Theo đó, Tổng Bách hóa bị cưỡng chế số tiền thuế hơn 61,6 tỷ đồng quá hạn nộp bằng hình thức trích tiền từ tài khoản mà đơn vị đang gửi tại Ngân hàng Vietinbank - Chi nhánh Ba Đình.
Cụ thể, số tiền bị cưỡng chế bao gồm: 53 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp; 72 triệu đồng tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính; 415 triệu tiền chậm nộp thuế thu nhập cá nhân; 1,57 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; 4,23 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng; Các khoản chậm nộp khác là 2,32 tỷ đồng.
Trường hợp số tiền trên tài khoản của Tổng Bách Hoá ít hơn số tiền trên quyết định cưỡng chế, VietinBank vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi, trích số tiền phát sinh có trên tài khoản của Tổng Bách Hoá trong thời gian quyết định có hiệu lực.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Tổng Bách hóa tiền thân là Tổng Công ty Bách hóa được thành lập năm 1954 với mục đích thành lập các tổng công ty chuyên nghiệp mậu dịch quốc doanh trực thuộc Bộ Công thương. Công ty có cổ đông lớn duy nhất sở hữu 96,65% vốn là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Thanh - thành viên Tân Hoàng Minh.
Về tình hình kinh doanh, những năm gần đây, Tổng Bách hóa kinh doanh không mấy khả quan khi báo lỗ sau thuế lần lượt gần 113 tỷ đồng và gần 5,5 tỷ đồng trong năm 2019 và năm 2020.
Việc kinh doanh gặp khó dẫn tới việc mất khả năng thanh toán các khoản nợ, vốn chủ sở hữu của Tổng Bách hóa ở thời điểm cuối năm 2019 và cuối năm 2020 lần lượt đạt giá trị âm 375 tỷ đồng và âm 381 tỷ đồng.
Tuy nhiên bước sang năm 2021, TBH ghi báo doanh thu chỉ đạt 4,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 22 tỷ đồng năm 2020 nhưng lãi đột biến 709 tỷ đồng so với mức lỗ hơn 5 tỷ năm 2020.
Giải trình nguyên nhân, công ty này cho biết năm 2021 đã đầu tư tài chính, chuyển nhượng cổ phần của Công ty Cổ phần Ngọc Viễn Đông và Công ty Cổ phần Cung Điện Mùa Đông. "Do vậy, công ty thu được cổ tức từ Cung Điện Mùa Đông là 257,4 tỷ đồng và khoản lãi từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần là 495 tỷ đồng. Điều này dẫn đến lợi nhuận tăng đột biến so với năm 2020", báo cáo của công nêu rõ.
Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Tổng Bách Hóa ở mức 1.441 tỷ đồng, tăng 56% so với thời điểm đầu năm, chiếm chủ yếu là khoản phải thu dài hạn hơn 906 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả giảm mạnh từ 1.339 tỷ đồng năm 2020 xuống còn 248 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2021, Tổng Bách Hóa niêm yết 931 triệu cổ phiếu với mã giao dịch là TBH trên sàn UPCoM, với giá 5.700 đồng/cổ phiếu ngày 13/8/2021 và là một trong những mã có diễn biến bất thường trên sàn chứng khoán. Dù bị hạn chế giao dịch và chỉ được giao dịch vào thứ 6 hàng tuần, mã này đã tăng liên tiếp và đạt mức đỉnh 108.000 đồng/cổ phiếu vào phiên 7/1.
Tuy nhiên, sau đó cổ phiếu trượt dài sau những biến động thị trường, đặc biệt là sau sự kiện Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng bị Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) bắt tạm giam và ra quyết định khởi tố vì liên quan phát hành trái phiếu trái phép của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Đây cũng là lý do khiến Tổng Bách Hóa chưa công bố báo cáo tài chính quý 2 và báo cáo quản trị công ty 6 tháng đầu năm do vẫn đang khuyết vị trí đại diện theo pháp luật để điều hành, quyết định, phê duyệt các nội dung trong báo cáo tài chính để kịp thời công bố đến Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Cổ phiếu TBH cũng đang bị duy trì diện hạn chế giao dịch trên sàn UPCoM vì không công bố thông tin họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 dù đã quá thời hạn theo quy định. Thời gian gần đây, cổ phiếu TBH thường xuyên trắng thanh khoản, thị giá kết phiên 9/9 là 20.000 đồng/cp.
Theo nhiều ý kiến, sở dĩ nhóm của Tân Hoàng Minh rơi vào tình cảnh bết bát như trên là do người đứng đầu tập đoàn là ông Đỗ Anh Dũng và nhiều thành viên chủ chốt đã bị bắt trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" mà Bộ Công an đang điều tra.
Kết quả điều tra xác định, trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm: Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty Cổ phần Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử động vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.