UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch về xây dựng Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021 - 2030, gồm Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ.
Theo đó, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè sẽ thành quận (hoặc thành phố) trước năm 2025; các huyện Củ Chi và Cần Giờ “lên” quận (hoặc thành phố) trong giai đoạn 2025 - 2030.
3/5 HUYỆN SẼ LÊN THẲNG THÀNH PHỐ THUỘC THÀNH PHỐ
Trong khi các huyện hướng tới thành quận như Nhà Bè và Hóc Môn, ba huyện Bình Chánh, Cần Giờ và Củ Chi đều định hướng phát triển lên thành phố trong giai đoạn tới.
Việc xây dựng đề án là tiền đề, cơ sở để chuyển một số huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021 - 2030 nhằm thực hiện Chương trình đột phá đổi mới quản lý thành phố (4 chương trình phát triển thành phố 2020 – 2025/2030) đã được Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Kế hoạch chuyển năm huyện nói trên lên quận hoặc thành phố trực thuộc thành phố là phù hợp với nghị quyết của đại hội.
Các huyện nói trên đều là các cửa ngõ của TP.HCM tiếp giáp, kết nối với các tỉnh Miền Tây Nam bộ (Bình Chánh, Nhà Bè) và Miền Đông Nam bộ (Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ). Các địa phương này đang có tốc độ phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, về hạ tầng, cũng như tốc độ đô thị hóa nhanh.
Để có cơ sở triển khai các giải pháp cụ thể, TP.HCM xây dựng năm đề án nhánh về phát triển, và phân công từng sở, ngành thực hiện các đề án này. Cụ thể: Kinh tế đô thị giao Sở Kế hoạch và Đầu tư; Văn hóa đô thị giao Sở Văn hóa và Thể thao; Hạ tầng đô thị giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc; về con người đô thị thuộc về Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM; Quản lý nhà nước thuộc Sở Nội vụ.
TP.HCM sẽ ưu tiên ngân sách tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, nhất là các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới. Song song với đó, Thành phố cũng tạo điều kiện huy động nguồn lực người dân, doanh nghiệp phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, khu thương mại,...
Báo cáo của Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, đầu tư xây dựng các huyện (ngoại thành) để lập đơn vị hành chính mới là quận hoặc thành phố trực thuộc thành phố, cũng như việc chuyển các xã, thị trấn thuộc huyện thành phường thuộc quận là cần thiết, phù hợp với nghị quyết đại hội XI của Thành phố.
Trong các huyện sẽ lên quận hoặc thành phố trước năm 2025, huyện Bình Chánh có diện tích lớn nhất (253 km2) và đứng thứ 3 của TP.HCM, sau Cần Giờ (705,2 km2) và Củ Chi (435 km2), đạt tiêu chí lên quận hoặc thành phố trực thuộc thành phố nhiều nhất (26/30 tiêu chí).
LÊN THÀNH PHỐ NHƯNG KHÔNG BỎ ĐẤT NÔNG NGHIỆP
Theo Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh Trần Văn Nam, hiện mô hình chính quyền địa phương theo đơn vị hành chính huyện/xã không còn phù hợp tốc độ đô thị hóa và sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Chánh. Vì thế huyện đặt mục tiêu chuyển thẳng lên thành phố vào năm 2025.
Bởi vì theo ông Nam, khi lên quận, tất cả đơn vị hành chính là xã phải chuyển thành phường; trong khi Bình Chánh có một số xã vẫn còn nông nghiệp là chính, đặc biệt xã Bình Lợi là thuần nông. Mô hình thành phố, trong đó vừa có phường, vừa có xã là phù hợp với đặc điểm và điều kiện của Bình Chánh.
Hiện Bình Chánh đang rà soát các tiêu chí để lên quận hoặc thành phố theo chỉ đạo của Thành phố theo quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.
Trong khi đó, lãnh đạo huyện Củ Chi cho biết, sẽ phát triển địa phương này theo hướng đô thị sinh thái và “lên thẳng” thành phố trực thuộc TP.HCM, không lên quận.
Theo Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng, Củ Chi sẽ định hướng phát triển trung tâm logistics, xây dựng hồ phát triển cảnh quan, hình thành các khu dưỡng lão 5 sao... Củ Chi nhìn bề ngoài có vẻ phát triển nhưng bên trong chủ yếu là đất nông nghiệp, hạ tầng giao thông còn kém phát triển. Các trục đường chính hiện nay như quốc lộ 22, tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 15... hiện đã quá tải. Lên thành phố nhưng Củ Chi không bỏ đất nông nghiệp. “Nguồn lực đất đai kết hợp với nguồn lực huy động bên ngoài để phát triển theo hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp công nghệ cao”, ông Thắng nói.
Trước đó, trong buổi làm việc với huyện Củ Chi vào cuối tháng 02/2022, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM đã lưu ý, phải nhanh chóng triển khai cao tốc An Sương đi Mộc Bài, đường vành đai 3 sớm kết nối Củ Chi, Hóc Môn với phía đông TP.HCM và tỉnh Đồng Nai. Đồng thời tập trung tháo gỡ những vướng mắc các dự án quy hoạch trên địa bàn huyện, đặc biệt là khu đô thị Tây Bắc – Củ Chi, thảo cầm viên Sài Gòn để sớm đi vào hoạt động.
Cũng định hướng của TP.HCM đến năm 2030, huyện Cần Giờ sẽ phát triển trở thành thành phố nghỉ dưỡng sinh thái - du lịch. Hiện nay, huyện đang phối hợp các sở ngành xây dựng đề án, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện, xác định lộ trình đầu tư.
Về lộ trình từ huyện lên quận, Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết, trên cơ sở hiện trạng các tiêu chí, tiêu chuẩn của huyện, xã/thị trấn và đề xuất mô hình của huyện, Sở Nội vụ Thành phố sẽ xây dựng các phương án, báo cáo Uỷ ban nhân dân TP.HCM trình Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM thống nhất chủ trương về chuyển đổi huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM).
Để đạt tiêu chí huyện lên quận, các huyện phải đạt 30 tiêu chí trong bộ tiêu chí. Ngoài BÌnh Chánh hiện đạt 26/30 tiêu chí, các huyện còn lại đạt thấp hơn. Cụ thể: Hóc Môn, Nhà Bè và Củ Chi đạt 23/30 tiêu chí; huyện Cần Giờ đạt 19/30 tiêu chí.
TP.HCM có diện tích hơn 2.060 km2, dân số 8.993 triệu dân (tháng 01/2019), có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm một thành phố (Thủ Đức), 16 quận và 5 huyện. Quá trình phát triển, Thành phố nhiều lần tách nhập, chuyển đổi đơn vị hành chính, gần nhất là sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức thành TP. Thủ Đức.
Về diện tích và quy mô dân số năm huyện như sau. Cần Giờ 705,2 km2, dân số 73.270 người; Củ Chi 435 km2; dân số 468.200 người; Bình Chánh 253 km2, dân số 711.200 người; Hóc Môn 109,2 km2, dân số 462.800 người; và Nhà Bè 100,43 km2, dân số 207.800 người.