Các lô sản phẩm bị thu hồi tại Pháp lần này có hạn sử dụng tới tháng 3, tháng 5, tháng 8 và tháng 9/2022.
Cơ quan chức năng Pháp đang thu hồi một số sản phẩm mỳ, phở và hủ tiếu ăn liền của Công ty Acecook Việt Nam xuất sang thị trường này. Các sản phẩm thu hồi gồm mỳ tôm chua cay Hảo Hảo, hủ tiếu và phở ăn liền Ricey, mỳ Đệ Nhất và mỳ lẩu thái.
Các lô bị thu hồi tại Pháp lần này có hạn sử dụng tới tháng 3, tháng 5, tháng 8 và tháng 9/2022.
Lý do thu hồi là các sản phẩm trên chứa 2-chloroetanol (2- CE, chất chuyển hóa từ ethylene oxide - EO) vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn của EU. Cơ quan chức năng Pháp yêu cầu thu hồi trước ngày 31/1/2022.
Đây là lần thứ hai các sản phẩm mỳ ăn liền của Acecook Việt Nam xuất sang châu Âu bị yêu cầu thu hồi do chứa 2-CE vượt ngưỡng cho phép theo quy định của EU.
Đại diện Acecook Việt Nam cho biết đang cùng các đại lý phân phối tại Pháp thu hồi sản phẩm. Các lô này đều được xuất sang Pháp trước tháng 7/2021. Acecook Việt Nam cũng khẳng định, đây là động thái thu hồi do họ tự chủ động đưa ra đề xuất với Pháp sau sự việc ở Ireland hồi tháng 8.
"Ngoài việc chủ động thu hồi sản phẩm tại thị trường Pháp, các đại lý cũng thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng và các cơ quan chức năng về các lô sản phẩm trên", đại diện Acecook nói.
Trước đó ngày 20/8, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất EO, trong đó có mỳ Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77 g, lô hạn sử dụng đến 24/9/2022) và miến Good vị sườn heo (loại 56 g, lô hạn sử dụng đến 10/11/2022) do Acecook Việt Nam sản xuất.
Đến ngày 28/8, EU tiếp tục đưa cảnh báo sản phẩm mì khô vị bò gà có tên tiếng Anh “Dried noodles with chicken and beefspices” của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương và thu hồi lại mặt hàng này ở thị trường Na Uy.
Ngay sau khi sản phẩm của Acecook bị thu hồi tại Ireland và cảnh báo ở Hà Lan, Đức tháng 8 vừa qua, Bộ Công thương đã tiến hành rà soát và kiểm tra lại toàn bộ danh mục sản phẩm cũng như quy trình sản xuất sản phẩm đang phân phối của doanh nghiệp. Theo đó, kết quả cho thấy các sản phẩm được bán trong nước của Acecook Việt Nam đều không chứa EO.
Đại diện Bộ Công thương cũng cho biết thêm, Bộ đã mở rộng kiểm tra với các sản phẩm mỳ ăn liền của nhãn hàng này ở Việt Nam. Do quy mô kiểm tra, rà soát trên phạm vi rộng, kết quả cuối cùng đang được các cơ quan liên quan tổng hợp và công bố khi có kết quả.
Đồng thời, Bộ đang phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự thảo quy định về tiêu chuẩn liên quan tới chất EO trong thực phẩm, thay thế cho quy định trước đó nhằm phù hợp với thực tế và các tiêu chuẩn mới, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Thực tế, nhiều quốc gia cũng chưa có quy định về việc sử dụng EO trong nông nghiệp, thực phẩm hay dư lượng của chất này trong thực phẩm.
Các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm chưa ban hành quy định về giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm, trong khi một số ít quốc gia và khu vực đã đưa ra quy định nhưng với sự chênh lệch rất lớn.