Việt Nam đã sẵn sàng đón “đại bàng” trong ngành bán dẫn

16/12/2023 16:53

Việt Nam đang ngày càng khẳng định mình là trung tâm tăng trưởng kinh tế mới của châu Á với vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, liên tục nhận nguồn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia.

Xây dựng nền tảng để đón “đại bàng” trong ngành bán dẫn

Vài năm trở lại đây, Việt Nam đã có những định hướng và hành động cụ thể, nhất quán khi xây dựng những nền tảng quan trọng ban đầu cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Cụ thể, tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 07/8/2023 của Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp bán dẫn đầu tư tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, tháng 11/2023 vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng một Nghị định thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án trong ngành công nghiệp bán dẫn, dự kiến sẽ sớm ban hành vào giữa năm 2024.

Việt Nam cũng vừa thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), là cơ quan của quốc gia thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ cao, đặc biệt là ngành bán dẫn.

viet nam da san sang don dai bang trong nganh ban dan hinh 1

Cơ sở của NIC tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẵn sàng hỗ trợ, đón nhận các dự án đầu tư nghiên cứu và phát triển từ các doanh nghiệp bán dẫn.

Quy hoạch điện VIII cũng đã được Chính phủ phê duyệt, đảm bảo ưu tiên cung cấp điện ổn định cho các dự án đầu tư và hướng tới đảm bảo năng lượng bền vững.

Các địa phương, Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và đơn vị phát triển hạ tầng hôm nay cũng đã khẳng định cam kết cung cấp điện, nước ổn định, phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp bán dẫn.

Việt Nam có 3 Khu công nghệ cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với cơ chế, chính sách đặc biệt thuận lợi và ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghệ cao; đồng thời đã phát triển hệ thống các khu công nghiệp, khu kinh tế với hạ tầng, mặt bằng đồng bộ và hiện đại sẵn sàng phục vụ các dự án đầu tư.

Trên thực tế, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số và sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ cao.

Việt Nam đang ngày càng khẳng định mình là trung tâm tăng trưởng kinh tế mới của châu Á với vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, liên tục nhận nguồn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia.

Ông John Neuffer - Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) cho biết: Các doanh nghiệp thành viên của SIA, bao gồm Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon,... đều có khoản đầu tư tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đang tăng gấp đôi số tiền đầu tư của họ.

“Những khoản đầu tư này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Chúng tôi nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu” - ông John Neuffer nói.

Mới đây nhất, trong một tọa đàm diễn ra vào ngày 11/12, Chủ tịch của Tập đoàn Nvidia - ông Jensen Huang đã khẳng định Việt Nam có tiềm năng lớn và cơ hội trong ngành công nghiệp bán dẫn và AI, đặc biệt là nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Ông Jensen Huang nêu rõ: “AI là làn sóng mới đã xuất hiện và có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay. Hiện nay là cơ hội phi thường cho Việt Nam. Việt Nam đã chuẩn bị tốt và đây là thời cơ của các bạn”.

Theo Chủ tịch Nvidia khẳng định, sẽ mở rộng hơn nữa mối quan hệ đối tác đã có sẵn với Việt Nam, đương nhiên sẽ đóng góp cho AI Việt Nam trong tương lai.

 

“Chúng tôi cam kết để biến Việt Nam thành quê hương thứ hai và thành lập pháp nhân tại Việt Nam” - ông Jensen Huang nói.

Cũng theo Chủ tịch Nvidia, Việt Nam có nền giáo dục và hạ tầng tốt, chỉ cần khích lệ các thế hệ mới để bước vào thế giới AI, khích lệ các chuyên gia, kỹ sư Việt Nam ở nước ngoài về quê hương.

“Vấn đề hiện giờ là cần năng cao kỹ năng và xây dựng 1 triệu chuyên gia AI. Đây sẽ là đội ngũ hùng hậu nhất trên thế giới. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để nâng cao kỹ năng và hạ tầng AI” - ông Jensen Huang nhấn mạnh.

