Khi không còn thông tin gì để bấu víu, một số nhà đầu tư có kinh nghiệm đã nhìn vào diễn biến của thị trường chứng khoán phái sinh để xác định các nhịp ngắn hạn nhằm mua bán. Trong diễn biến thị trường giảm điểm, kết hợp với đó là sự chán nản của nhà đầu tư, thời điểm khối lượng giao dịch tại thị trường phái sinh tăng đột biến và cao hơn lịch sử thì thị trường cho tín hiệu tạo đáy ngắn hạn.
Phiên 21/6/2022, thanh khoản của thị trường phái sinh đạt 504.516 hợp đồng được khớp - con số kỷ lục từ lúc thị trường này đi vào hoạt động năm 2017 đến nay - và thị trường đã phục hồi sau đó.
Thị trường chứng khoán tuần qua có một số phiên khởi sắc ngay đầu tuần nhờ động lực dẫn dắt chính từ nhóm ngân hàng khi phiên ngày thứ Hai có tới 17/27 cổ phiếu ngân hàng tăng trên 3%. Trụ đỡ này giúp VN-Index có 2 phiên tăng điểm tốt, với thanh khoản cải thiện, đồng thời chỉ số VNMidcap và VNSmallcap cũng đồng thuận ủng hộ thị trường chung đi lên.
Nhóm cổ phiếu có sóng tuần qua là nhóm ngân hàng - chứng khoán, đà tăng của nhóm này cho thấy mức độ lợi nhuận kỳ vọng của một bộ phận nhà đầu tư.
Xu hướng dòng tiền cho thấy thị trường có sự phân hóa rất rõ, có cổ phiếu giảm mạnh và cũng có cổ phiếu tăng mạnh, dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư có sự dịch chuyển khỏi các cổ phiếu không có mức giảm mạnh trong đợt vừa qua để mua các cổ phiếu có giá chiết khấu hấp dẫn, với kỳ vọng trở về mức kháng cự gần nhất.
Trong tuần qua, ngưỡng 1.225 điểm là kháng cự cứng (mức giá cao nhất của một chứng khoán trong một khoảng thời gian nhất định và tại đó có một số lượng lớn người bán muốn bán chứng khoán này), VN-Index đã không đủ động lực để xuyên phá. Nhiều nhà đầu tư theo dõi VN-Index ở vùng giá này, do đó, không quá kỳ vọng vào sức mạnh của đợt tăng.
Hai phiên cuối tuần, thị trường đón nhận số liệu báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Thống kê.
Các số liệu báo cáo rất tích cực với GDP quý II tăng trưởng 7,72%, cao nhất trong hơn 10 năm, nhưng lực cầu trên thị trường vẫn rất yếu ớt, cho thấy mức độ thận trọng ở các nhà đầu tư.
Xét về yếu tố định giá, có thể thấy đợt giảm mạnh của thị trường trong những tháng qua đã đưa mặt bằng giá các cổ phiếu về gần bằng vùng đáy xác lập vào tháng 3/2020. Điều này đồng nghĩa với cơ hội cho các nhà đầu tư giải ngân mới ở các ngành hồi phục sau đại dịch và không bị ảnh hưởng nhiều bởi lạm phát tăng, đặc biệt lợi nhuận sẽ vượt trội ở nhóm ngành được hưởng lợi.
Với những nhà đầu tư bám sàn giao dịch thường xuyên, vòng quay của tiền hiện nay rất ngắn, không đủ T+3 khi những cổ phiếu nay tăng trần mai đã có thể giảm sâu. Chỉ những nhà đầu tư có sẵn hàng trong tài khoản may ra mới kiếm được lợi nhuận.
Trong thị trường tâm lý yếu như hiện tại, nhà đầu tư nên chú ý đến 2 ngưỡng kháng cự phía trên (như đồ thị) là 2 vùng kháng cự gần nhất của VN-Index. Việc xác định được các mốc kháng cự trong sự phục hồi của thị trường sẽ giúp nhà đầu tư xác định được vùng nào có lực bán mạnh, từ đó có thêm dữ kiện củng cố cho điểm mua, điểm bán, tránh trường hợp FOMO theo thị trường chung.
Tất nhiên, việc xác định kháng cự chỉ là điều kiện cần, từ các phân tích kỹ thuật để đến hành động cụ thể và kiên định với tín hiệu phân tích sẽ giúp nhà đầu tư có những hành động hiệu quả hơn.
Dứt khoát và quyết liệt hơn để làm gọn danh mục, cũng như hành động tái cơ cấu để đảm bảo khoản đầu tư sinh lời của mình tốt hơn có lẽ là chìa khóa cho thành công trên thị trường chứng khoán năm 2022. Bởi lẽ, nhà đầu tư khó có thể trông chờ vào những nhịp tăng mạnh không rõ lý do, hay kỳ vọng vào những nhịp kéo mạnh của các cổ phiếu theo game.