Trong quý II/2022, thu nhập lãi thuần của Vietinbank đạt 11.972 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ dịch vụ đạt 1.560 tỷ đồng, tăng 15%. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 813 tỷ đồng, tăng 57,5%. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 238 tỷ đồng, tăng gần 11 lần.
Hoạt động mua bán chứng khoán lỗ 7,4 tỷ đồng, trong khi cùng quý II/2021 lãi 72 tỷ đồng. Hoạt động khác lãi thuần 1.111 tỷ đồng, giảm 2%.
Ở chiều ngược lại, chi phí hoạt động của VietinBank chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 17%, điều này giúp ngân hàng tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng.
Kết quả, ngân hàng này đã thu về 5.785 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý II, tăng 107% so với cùng kỳ. Trước đó, trong quý II/2021, lợi nhuận VietinBank giảm mạnh do ngân hàng tăng gấp 3 chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp cũng ghi nhận mức tăng tương ứng, đạt 4.681 tỷ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, ngân hàng báo lãi 11.607 tỷ đồng, tăng 7% so với nửa đầu năm 2021, tương đương gần 60% kế hoạch năm. Trong đó, thu nhập thuần bán niên đạt 22.118 tỷ đồng, tăng 3%. Hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 1.597 tỷ đồng, tăng 86%, Hoạt động khác lãi gần 3.000 tỷ đồng, tăng 90%. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lãi 49 tỷ đồng, giảm 80%. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lãi 5,8 tỷ, trong khi cùng kỳ lỗ 88 tỷ đồng.
Tính đến 30/6, tổng tài sản đạt 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 10,4% so với đầu năm. Tiền mặt ghi nhận có 9.828 tỷ đồng, giảm 13,3%, tiền gửi Ngân hàng Nhà nước tăng 7,6% lên hơn 25.161 tỷ đồng, tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng tăng 26% lên 188.405 tỷ đồng.
Ngoài ra, bên cạnh chỉ tiêu cho vay khách hàng đạt hơn 1,238 triệu tỷ, tăng 9,5%, chỉ tiêu tiền gửi của khách hàng tại VietinBank cũng đã vượt mốc 1,205 triệu tỷ, tăng 3,8%. Tính riêng quý II, tăng trưởng cho vay của nhà băng này chỉ đạt 0,72%, thấp hơn nhiều so với quý I đạt gần 8,8%.
Điều này xuất phát từ việc VietinBank năm nay được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 10%. Tuy nhiên, việc ghi nhận dư nợ cho vay tăng cao trong quý I đã khiến nhà băng này phải giảm tốc cho vay trong quý II để không vượt trần cơ quan quản lý cho phép.
Đáng lưu ý, tổng nợ xấu ở mức 16.666 tỷ đồng, tăng 16,5%. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 2,2 lần lên hơn 11.858 tỷ đồng; nợ nhóm 3 và nhóm 4 ghi nhận giảm lần lượt 53% và 26%, tương ứng với 3.330 tỷ đồng và 1.478 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cho vay khách hàng tăng từ 1,26% lên hơn 1,34%.