"Tình trạng tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu đã qua. Nhưng không phải mọi vấn đề của ngành vận tải biển đều biến mất", ông Esben Poulsson - Chủ tịch Phòng Vận chuyển Quốc tế - nói với CNBC.
Ông cho rằng điều tồi tệ nhất đã qua. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn sẽ gặp phải những biến động. Theo ông Poulsson, năm nay, các nhà bán lẻ đặt hàng từ sớm và tránh được tình trạng thiếu hàng.
"Ngoài ra, các tàu container mới chuẩn bị được đưa vào sử dụng. Công suất hiện tại sẽ được tăng thêm trong vòng 24-36 tháng tới", ông nhận định.
Giới quan sát cho rằng tình trạng tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu đã qua đi. Ảnh: Reuters.
"Điều tồi tệ nhất đã qua"
Sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch, thương mại toàn cầu đã phục hồi mạnh mẽ. Trước đó, cước phí vận tải tăng vọt do các công ty vận tải biển, nhà cung cấp dịch vụ hậu cần và cảng biển phải vật lộn để theo kịp đà tăng vọt của khối lượng hàng hóa.
Ngay cả khi những con tàu container cập bến, hàng hóa cũng sẽ bị dồn vào hàng nghìn container khác đang mắc kẹt ở cảng. Chúng cần đến số lượng lớn xe tải và xe kéo trong một thời gian ngắn.
Trong khi đó, những đợt bùng phát dịch mới tại châu Á đã đe đọa nguồn cung hàng hóa từ đồ điện tử, phụ tùng ôtô, cà phê đến quần áo.
Theo chỉ số The World Container Index của hãng tư vấn và nghiên cứu hàng hải Drewry, giá cước vận tải toàn cầu đã giảm 0,5% xuống 9.146 USD/container 12 m trong tuần 15-21/11 so với một tuần trước đó. Tuy nhiên, giá vẫn tăng 238% trong vòng một năm qua.
Ông Poulsson cho rằng ngành vận tải biển vẫn còn đối mặt với một số vấn đề kéo dài. Một trong số đó là tiến độ tiêm chủng cho các thủy thủ còn chậm.
Tình trạng tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu đã qua. Nhưng không phải mọi vấn đề của ngành vận tải biển đều biến mất
Ông Esben Poulsson, Chủ tịch Phòng Vận chuyển Quốc tế
Nhiều quốc gia vẫn áp đặt các hạn chế di chuyển để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Điều đó khiến một số thủy thủ không thể di chuyển giữa nơi làm việc và nước cư trú.
Một báo cáo của Diễn đàn Hàng hải Toàn cầu cho biết tỷ lệ thuyền viên được tiêm chủng đã tăng từ 31% trong tháng 10 lên 41% vào tháng này. "Nhưng vấn đề này vẫn chưa biến mất", ông Poulsson nhận xét.
Ngoài ra, theo giới quan sát, quá trình phục hồi còn bị cản trở bởi nhu cầu mạnh mẽ tại phương Tây, tình trạng tắc nghẽn cảng biển, thiếu hụt tài xế xe tải và giá cước vận tải toàn cầu vẫn ở mức cao. Cùng với đó là rủi ro thiên tai và các đợt bùng phát Covid-19.
Số lượng tàu chờ dỡ hàng tại các cảng Los Angeles và Long Beach (Mỹ) đã giảm đi nhưng vẫn ở gần mức kỷ lục. 71 tàu container neo đậu ngoài khơi hôm 19/11, theo Marine Exchange of Southern California.
17 tàu khác dự kiến tới nơi trong vòng 3 ngày tới. Hôm 16/11, con số lên tới 86 tàu. Việc tàu container neo đậu ngoài khơi vốn là điều bất thường trước khi đại dịch bùng phát.
Vấn đề dai dẳng
Còn trên toàn cầu, theo nhà cung cấp dữ liệu eeSea, so với tháng 9, tình trạng chậm trễ trong vận chuyển đã giảm bớt vào tháng 10. Nhưng số lượng tàu chờ bên ngoài các cảng vẫn không giảm nhiều.
Tính đến sáng 19/11, 500 tàu container lớn đang chờ cập cảng bên ngoài các cảng châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, tăng nhẹ so với con số 497 ngày 8/10.
Nhiều chuỗi siêu thị lớn như Walmart Inc., Home Depot Inc. và Target Corp. đã sẵn sàng cho kỳ nghỉ lễ. Họ nhập hàng sớm hơn bình thường trong năm nay.
Nhưng hầu hết doanh nhân trong ngành đều tin rằng vấn đề vẫn chưa kết thúc. Họ lo ngại vấn đề tại các cảng biển và đường bộ. Một số nhà bán lẻ báo cáo tỷ suất lợi nhuận thấp hơn vì chi phí vận chuyển tăng cao.
Dù tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu đã được cải thiện, hầu hết nhà bán lẻ Mỹ vẫn lo ngại vấn đề tại các cảng biển và đường bộ. Một số nhà bán lẻ báo cáo tỷ suất lợi nhuận thấp hơn vì chi phí vận chuyển tăng cao. Ảnh: Reuters.
"Thời gian vận chuyển hàng hóa từ Đức đến Anh mất tới 6 tuần. Trước kia, chúng tôi chỉ phải chờ 2 tuần", bà Christine Humphreys - nhà đồng sáng lập của Mindful Drink Company Ltd. - cho biết.
Tại Mỹ - điểm đến của nhiều lô hàng được sản xuất tại châu Á, tình trạng tắc nghẽn vẫn chưa có nhiều dấu hiệu thuyên giảm. Gần đây, các tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa đã dỡ bỏ hạn chế đối với hàng hóa nhập cảnh vào những bến cảng bị tắc nghẽn ở khu vực Chicago.
Nhưng những thùng hàng vẫn chất đống tại cảng Los Angeles và Long Beach. Theo các hãng vận tải, tình trạng tắc nghẽn của những tàu container ngoài khơi cho thấy dòng chảy vận chuyển trong nước vẫn chưa được cải thiện.