuất hiện nhịp giảm quyết định xuyên thủng ngưỡng đáy tâm lý trong phiên chiều nay.

Nhịp giảm quyết định chiều nay đã đẩy VN-Index rơi xuyên qua đáy tháng 7/2022, vốn được xem là “thành trì” của xu hướng điều chỉnh hiện tại. Đó là một tín hiệu kỹ thuật đáng sợ, áp lực bán đã tăng vọt, duy trì liên tục và chỉ số kết phiên ở mức thấp nhất ngày, bốc hơi 17,55 điểm tương đương 1,53%.

VIC giảm chung cuộc 5,04% so với tham chiếu, khiến VN-Index mất 2,9 điểm bị cho là tội đồ. Tuy nhiên nếu nhìn riêng chiều nay, VIC lại chỉ là một tác nhân rất nhỏ, vì buổi sáng đã giảm sẵn 4,17%, nghĩa là phiên chiều chỉ giảm thêm khoảng 0,9% nữa mà thôi.

Tội đồ thật sự là cả dàn blue-chips, với nhiều cổ phiếu lớn không kém gì VIC. Phiên sáng các mã này vẫn giữ giá khá tốt, là phần bù đắp hiệu quả cho mức giảm của VIC, duy trì các chỉ số còn xanh nhẹ. Chiều nay nhóm này hạ độ cao rồi lao dốc giảm cả loạt, khiến VIC vừa phát huy hết ảnh hưởng, vừa tạo thêm gánh nặng cho chỉ số.

Tính riêng phiên chiều, loạt mã lớn giảm chóng mặt có thể kể tới là CTG giảm 3,62% so với giá cuối phiên sáng, chốt phiên giảm 3% dưới tham chiếu; VPB giảm 3,74% so với phiên sáng, đóng cửa giảm 2,7% so với tham chiếu; GVR riêng chiều giảm 6,7%, đóng cửa giảm 5,86%; MSN giảm 3,85%, chốt phiên giảm tổng cộng 2,06%; VCB giảm 1,46%, đóng cửa giảm 1,33%...

Đó chỉ là một vài cổ phiếu vốn hóa lớn hạ độ cao chóng mặt chiều nay. Còn hàng chục mã khác cũng rớt giá, khiến độ rộng của rổ VN30 từ chỗ có 1 mã giảm/27 mã tăng cuối phiên sáng thì kết ngày chỉ còn 6 mã tăng/20 mã giảm. Điều đó đồng nghĩa với hàng chục cổ phiếu đang từ tăng chuyển sang giảm. Thậm chí ngay cả GAS, dù đóng cửa vẫn trên tham chiếu 0,96% nhưng nếu tính riêng phiên chiều thì lại giảm tới 2,5%, góp phần đáng kể đẩy VN-Index thủng đáy.

VN-Index xuyên thủng đáy tháng 7/2022 ngay từ khoảng 1h30, nhưng sau đó có vài nhịp giằng co quanh ngưỡng này. Chỉ trong 15 phút cuối cùng đà giảm mới mang tính quyết định và không cưỡng lại được, kết hợp thêm đợt ATC cả loạt cổ phiếu trụ rớt sâu thêm, khiến chỉ số chính thức phá vỡ ngưỡng hỗ trợ tâm lý. Cổ phiếu gây ảnh hưởng nhất ở 15 phút này là VCB khi giá từ mức 75.000 đồng lao xuống 74.000 đồng, tương đương giảm 1,33% trong thời gian cực ngắn.

Tín hiệu tháo chạy là khá rõ nét chiều nay đến từ độ rộng: Cuối phiên sáng VN-Index vẫn có 266 mã tăng/160 mã giảm. Chỉ 30 phút đầu tiên của phiên chiều, độ rộng đảo ngược với số giảm áp đảo 285 mã và 146 mã tăng. Suốt thời gian còn lại phía giảm vẫn áp đảo và chốt ngày còn 118 mã tăng/347 mã giảm.

Xếp theo giá trị khớp lệnh cho thấy rất nhiều cổ phiếu chịu sức ép lớn, thậm chí giá giảm tới mức sàn.

Xếp theo giá trị khớp lệnh cho thấy rất nhiều cổ phiếu chịu sức ép lớn, thậm chí giá giảm tới mức sàn.

VN-Index cuối ngày cũng ghi nhận tới 29 cổ phiếu giảm sàn trong khi buổi sáng chỉ có 2 mã. Tổng số cổ phiếu giảm vượt 2% chiều nay là 124 mã trong khi buổi sáng là 23 mã. Nói chung mặt bằng giá đã hạ xuống rất nhiều trong buổi chiều, thể hiện biên độ dao động gia tăng. Cùng với đó mức thanh khoản buổi chiều ở HoSE đã tăng 50% so với phiên sáng, đạt 5.498 tỷ đồng cả cả hai sàn tăng 50%, đạt 6.073 tỷ đồng.

Khối ngoại có tăng áp lực bán nhưng không phải là yếu tố chính. Tính riêng phiên chiều, khối này xả 562,8 tỷ đồng giá trị cổ phiếu trong khi mua vào 552,7 tỷ đồng. Chênh lệch cung cầu của riêng khối ngoại như vậy là rất nhỏ. Thậm chí tổng mức bán ra tính cho cả phiên tại HoSE cũng chỉ chiếm 7,8% giao dịch của sàn này. Mức bán ròng khoảng 158,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, áp lực bán của khối ngoại không xuất hiện nhiều ở các cổ phiếu tác động lớn lên chỉ số. STB bị xả nhiều nhất với -52,7 tỷ, KDH -49,2 tỷ và HPG -45,7 tỷ. Trong khi đó VIC, VCB, GVR, BCM, CTG, MSN, VPB hầu như vắng bóng giao dịch khối ngoại.

Trong nhóm cổ phiếu giảm sàn hôm nay, rất nhiều mã hứng chịu lực xả mạnh, thể hiện là thanh khoản rất cao. Ví dụ DCM giao dịch tới 220,5 tỷ đồng, DXG giao dịch 224,6 tỷ, DGC giao dịch 296 tỷ, VCG giao dịch 287,4 tỷ, LCG giao dịch 102,5 tỷ... Các mã như VCI, HBC, HCM, DPM, HAH... cũng giao dịch hàng trăm tỷ đồng và giá giảm 4%-6%.

Việc VN-Index thủng đáy tháng 7/2022 là một tín hiệu xấu về mặt kỹ thuật, vì khi ngưỡng hỗ trợ được củng cố tới 2 lần trong 2 tháng và khởi động được một nhịp tăng kỹ thuật tháng 7, tháng 8 bị xuyên thủng, nghĩa là sức ép đang rất lớn.

Bạn đang đọc bài viết "'Tội đồ' nào khiến VN-Index thủng đáy?" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).