TP.HCM ghi nhận loạt kiến nghị từ quận 7, Bình Tân, Nhà Bè

04/07/2022 10:09

Phát huy hết tiềm năng của các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM là một trong những chủ trương xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình và hướng tới là trung tâm tài chính quốc gia và khu vực…

kien-nghi-1656903632.jpg Huyện Nhà Bè đang đầu tư xây dựng để thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM.

ĐỊNH HƯỚNG NHÀ BÈ TRỞ THÀNH ĐÔ THỊ

Theo ông Dương Thế Trung, Bí thư Huyện ủy Nhà Bè, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng, nhiều khu đô thị mới đã và đang hình thành, phát triển trên địa bàn huyện, như: khu đô thị mới Nhơn Đức - Phước Kiển; khu chế xuất Tân Thuận; tuyến đường Bắc Nhà Bè – Nam Bình Chánh (đại lộ Nguyễn Văn Linh); khu đô thị mới Nam TP.HCM (Nam Sài Gòn); dự án xây dựng Trục lộ Bắc Nam; tuyến cao tốc Bến Lức (Long An) – Nhơn Trạch (Đồng Nai)…

Đặc biệt, khu công nghiệp - Cảng Hiệp Phước (xã Long Thới và xã Hiệp Phước) với diện tích toàn khu hơn 1.700ha, hiện có 117 dự án đang hoạt động, tạo việc làm cho trên 10.000 lao động tại địa phương và các vùng lân cận. Do đó, huyện Nhà Bè đang đầu tư xây dựng chuyển huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM.

Trao đổi tại hội thảo khoa học “Tiềm năng và triển vọng phát triển huyện Nhà Bè thành đô thị vệ tinh của TP.HCM”, do UBND huyện Nhà Bè phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) tổ chức sáng 30/6/2022, ông Phan Chánh Dưỡng, Giảng viên Trường Đại học Fulbright, cho biết huyện Nhà Bè sẽ thành công trong việc trở thành đô thị vệ tinh của TP.HCM nếu huyện không ngại là vùng đất ngập mặn.

“Vì cách đây 300 năm trước, Sài Gòn được xây dựng từ vùng đất ngập mặn. Khu chế xuất Tân Thuận cũng bắt đầu từ vùng đất ngập mặn và đã đem lại hiệu quả kinh tế cho TP.HCM” ông Dưỡng nói.

kien-nghi-2-1656903718.png "Nhà Bè nên trở thành thành phố, bao gồm cả không gian của quận 7 và huyện Nhà Bè hiện nay", theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA - Ảnh: SH.

Nhấn mạnh những lợi thế về sông nước, về mảng xanh, nghỉ dưỡng và phát triển du lịch sinh thái sẽ tạo điều kiện thuận lợi để huyện Nhà Bè phát triển thành thành phố vệ tinh thay vì chuyển lên quận, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng cần tăng đầu tư về hạ tầng, và có thể chế phân cấp ủy quyền cho thành phố đô thị vệ tinh Nhà Bè phát triển…

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trong tương lai, Nhà Bè nên trở thành thành phố, bao gồm cả không gian của quận 7 và huyện Nhà Bè hiện nay.

Để làm được điều này, ông Châu cho rằng huyện Nhà Bè cũng cần tháo gỡ những “nút thắt cổ chai’ của hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn. Đó là ba trục đường Bắc-Nam đi qua huyện Nhà Bè gồm đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Tất Thành và Lê Văn Lương đều đang quá tải.

QUẬN 7 XIN CHUYỂN CÔNG NĂNG KHU CHẾ XUẤT TÂN THUẬN

Theo UBND quận 7, mục tiêu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng quận trở thành một trong các trung tâm dịch vụ, tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ gắn với giáo dục, y tế, thể dục thể thao chất lượng cao của TP.HCM, của vùng và của khu vực. Theo đó, quận sẽ không còn khu công nghiệp, khu chế xuất và cần quỹ đất dự kiến khoảng 500ha để hình thành hệ sinh thái mới.

Cụ thể, quận 7 đề xuất chuyển đổi tại các khu đất có tổng diện tích gần 450ha tại hai phường Tân Thuận Đông và Tân Phú.

Thứ nhất, 300ha tại khu chế xuất Tân Thuận dự kiến chuyển đổi thành khu công nghệ cao xen kẽ đất ở và dịch vụ thương mại.

