Vậy điều gì tác động đến giá cổ phiếu của HSG?
Báo cáo luỹ kế 6 tháng đầu năm niên độ tài chính 2021-2022 (từ ngày 01/01 đến ngày 31/03/2022) HSG ghi nhận doanh thu thuần đạt 29.595 tỷ đồng, tăng 48% nhưng lãi sau thuế của HSG chỉ đạt 872 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ.
Niên độ 2021 – 2022, HSG đặt mục tiêu doanh thu gần 46.399 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 1.500 - 2.500 tỷ đồng. Sau 6 tháng, HSG mới thực hiện gần 64% kế hoạch doanh thu và khoảng 35-58% kế hoạch lợi nhuận.
Tại ngày 31/3/2022, tổng tài sản của HSG đạt 22.212 tỷ đồng, giảm 17% so với ngày 1/10/2021. Trong đó, hàng tồn kho của HSG chiếm tỷ trọng lớn nhất với 11.625 tỷ đồng, tương đương hơn 52% tổng tài sản. Ở cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ của HSG giảm 32% còn 10.708 tỷ đồng. Vay nợ ngắn hạn tăng 24% lên mức 6.721 tỷ đồng.
Báo cáo nhận định về HSG, Công ty Chứng khoán Viet Capital cho rằng mức giảm trong lợi nhuận quý 2/2022 là do chênh lệch giữa giá thép cuộn cán nóng (HRC) đầu vào và giá bán tôn mạ thành phẩm trong quý 2/2022 thấp hơn so với năm tài chính 2021. Diễn biến này dẫn đến biên lợi nhuận gộp của HSG giảm mạnh.
Trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt, đặc biệt là ở châu Âu - do xung đột Nga-Ukraine và Trung Quốc gia tăng các biện pháp kiểm soát zero-COVID đã dẫn đến việc phong tỏa ở nhiều vùng. Diễn biến giá này tạo cơ hội cho các công ty tôn mạ mua HRC đầu vào khi giá được cho là thấp và kỳ vọng sẽ phục hồi. Do đó, trong quý 3/2022 (từ ngày 01/04 đến ngày 30/06/2022), Viet Capital kỳ vọng diễn biến này sẽ giảm áp lực lên biên lợi nhuận cho các công ty tôn mạ trong đó có HSG trong thời gian tới.
Tuy nhiên nhìn từ góc độ của nhà đầu tư theo sát thị trường cho thấy, thực tế thời gian qua cùng với biến động thị trường giá cổ phiếu HSG đã giảm sâu từ vùng đỉnh 45.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 15.600 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 24/6, rất nhiều nhà đầu tư đã lỗ ròng hơn 60% tài sản khi trót đầu tư vào cổ phiếu HSG. Trong một động thái khác, trước biến động quá lớn của thị trường, Công ty của ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen có tên Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen đã liên tục bán ra cổ phiếu.
Công ty này mới đây đã đăng ký bán toàn bộ hơn 17,74 triệu cổ phiếu HSG giảm tỷ lệ sở hữu từ 3,6% xuống 0%. Thời gian giao dịch dự kiến là 23/6-22/7 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh với mục đích giải quyết nhu cầu tài chính của công ty.
Theo dữ liệu từ sàn HOSE, trong phiên giao dịch 24/6, cổ phiếu HSG có 5 lệnh giao dịch thoả thuận với tổng khối lượng đúng bằng số cổ phiếu mà công ty này đăng ký bán. Các lệnh được thực hiện tại giá sàn 14.100 đồng, trong khi thị giá HSG hôm qua có thời điểm chạm trần 16.200 đồng/cp. Chốt phiên giao dịch cổ phiếu HSG đóng cửa ở mức 15.900 đồng/cp. Sau đợt bán giảm tỷ lệ sở hữu về 0. Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen thu được 250 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2021, công ty này đã có 2 đợt bán cổ phiếu đưa tỷ lệ sở hữu từ mức 16,45% về còn 3,63% và nay đã chính thức thoái hết.
Bình luận về đợt giảm tỷ lệ cổ phiếu về 0%, các chuyên gia cho rằng việc Công ty giảm tỷ lệ về 0% cho thấy dấu hiệu của việc ông Vũ rút khỏi công ty. Theo báo cáo tài chính niên độ 2020-2021 của HSG, ông Vũ là cổ đông lớn nhất khi nắm 84,32 triệu cổ phiếu, tương ứng 17,09% vốn. Đợt thoái vốn được công ty riêng của ông Vũ thực hiện trong giai đoạn thị giá HSG giảm sâu, cổ phiếu HSG tiếp tục giảm mạnh mà động thái này cho thấy thị giá của HSG có thế giảm về dưới giá trị sổ sách...
Tại ĐHĐCĐ HSG đã thông qua cổ tức bằng cổ phiếu năm tài chính 2021 tối đa là 20%. Cổ đông đã thông qua kế hoạch chia cổ tức năm tài chính 2021 với mức cổ tức tối đa 20% bằng cổ phiếu. HSG cũng vừa hoàn thành kế hoạch ESOP năm 2022. Cổ đông đã thông qua kế hoạch ESOP cho ban lãnh đạo và nhân sự chủ chốt của HSG vào năm 2022, tương đương tối đa 1% tổng số cổ phiếu đang lưu hành (4,9 triệu cổ phiếu). Giá phát hành của ESOP lần này sẽ là 10.000 đồng / cổ phiếu...
Việc liên tục chia và phát hành cổ phiếu bằng giấy đã khiến cho cổ phiếu HSG bị pha loãng. Trước làn sóng tăng giá của các loại hàng hóa trên thế giới, ngành thép được đánh giá có triển vọng. Tuy nhiên, không phải cổ phiếu nào trong ngành cũng cũng mang lại lơị nhuận đầu tư…
Về cơ bản, sự phân hóa về giá của cổ phiếu ngành thép phản ánh chất lượng và triển vọng của từng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có mảng kinh doanh cốt lõi tăng trưởng tốt sẽ vẫn là nhóm thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý là không ít cổ phiếu ngành thép đã tăng giá mạnh trong cả năm 2021 nên dư địa tăng để tăng tiếp trong năm 2022 không còn nhiều.
Do vậy, trong quá trình “đãi cát tìm vàng” cổ phiếu ngành thép, nhà đầu tư sẽ phải theo sát tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp và việc triển khai dự án đầu tư, thậm chí chọn Ban Lãnh đạo để đưa ra quyết định mua, bán cổ phiếu. Với việc Công ty con của Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen giảm tỷ lệ sở hữu về 0% thì nhà đầu tư cũng cần cân nhắc khi mua vào…