Cách TP Quảng Ngãi khoảng 30 km về hướng Đông Bắc, địa danh nổi tiếng Vạn Tường, Khu kinh tế Dung Quất từng được quy hoạch là trung tâm đô thị sầm uất bậc nhất miền Trung. Tuy nhiên sau 7 năm Quảng Ngãi công nhận, đô thị loại V này vẫn còn hoang vắng.
Vỡ mộng trung tâm đô thị
Năm 2005, dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất khởi công rầm rộ, vợ chồng Võ Đức Nguyên quyết định rời TP.HCM trở về quê nhà làm ăn, sinh sống ở thôn Vạn Tường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi).
Nguyên còn nhớ như in vào thời điểm ấy có hàng chục nghìn chuyên gia, kỹ sư và công nhân từ khắp mọi miền đất nước đổ về tham gia thi công nhộn nhịp trên "đại công trường" nhà máy lọc dầu đầu tiên Việt Nam. Gia đình anh xây nhà, mở quán bán nước giải khát và làm thêm mấy gian phòng phục vụ cho người lao động hát karaoke giữa trung tâm Vạn Tường.
Thu nhập khá giả vài năm đầu, anh Nguyên ngỡ tưởng quê mình ngày càng phát triển nhưng đến cuối năm 2009 khi nhà máy lọc dầu Dung Quất hoàn thành, người lao động rút đi thì khu vực Vạn Tường lại hoang vắng. Nếu như thời điểm năm 2005 giá đất nơi đây lên cơn "sốt" với 300 triệu đồng/100 m2 thì đến nay khu vực đô thị Vạn Tường cũng chỉ từ 900 triệu đến 1 tỷ đồng/100 m2 (quy đổi ra vàng thì giá trị đất nơi đây gần như không thay đổi).
"Vạn Tường thưa thớt bóng người qua lại, nhiều năm dài việc kinh doanh ế ẩm, gia đình tôi đành xoay sở làm nhiều nghề để kiếm sống suốt nhiều năm qua. Mang tiếng sống giữa trung tâm khu đô thị nhưng cuộc sống vợ chồng tôi cùng nhiều người dân nơi đây khó khăn trăm bề", anh Nguyên chia sẻ.
Tháng 2/2009, Quảng Ngãi công bố quy hoạch chi tiết xây dựng điều chỉnh và thiết kế đô thị Khu đô thị mới Vạn Tường với quy mô hơn 3.800 ha thuộc năm xã: Bình Hải, Bình Hòa, Bình Phú, Bình Phước và Bình Trị (huyện Bình Sơn).
Khu đô thị này được quy hoạch là một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây là khu đô thị kết hợp các khu sinh thái bảo tồn thiên nhiên; là khu dân cư, chuyên gia phục vụ Khu kinh tế Dung Quất.
Đến cuối năm 2015, HĐND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Nghị quyết công nhận Vạn Tường là đô thị loại V với diện tích 650 ha thuộc địa giới hành chính hai xã: Bình Hải và Bình Trị, huyện Bình Sơn. Thời điểm này, tiêu chuẩn mật độ dân số đô thị và tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chưa đạt.
Lãnh đạo Quảng Ngãi tin tưởng với vai trò là khu đô thị lõi, Vạn Tường ví như "thỏi nam châm" thu hút hàng chục nghìn người dân, lao động về đây sinh sống bên cạnh nhà máy lọc dầu Dung Quất. Tuy nhiên giờ đây, dọc hai bên tuyến đường nối từ đại lộ Võ Văn Kiệt dẫn về khu đô thị Vạn Tường vẫn quạnh hiu.
Nhiều công trình ở khu vực trung tâm đô thị Vạn Tường thi công dang dở, cỏ dại vây quanh um tùm. Mỗi khi chiều về, người dân địa phương chăn thả bò trên những tuyến đường lớn rộng thênh thang; rác thải sinh hoạt, xà bần tràn lan, ùn ứ trên nhiều khu đất trống gây ô nhiễm môi trường ở khu đô thị này.
