Tổng nợ Tập đoàn GELEX của đại gia Tuấn "mượt" lên tới hơn 40.691 tỷ đồng

25/04/2022 17:48

Kết thúc 2021, Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của Tập đoàn GELEX ghi nhận tổng tài sản hơn 61.189 tỷ đồng nhưng tổng nợ của tập đoàn lên tới hơn 40.691 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần từ mức 18.936 tỷ đồng hồi đầu năm.

nguyen-van-tuan-1649497178.png
Ông Nguyễn Văn Tuấn còn có biệt danh là Tuấn "mượt", Tổng giám đốc Tập đoàn GELEX.

 

Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex (Mã chứng khoán: GEX) do ông Nguyễn Văn Tuấn làm Tổng Giám đốc, kiêm thành viên HĐQT. Ông Nguyễn Văn Tuấn được mệnh danh là “ông trùm” M&A với hai thương vụ nổi tiếng nhất là thâu tóm lượng lớn cổ phần tại các tổng công ty có “gốc” Nhà nước, là Gelex (HOSE: GEX) và Viglacera (HOSE: VGC).

Đến thời điểm hiện tại, trong số các cổ đông lớn nhất của Gelex Group có ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Gelex Group, sở hữu hơn 192 triệu cổ phiếu GEX, chiếm tỷ lệ 22,58% vốn điều lệ; Công ty TNHH MTV Đầu tư GEX (thành lập tháng 4/2016, vốn điều lệ 800 tỷ đồng, chủ sở hữu là Công ty TNHH Thiết bị và xây lắp Huy Hoàng, có thành viên góp vốn là mẹ và vợ ông Nguyễn Văn Tuấn) sở hữu hơn 113 triệu cổ phiếu GEX, chiếm tỷ lệ 13,3% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch và môi trường ECO & MORE sở hữu hơn 24 triệu cổ phiếu GEX, chiếm tỷ lệ 4,95% vốn điều lệ; bà Đào Thị Lơ (mẹ ông Tuấn) sở hữu 24 triệu cổ phiếu GEX, chiếm tỷ lệ 4,9% vốn điều lệ; Công ty cổ phần MHC (tiền thân là Công ty cổ phần Hàng hải Hà Nội, thành lập tháng 11/1998, vốn điều lệ hiện nay 414 tỷ đồng) sở hữu hơn 19 triệu cổ phiếu GEX, chiếm tỷ lệ 4,02% vốn điều lệ...

Hệ sinh thái các doanh nghiệp liên quan đến Gelex của đại gia Tuấn "mượt" còn có Chứng khoán VIX (VIX - Ông Tuấn là em trai bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Chứng khoán VIX.), Tổng Công ty IDICO (IDC), Marina Holdings (MHC), và CTCP Thiết bị điện Gelex (GEE), Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (VCW), và CTCP Đầu tư Và phát triển KCN Dầu khí Long Sơn (PXL).

Tổng nợ tăng vọt...

Kết thúc 2021, Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của GELEX ghi nhận tổng tài sản hơn 61.189 tỷ đồng nhưng tổng nợ của tập đoàn lên tới hơn 40.691 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần từ mức 18.936 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng từ hơn 10.831 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên gần 23.000 tỷ đồng cuối năm 2021. Còn nợ dài hạn cũng tăng từ hơn 8.105 tỷ đồng lên thành hơn 17.717 tỷ đồng.

Điều đáng nói, những khoản nợ mà GELEX phải trả đều tăng vọt, trong đó có khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là hơn 8.372 tỷ đồng, tăng hơn 4.044 tỷ đồng so với số nợ đầu kỳ; nợ phải trả ngắn hạn khác cũng từ hơn 2.624 tỷ đồng tăng lên hơn 4.642 tỷ đồng.

Còn vay và nợ tài chính dài hạn cũng tăng đột biến từ hơn 7.752 tỷ đồng lên thành hơn 13.749 tỷ đồng, tức mức tăng lên gần 6.000 tỷ đồng; trong đó 8.896 tỷ đồng nợ ngân hàng và 6.383 tỷ đồng nợ trái phiếu.

Những "chủ nợ" lớn của GELEX gồm: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) gần 2.900 tỷ đồng; Ngân hàng Landesbank Baden-Wuerttemberg cho vay hơn 1.627 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho GELEX vay 1.090 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) hơn 815 tỷ đồng,…

Năm 2021, nhờ việc hợp nhất kết quả kinh doanh với Tổng công ty Viglacera (HoSE: VGC), Gelex ghi nhận doanh thu hợp nhất 28.578 tỷ đồng, tăng 59% so với năm trước; lãi trước thuế 2.057 tỷ đồng, tăng 72%. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 1.038 tỷ đồng, tăng 29%.