Đâu là “con át” chủ bài của Việt Nam?

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào năm 2022, Việt Nam là quốc gia xếp thứ 2 thế giới về trữ lượng đất hiếm, đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng sau Trung Quốc với 44 triệu tấn. Đây được coi là một trong những nguyên liệu quan trọng để sản xuất chất bán dẫn cho các ngành công nghệ cao.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, GS.TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, với trữ lượng đất hiếm lớn, trữ lượng vonfram đáng kể, Việt Nam đang có lợi thế quan trọng trong việc thu hút các “ông lớn” trong ngành sản xuất chất bán dẫn.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, từ năm 2022 trở trước, Việt Nam mới chỉ khai thác ở mức cầm chừng. Ví dụ như năm 2022, khai thác khoảng 4.500 tấn đất hiếm, thu về hơn 200 triệu USD. Tuy nhiên, sang năm 2024, Việt Nam sẽ có lượng đất hiếm đầu tiên với số lượng lớn, dự kiến là khoảng 200.000 tấn.

“Hiện các quốc gia có nền sản xuất công nghệ cao hàng đầu thế giới như: EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều rất cần đất hiếm, đây chính là lợi thế hàng đầu của Việt Nam” - GS. Nguyễn Mại nói.

Trong khi đó, ông Võ Hồng Phúc - nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: Từ những năm 1970 - 1972, một số đoàn chuyên gia của Nhật Bản đã khám phá ra Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn.

Tuy nhiên, các mỏ đất hiếm tại Việt Nam được chia làm 2 loại dựa vào các nguyên tố có bên trong, đó là đất hiếm chứa các nguyên tố nặng và đất hiếm chứa các nguyên tố nhẹ. Các loại đất hiếm nguyên tố nhẹ được sử dụng để sản xuất pháo, thuốc nhuộm và ứng dụng trong một số ngành nghề khác.

Trong khi đó, khi đất hiếm nguyên tố nặng mới có giá trị, nó có tính ứng dụng rất cao, được sử dụng trong ngành công nghiệp vũ trụ, chất bán dẫn, hoặc làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm trong ngành năng lượng tái tạo.

“Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn, nhưng các mỏ đất hiếm chứa nguyên tố nặng có trữ lượng thấp hơn. Trong thời gian qua, chúng ta cũng đang tiếp tục khảo sát, nghiên cứu các mỏ đất hiếm mới, để xác định nguyên tố trong đó. Do đó, đừng nghĩ đất hiếm là con át chủ đạo, nó chỉ là một phần trong lợi thế của Việt Nam thôi” - ông Phúc nói.

Theo ông Võ Hồng Phúc, để tạo ra điểm nhấn thu hút “đại bàng” trong ngành bán dẫn, Việt Nam cần chú trọng trong khâu đào tạo nhân sự, nhất là các kỹ sư trong ngành công nghiệp này.

Liên quan tới vấn đề nguồn nhân lực, các “ông lớn” trong ngành bán dẫn của Mỹ cũng bày tỏ quan tâm tới lĩnh vực này.

Theo đại diện của Marvell Việt Nam cho biết trong suốt 10 năm qua, công ty có một cam kết rất rõ trong 3 - 5 năm tới phát triển nhân lực thông qua hợp tác với các trường Đại học, viện nghiên cứu cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam. Bảo hộ trí tuệ sáng tạo là vô cùng quan trọng để công ty có thể đầu tư tại Việt Nam. Công ty mong đợi có thể hợp tác với các công ty thành viên, các bộ ngành ở đây để phát triển ngành bán dẫn Việt Nam.

Trong khi đó, Infineon đã quan sát được một thực tế là sự khó khăn trong phát triển nguồn nhân sự chất lượng cao. Vì thế Infineon đặt ra một cam kết rất mong muốn phối hợp với các doanh nghiệp, trường đại học tại Việt Nam, đặc biệt tại Hà Nội để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn Việt Nam.

Việt Vũ

 

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam đã sẵn sàng đón “đại bàng” trong ngành bán dẫn" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).