Hạ tầng, dịch vụ thiếu và yếu
Ông Trần Văn Thái (ngụ xã Bình Hải, huyện Bình Sơn), cho hay Vạn Tường từng là địa danh nổi tiếng nhưng đến nay khu đô thị này vẫn hoang vắng, chậm phát triển.
"7 năm trước nghe Nhà nước công nhận Vạn Tường là đô thị loại V, người dân nơi đây ai cũng vui, hy vọng đổi đời. Thế nhưng nhiều năm qua khu đô thị này chưa được đầu tư xứng tầm, dậm chân tại chỗ nên chúng tôi thất vọng nhiều lắm", ông Thái nói.
Tháng 7, những trận mưa dông đầu mùa cuốn theo bùn đất đỏ từ tuyến đường trục chính nối khu vực phía Bắc với phía Nam, đô thị Vạn Tường thi công dở dang tràn xuống nhà dân, vùi lấp nhiều tuyến đường dân sinh ở xã Bình Hải.
Hệ thống thoát nước, hố ga không có nắp đậy, điện, cáp quang lộ thiên ngổn ngang khắp nơi trở thành "cái bẫy" nguy hiểm cho người dân, người lao động qua lại khu vực này.
Ông Ngô Văn Thính, Chủ tịch UBND xã Bình Hải thừa nhận đô thị Vạn Tường phát triển quá chậm so với kỳ vọng người dân ở các xã khu đông huyện Bình Sơn. Cơ sở hạ tầng ở khu đô thị này chưa được đầu tư đồng bộ gây nhiều trở ngại cho cuộc sống người dân.
Ông Thính dẫn chứng tuyến đường trục chính nối khu vực phía Bắc với phía Nam, đô thị Vạn Tường vỏn vẹn chỉ 4 km nhưng thi công suốt 8 năm không xong. Trong khi đó mật độ dân cư trên địa bàn xã ngày càng tăng, địa phương kiến nghị quy hoạch ba khu dân cư nhưng phải đợi điều chỉnh quy hoạch. 100% tuyến đường ở đô thị Vạn Tường đều xuyên qua đất nông nghiệp nhưng bất cập là cơ quan chức năng không cho phép người dân xây nhà, làm nhà hàng, quán ăn hoặc các dịch vụ thương mại, du lịch dọc theo các trục đường này.
"Hàng chục nghìn lao động đổ về các công trường, nhà máy tại Khu kinh tế Dung Quất nhưng dịch vụ, thương mại nơi đây vừa thiếu vừa yếu nên người dân mất cơ hội thu nhập. Làm gì cũng chờ điều chỉnh quy hoạch nên ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương", ông Thính nói.
Theo người dân địa phương, thời điểm nhà máy lọc dầu Dung Quất thi công rầm rộ, hàng chục công trình quy mô lớn mọc lên ở đô thị Vạn Tường. Tuy nhiên vài năm sau đó, họ thi công cầm chừng, rồi bỏ hoang kéo dài đến nay. Các doanh nghiệp lý giải nếu chi hàng trăm tỷ xây khách sạn, nhà hàng lớn nơi đây thì nhu cầu không lớn, thậm chí có thể phá sản.
Trong khi đó, Bệnh viện Dung Quất được Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng để phục vụ người dân, người lao động tại Khu kinh tế Dung Quất. Tuy nhiên chính sách thu hút được đội ngũ y, bác sĩ giỏi về làm việc chưa được quan tâm đúng mức, thiết bị y tế thiếu đồng bộ.
"Mỗi lần đau ốm, người dân hay chuyên gia, kỹ sư nơi đây phải vượt đường xa từ 40 km đến hơn 100 km đến khám chữa bệnh ở Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi hoặc ra Quảng Nam, Đà Nẵng vừa mất thời gian vừa tốn chi phí lớn", bà Nguyễn Thị Thanh (ngụ xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) phàn nàn.
Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, thừa nhận các dự án triển khai ở khu đô thị Vạn Tường gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng nên chậm tiến độ kéo dài.
Thực tế, một số dự án sau khi được cấp quyết định chủ trương đầu tư do vướng mắc về cơ chế giao đất, cho thuê đất nên chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất đã làm chậm tiến độ và giảm sức hấp dẫn đầu tư.