Không chỉ là một nhạc sĩ, một ca sĩ rất nổi tiếng và được nhiều khán giả yêu thích, Thanh Bùi hiện còn đứng vai trò như một nhà giáo dục với tham vọng gây dựng một hệ thống trường mầm non song ngữ, theo triết lý giáo dục Reggio Emilia đầu tiên tại Việt Nam mang tên Em Maison. Chia sẻ về lý do chọn triết lý giáo dục này làm định hướng hoạt động và phát triển cho hệ thống trường mầm non của mình, Thanh Bùi từng cho biết: “Triết lý Reggio Emilia Approach tin rằng trẻ em sinh ra với ‘100 ngôn ngữ’ cùng khả năng và sự sáng tạo riêng. Hiện thực tại Việt Nam có thể thấy, chúng ta đang áp đặt mong muốn của người lớn vào trẻ em”. Cũng theo Thanh Bùi, Em Maison là trường học của Việt Nam, có kết hợp giáo trình và văn hoá bản địa. Được biết, Hệ thống Giáo dục Mầm non Em Maiso thuộc Tổ chức Giáo dục Global Embassy.
Đây cũng chính là ngôi trường chia sẻ cùng hệ sinh thái giáo dục tối ưu với trường Mầm non
Thế giới Mặt trời (Little Em’s Preschool) – một trong 4 ngôi trường Reggio Emilia chính thống trên thế giới và cũng là mô hình đầu tiên tại Việt Nam. Ngày 18/5/2022, Thanh Bùi đã cùng Tổ chức Giáo dục Global Embassy thành lập hệ thống giáo dục mầm non Em Maison tại TP.HCM, dự định sắp tới sẽ mở rộng tại Bình Dương.
Được hành lập từ cuối năm 2018, Tổ chức Giáo dục Embassy Education là thành viên thuộc
Công ty CP Quản lý En Pointe, nơi Thanh Bùi đang giữ chức Chủ tịch. Embassy Education
chuyên hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và đầu tư giáo dục, là đơn vị được Reggio Children
công nhận đối tác trong việc phát triển hình ảnh và triển khai phương pháp dạy tại Việt Nam.
Embassy Education hiện họat động với 4 thành viên là Trường mẫu giáo Little Em’s; Hệ thống trường liên cấp từ tiểu học đến phổ thông Royal Embassy Academy đang xây dựng; Học viện âm nhạc và trình diễn nghệ thuật Soul Music and Performing Arts Academy; và dịch vụ tư vấn – hỗ trợ Global Embassy.
Về Công ty CP Quản lý En Pointe, đây vốn là một doanh nghiệp khá “đình đám” được thành
lập từ tháng 5/2018 với vốn điều lệ ban đầu 1,95 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật của En Pointe là bà Trương Huệ Vân (SN 1988, vợ nhạc sĩ Thanh Bùi). Bà Trương Huệ Vân là cháu gái doanh nhân Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, thuộc thế hệ thứ tư của gia tộc họ Trương – một gia tộc từ lâu đã vô cùng nổi tiếng về sự giàu có.
Bà Trương Huệ Vân hiện đang giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ngoài
ra, bà Vân còn là người đại diện pháp luật của hàng loạt doanh nghiệp khác có liên quan tới hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát như: Công ty CP Tập đoàn Quản lý Bất động sản
Windsor, Công CP Thiết kế và Trang trí nội thất Norah,…
Ngoài Tổ chức Giáo dục Embassy Education, Công ty En Pointe còn quản lý các công ty thành viên trong lĩnh vực truyền thông giải trí như: Amberstone Media, InQ International, Renaissance Collection, Purpose Media…; các đơn vị trong lĩnh vực giáo dục như tổ chức phi chính phủ AMPA Education và các công ty khác.
Dù những người quản lý và điều hành En Pointe đều là nghệ sĩ nổi tiếng và doanh nhân “con nhà nòi” của gia tộc giàu có bậc nhất Việt Nam, thế nhưng suốt một thời gian dài sau khi được thành lập, Công ty CP Quản lý En Pointe vẫn chưa phát sinh doanh thu trong năm 2018 và 2019. Số tiền vỏn vẹn hơn 1 triệu đồng chính là khoản thu duy nhất đến từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp có vốn điều lệ gần 2 tỷ đồng mang tên En Pointe.
Kinh doanh “bết bát” là vậy, nhưng để duy trì hoạt động, En Pointe vẫn phải chi trả và trang trải khoản chi phí quản lý doanh nghiệp hàng năm lên đến hàng tỷ đồng; đặc biệt là khoản tiền chi trả cho người lao động. Các khoản chi phí này ngày càng “phình to” qua từng năm, khi tăng vọt từ con số 420 triệu đồng năm 2018 lên mức 6,3 tỷ đồng vào năm 2019. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến En Pointe lỗ đến gần 8,7 tỷ đồng năm 2019; trong khi cùng kỳ năm 2018 chỉ lỗ hơn 1 tỷ đồng.
Đến năm 2020, En Pointe của cặp vợ chồng doanh nhân – nghệ sĩ nổi tiếng được tăng vốn lên 6 tỷ đồng và bắt đầu có những điểm sáng “le lói” khi phát sinh doanh thu 3,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, do phải gánh những khoản chi phí quá lớn, doanh thu không đủ bù đắp được chi phí nên En Pointe tiếp tục lỗ nặng 12,5 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu âm đến hơn 20 tỷ đồng. Việc mở rộng Hệ thống Giáo dục Mầm non Em Maison có thể “ngốn” tới nhiều tỷ đồng sẽ tạo ra áp lực và gánh nặng về tài chính rất lớn lên Em Pointe.
Bên cạnh việc mở rộng Em Maison, nghệ sĩ Thanh Bùi hiện còn đang ấp ủ kế hoạch xây dựng một trường liên cấp 1, 2 và 3 dùng mô hình giáo dục, nghệ thuật và thể thao toàn diện theo phương pháp Phenomenal Learning Approach, dự kiến sẽ mở cửa vào năm 2022. Và với bức tranh tài chính doanh nghiệp chỉ toàn những gam màu ảm đạm như hiện nay, không rõ vợ chồng Thanh Bùi và En Pointe sẽ lấy đâu ra nguồn lực để tiếp tục hiện thực hóa những kế hoạch của mình?