TPS: Đà giảm sẽ chững lại và VN-Index sẽ có nhịp hồi phục trong ngắn hạn

11/10/2022 15:36

CTCK Tiên Phong (TPS) vừa công bố báo cáo thị trường tháng 10/2022 với nhận định giai đoạn nửa đầu tháng 10 được đánh giá là vùng trũng thông tin giúp thị trường hồi phục trở lại. Tuy nhiên, rủi ro của thị trường giai đoạn cuối tháng sẽ tăng cao khi hạn công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022 và cuộc họp FOMC tiếp theo tới gần.

TPS đề ra 3 kịch bản triển vọng của VN-Index. Trong đó, TPS nhận định nếu khả quan, VN-Index có thể trở lại trên mức 1,150 điểm, niềm tin về triển vọng của thị trường sẽ được củng cố và từ đó thu hút dòng tiền sôi động trở lại. Mục tiêu của chỉ số trong giai đoạn này là vùng 1,151-1,220 điểm hoặc thấp hơn trong kịch bản xấu.

VN-Index lao dốc tương tự như các TTCK thế giới khác

Kết thúc tháng 9/2022, VN-Index giảm gần 150 điểm, tương ứng giảm 11.6% so với thời điểm cuối tháng 8 và gia tăng mức giảm lên thành 24.4% so với đầu năm. Đáng chú ý, sự lao dốc của VN-Index cũng diễn ra tương tự với các thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới.

tps-cac-ttck-1665477105.png
Nguồn: TPS

Xét về yếu tố vĩ mô, có thể thấy việc theo đuổi chính sách “diều hâu” của Fed đã ảnh hưởng đến tâm lý giao dịch của nhà đầu tư và khiến họ bán ròng như một cách phòng thủ trước khi cuộc họp FOMC diễn ra.

Bùng nổ hơn cả là khi kết quả của cuộc họp được công bố, Fed đã gia tăng lãi suất mục tiêu từ mức 4% lên 4.4% và chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ chỉ hạ nhiệt từ năm 2024.

Điều này đã tác động mạnh đến kỳ vọng của nhà đầu tư và gây ra tình trạng “bán tháo” mạnh trên toàn cầu, trong đó có TTCK Việt Nam và khiến chỉ số chung là VN-Index xuyên thủng mức đáy cũ 1,150 điểm để tiến về sát ngưỡng 1,100 điểm.

VN-Index sẽ có nhịp hồi phục trong ngắn hạn

Ở thời điểm hiện tại, xét về vĩ mô thế giới, mặc dù dịch COVID-19 đã được kiểm soát nhưng vẫn tiếp tục diễn biến khá phức tạp, xung đột Nga - Ukraine ngày càng căng thằng và khó dự đoán, OPEC+ kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu. Bên cạnh đó, vấn đề tỷ giá ngày càng căng thẳng, thiên tai diễn ra trên diện rộng ảnh hưởng tới an ninh lương thực toàn cầu. Ngoài ra, quyết định tăng giá điện và tiền lương cơ bản có thể tạo ra áp lực lạm phát trong thời gian tới.

Do đó, TPS cho rằng dù mặt bằng giá cả vẫn được kiểm soát tốt, tuy nhiên áp lực lạm phát cho các tháng cuối năm vẫn còn nhiều rủi ro khó lường ở phía trước.

Dự báo về mức lãi suất, trong bối cảnh Fed vẫn giữ quan điểm tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát trong thời gian tới, tuy nhiên, sau báo cáo của Liên Hợp Quốc kêu gọi Fed và các Ngân hàng Trung Ương (NHTW) dừng tăng lãi suất.

TPS dự báo Fed vẫn tiếp tục tăng lãi suất, song mức độ sẽ nhẹ nhàng hơn trước đây. Điều này sẽ giảm bớt áp lực đang ngày càng tăng của tỷ giá.

tps-fed-lai-suat-1665477105.png
Nguồn: TPS

Đối với tỷ giá, trong thời gian tới, tỷ giá USD/VND là tham chiếu quan trọng tác động tới điều hành chính sách của chính phủ. TPS kỳ vọng áp lực về tỷ giá sẽ bớt căng thẳng khi nguồn ngoại tệ tiếp tục được tăng lên do giải ngân FDI tăng mạnh và cán cân thương mại vẫn duy trì được xuất siêu 6.92 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2022.

Về định giá, kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, P/E trượt của VN-Index hiện ở quanh mức 12.09 lần, thấp hơn rất nhiều so với mức P/E trung bình 5 năm là 16.x cho cả năm 2022. TPS đánh giá tăng trưởng EPS của toàn thị trường dự kiến trên 20% và mức P/E dự phóng định giá hiện tại chỉ tương đương 11.x.

tps-su-tuong-quan-pe-chi-so-1665477105.png
Nguồn: TPS

Bên cạnh đó, khi so với các quốc gia trong khu vực, TTCK Việt Nam cũng đang hết sức hấp dẫn với P/E dự phóng 2022 ở mức gần như thấp nhất nhưng lại có mức ROE thuộc nhóm cao nhất. Chính vì vậy, TPS đánh giá đây là thời điểm hợp lý để tích lũy những cổ phiếu có nội tại tốt, kết quả kinh doanh tích cực và thanh khoản cao.

Đánh giá bối cảnh TTCK tháng 10, TPS kỳ vọng đà giảm sẽ chững lại và thị trường sẽ có nhịp hồi phục trong ngắn hạn sau khi đã sự suy giảm mạnh trước đó tương tự như giai đoạn tháng 07-08/2022.

Bên cạnh đó, giai đoạn nửa đầu tháng 10/2022 được đánh giá là vùng trũng thông tin giúp thị trường hồi phục trở lại. Tuy nhiên, rủi ro của thị trường giai đoạn cuối tháng sẽ tăng cao khi hạn công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022 và cuộc họp FOMC tiếp theo tới gần.

Kịch bản phục hồi: VN-Index dao động trong vùng 1,151-1,220 điểm

Đà hồi phục trong ngắn hạn của VN-Index đã kết thúc ngay khi chỉ số chinh phục không thành kháng cự mạnh 1,300-1,330 điểm. Tại đây, chỉ số đã nhanh chóng đảo chiều xu hướng và liên tục phá vỡ các mốc hỗ trợ quan trọng như mức 1,200 điểm (ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2%) và mức 1,150 điểm (đáy tháng 07/2022) để tiến về mức 1,100 điểm (ngưỡng Fibonacci Retracement 50%).

Dựa trên biến động của VN-Index, TPS đưa ra 3 kịch bản cho thị trường trong tháng 10/2022 như sau:

tps-kich-ban-t10-1665477105.png
Nguồn: TPS

Đối với kịch bản tích cực, nếu VN-Index có thể trở lại trên mức 1,150 điểm, niềm tin về triển vọng của thị trường sẽ được củng cố và từ đó thu hút dòng tiền sôi động trở lại. Mục tiêu của chỉ số trong giai đoạn này là vùng 1,151-1,220 điểm (ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2%).

Đối với kịch bản trung lập, VN-Index sẽ biến động sideway trong kênh giá 1,040-1,150 điểm với thanh khoản suy giảm dần.

Đối với kịch bản tiêu cực, VN-Index nhiều khả năng sẽ giảm mạnh và rơi về quanh ngưỡng Fibonacci Retracement 61.8% với biên độ 5% (tương đương vùng 950-1,039 điểm).

Bạn đang đọc bài viết "TPS: Đà giảm sẽ chững lại và VN-Index sẽ có nhịp hồi phục trong ngắn hạn" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).