Mảng thiết bị điện ghi nhận doanh thu 18.539 tỷ đồng, tăng 15% nhưng biên lợi nhuận giảm do ảnh hưởng yếu tố chi phí đầu vào như giá nguyên vật liệu, đặc biệt là kim loại (đồng, nhôm…) tăng mạnh… Mảng phát điện đóng góp 608 tỷ đồng doanh thu, tăng 67%. Mảng bán và cho thuê bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp đóng góp 2.937 tỷ đồng; vật liệu xây dựng 5.806 tỷ đồng, nước sạch 525 tỷ đồng doanh thu.

Như vậy kết thúc năm 2021, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của GELEX cũng chỉ ở mức hơn 1.666 tỷ đồng, đây được xem là mức lãi có vẻ khiêm tốn đối với một tập đoàn có quy mô tổng tài sản lên tới hơn 61.189 tỷ đồng.

Dù lợi nhuận 1.666 tỷ đồng nhưng được biết HĐQT Gelex đề xuất không chia cổ tức năm 2021, nguồn lợi nhuận để lại đảm bảo đáp ứng nguồn vốn hoạt động kinh doanh, giảm phụ thuộc vốn vay.

Mới đây Tập đoàn Gelex đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2022. Theo đó, HĐQT trình phương án tổng doanh thu thuần hợp nhất 36.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.618 tỷ đồng, cùng tăng trưởng 26% so với thực hiện năm trước. Cổ tức kế hoạch 15%.

Đại gia Tuấn "mượt" là ai?

Được biết ông Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1984, thường được biết đến với biệt danh ‘Tuấn mượt’. Ông bắt đầu được giới kinh doanh chú ý đến khi thâu tóm thành công 2 thương vụ nghìn tỷ là Viglacera và Gelex.

Năm 2009, ông Tuấn tốt nghiệp Trường Đại học Thương mại với tấm bằng Cử nhân Thương mại Quốc tế đồng thời là cũng là cử nhân ngành Tài chính - Ngân hàng.

Trước khi đến với Gelex, ông đã không ngừng chứng minh được năng lực của bản thân khi đảm nhiệm rất nhiều vị trí quan trọng tại hàng loạt doanh nghiệp từ năm 2013 - 2018:

Ông từng được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kho vận miền Nam (Sotrans, Mã: STG) thay thế ông Trần Quyết Thắng. Sau này, Công ty TNHH Gelex Logistics là công ty con trong hệ sinh thái Gelex cũng đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ 47,63% vốn điều lệ của Sotrans.

Tháng 7/2015, ông giữ chức Chủ tịch HĐQT CTCP Quản lý Quỹ IB sau đó là Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán IB.

Đến tháng 3/2016, ông Tuấn đảm đương vị trí Chủ tịch HĐQT của Tổng CTCP Đường sông Miền Nam.

Cột mốc đánh dấu khiến người ta bắt đầu chú ý đến vị doanh nhân 8x này chính là thương vụ thâu tóm GEX vào khoảng cuối năm 2015. Thời điểm đó, Bộ Công Thương bất ngờ thoái vốn thông qua cú bán hơn 122 triệu cổ phiếu GEX (tương đương với gần 79% vốn điều lệ) với giá sàn chỉ sau 30 phút mở của phiên giao dịch. Sau thoái vốn, không ai biết về ông chủ đứng sau Gelex là ai.

Đến tháng 9/2016, ông Tuấn bất ngờ trở thành Tổng giám đốc Gelex đồng thời kiêm thành viên HĐQT ra mặt cho cho cổ đông lớn nhất lúc bấy giờ.

Sau khi nhậm chức, ông Tuấn đã tiến hành cấu trúc lại Gelex, tập trung sản xuất kinh doanh 4 mảng chính: Sản xuất kinh doanh thiết bị điện, năng lượng, kinh doanh bất động sản và logistics. Không lâu sau đó Gelex trở thành doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vật liệu thiết bị điện lớn nhất Việt Nam thông qua việc M&A hàng loạt các doanh nghiệp như: Công ty Dây và Cáp điện Việt Nam (Cadivi), Tổng công ty thiết bị điện Đông Anh (TBD), Công ty Thiết bị điện Việt Nam (Thibidi), Công ty Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM),

Không dừng lại ở đó, ông Tuấn tiếp tục khiến giới kinh doanh phải trầm trồ bằng một thương vụ M&A nghìn tỷ khác: Gelex chính thức thâu tóm Viglacera vào tháng 4/2019. Với việc mua lại 27 triệu cổ VGC, Gelex đã nắm giữ 12.74% vốn của Viglacera. Cuối năm 2019, Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex, công ty con do Gelex sở hữu 100% vốn, tiếp tục thu mua thêm cổ phiếu, nâng mức sở hữu của Gelex tại Viglacera lên 19.43% 

Bạn đang đọc bài viết "Tổng nợ Tập đoàn GELEX của đại gia Tuấn "mượt" lên tới hơn 40.691 tỷ đồng" tại chuyên mục Doanh Nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).