Thứ hai, các khu đất hiện nay đang quy hoạch là kho tàng bến bãi gồm các cảng Gas (2ha), Vict (18ha), Bến Nghé (23,3ha), Tân Thuận (40ha), rau quả (5,6ha), tổng diện tích là 83,2ha. Quận 7 đề xuất chuyển đổi thành chức năng quy hoạch là y tế, giáo dục, nhà ở. Cạnh đó, cảng Lotus với quy mô 16,6ha đang là đất công nghiệp cũng được đề nghị chuyển đổi thành khu nhà ở cao tầng và thương mại dịch vụ.

Thứ ba, khu đất gần 49,7ha tại cụm công nghiệp Phú Mỹ là đất cụm công nghiệp chuyển sang đất hỗn hợp.

Đây là nội dung tại hội thảo “Chiến lược phát triển quận 7 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, khu chế xuất Tân Thuận có quy mô 300ha, nằm giữa 2 khu đô thị Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) và khu đô thị cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).

Ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, cho rằng cần nghiên cứu điều chỉnh chức năng khu chế xuất Tân Thuận sang khu dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, văn phòng làm việc, khách sạn, thương mại chất lượng cao.

Đề xuất khu chế xuất Tân Thuận có thể phát triển các trung tâm nghiên cứu, trung tâm phần mềm, bởi theo ông Trần Hoàng Ngân giữa một đô thị lớn và hiện đại như quận 7, việc để một khu chế xuất có quy mô lớn như vậy không còn phù hợp.

kien-nghi-3-1656903753.jpg Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM "Cần phải đánh giá lại công năng của khu chế xuất Tân Thuận để tái cơ cấu theo hướng công nghệ cao" - Ảnh: SH.

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cần phải đánh giá lại công năng của khu chế xuất Tân Thuận để tái cơ cấu theo hướng công nghệ cao. Biến nơi này thành trung tâm đổi mới sáng tạo, vùng đệm cho đô thị hiện hữu khi vị trí của khu chế xuất này nằm ngay sát đô thị mới Thủ Thiêm.

BÌNH TÂN KIẾN NGHỊ CẤP PHÉP XÂY DỰNG CHO 341HA ĐẤT

Tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát HĐND TP.HCM với UBND quận Bình Tân về chương trình phát triển nhà ở tháng 6/2022, ông Nguyễn Văn Sử, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân, cho biết hiện nay trên địa bàn quận có tổng cộng 155 khu đất quy hoạch đất dân cư xây dựng mới và đất hỗn hợp với quy mô hơn 341ha.

Đối với đất dân cư xây dựng mới, quận chỉ cấp phép xây dựng tạm cho người dân khiến người dân rất bức xúc, bởi họ có đất ở nhưng vẫn phải xây dựng tạm và không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Riêng người dân có đất trong đất hỗn hợp thì không được cấp phép xây dựng, không được tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất.

Liên quan đến quy hoạch đất dân cư xây dựng mới và đất hỗn hợp, theo ông Vũ Chí Kiên, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, quận đang vướng mắc trong việc giải quyết các chính sách về nhà đất cho người dân trong 2 chức năng quy hoạch nêu trên. Điều này đã ảnh hưởng đến diện tích sàn xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn quận.

Thực tế, trong 5 năm (2016-2020), diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại quận Bình Tân đều tăng lên. Năm 2016 là 31,76 m2/người, ứng với dân số 689.000 người. Hiện nay, con số này đã tăng lên 37,11 m2/người, tương ứng với dân số 784.000 người. Bình Tân cũng là quận có diện tích khá lớn, dân số đông và tăng rất nhanh (trong đó, dân nhập cư chiếm khoảng 50%), nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho người thu nhập thấp là rất lớn.

Bởi vậy, quận đang kiến nghị Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch và Kiến trúc hướng dẫn thêm về cấp phép xây dựng chính thức đối với nhà ở riêng lẻ trong 2 chức năng sử dụng đất trên.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM, quận Bình Tân đã được phê duyệt 8 đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 để phát triển đô thị trên địa bàn quận trong thời gian tới. Do đó, quận cần rà soát kỹ các khu đất quy hoạch dân cư xây dựng mới và đất hỗn hợp để kiến nghị giải quyết quyền lợi hợp pháp cho người dân.

Bạn đang đọc bài viết "TP.HCM ghi nhận loạt kiến nghị từ quận 7, Bình Tân, Nhà Bè" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).