“Vốn mỏng”, Tập đoàn Hapaco có đủ sức đầu tư loạt dự án hàng nghìn tỷ đồng

11/03/2021 13:47

Lợi nhuận bèo bọt, tài sản vài trăm tỷ đồng nhưng chủ yếu nằm trong khoản phải thu khách hàng... những yếu tố này cho thấy nghi vấn về năng lực của CTCP Tập đoàn Hapaco để thực thi nhiều dự án quy mô lớn lên tới hàng nghìn tỷ đồng...

Hội đồng quản trị Cổ phần Tập đoàn Hapaco (HoSE: HAP) vừa quyết định một số nội dung báo cáo và công tác chuẩn bị cho Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, dự kiến diễn ra vào ngày 14/3 tới đây.

Theo đó, nội dung được trình là việc đầu tư dự án điện gió tại Gia Lai với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng, dự án trung tâm chăm sóc người cao tuổi 23ha tại Thủy Nguyên (Hải Phòng), chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các mảnh đất thuộc tập đoàn tại Hải Phòng sang đất ở, nghiên cứu các hướng đi mới như làm nhà ở xã hội, xuất khẩu lao động sang Đài Loan…

“Vốn mỏng” Tập đoàn Hapaco có đủ sức đầu tư loạt dự án hàng nghìn tỷ đồng

Hapaco muốn đầu tư dự án điện gió 4.000 tỷ đồng ở Gia Lai.

Thực tế, không phải bây giờ mới nổi lên thông tin Hapaco có tham vọng đầu tư các dự án quy mô lớn, trước đó, doanh nghiệp này cũng đã từng công bố kế hoạch đầu tư hàng loạt dự án phát triển đến năm 2020, nhưng đến nay vẫn là một ẩn số.

Chưa nói tới dự án điện gió tại Gia Lai với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng, trước đây, Hapaco đã đưa ra kế hoạch mua thêm hơn 9,65 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Green. Giá mua dự kiến là 14.600 đồng/cổ phần và số tiền mà công ty chi cho thương vụ này là 140,9 tỷ đồng.

Bên cạnh việc đầu tư cho Bệnh viện Quốc tế Green, Hapaco cũng có kế hoạch đầu tư một dự án y tế khác là dự án Bệnh viện Đa khoa quốc Việt - Hàn. Đây cũng là dự án hợp tác giữa Hapaco và Yuil Trading Corporation (Hàn Quốc), đối tác của công ty trong Dự án Bệnh viện Quốc tế Green. Dự án Bệnh viện Việt - Hàn có quy mô 800 giường bệnh và tổng vốn đầu tư lên tới 2.400 tỷ đồng.

Bên cạnh hợp tác với đối tác Hàn Quốc, Hapaco còn hé lộ đang làm việc với đối tác Nhật Bản và Anh về hợp tác xây dựng trung tâm thương mại quốc tế, trong đó Hapaco góp 85 tỷ đồng trong liên doanh này. Hai dự án còn lại là dự án dây chuyền sản xuất giấy tissue công suất 17.000 tấn/năm và dự án tòa nhà văn phòng cho thuê với số vốn đầu tư lần lượt là 150 tỷ đồng và 164 tỷ đồng...

Mặc dù thông tin Hapaco mạnh dạn đầu tư các dự án quy mô lớn nhận được sự quan tâm và phản ứng khá mạnh của giới đầu tư, nhưng để có thể triển khai loạt dự án như kế hoạch, ngoài các thủ tục pháp lý phải thực hiện, thì năng lực tài chính trong đó việc thu xếp nguồn vốn và dòng tiền là một vấn đề rất lớn.

Theo báo cáo tài chính mới công bố, năm 2020, Hapaco đạt 334,5 tỷ đồng doanh thu giảm 11% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 34 tỷ đồng tăng 70%, trong đó lãi sau thuế công ty mẹ đạt 40,6 tỷ đồng và cổ đông không kiểm soát chịu lỗ 6,3 tỷ đồng.

Lợi nhuận thì bèo bọt, thực lực tài chính của Hapaco cũng không hoành tráng như các dự án nghìn tỷ đồng. Theo đó, tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Hapaco ở mức 808,4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 432,8 tỷ đồng; 376,5 tỷ đồng là tài sản dài hạn.

Đáng chú ý, tính đến cuối năm 2020, Hapaco chỉ sở hữu hơn 55 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Trong tổng tài sản thì các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới 253,8 tỷ đồng, hàng tồn kho chiếm tới 88,7 tỷ đồng; các khoản phải thu dài hạn cũng lên tới 77,5 tỷ đồng.

Như vậy, với tham vọng đầu tư các dự án hàng nghìn tỷ đồng song nguồn vốn lại không dồi dào, có lẽ, tới đây, Hapaco sẽ phải rất đau đầu với bài toán thu xếp tài chính, bởi ngay cả những doanh nghiệp nổi tiếng "lắm tiền nhiều của" như Vingroup, Sungroup hay như một "đại gia" ở Hải Phòng khác như Tập đoàn Tài chính Hoàng Huy cũng phải rất thận trọng trong việc rót vốn đầu tư.

Bạn đang đọc bài viết "“Vốn mỏng”, Tập đoàn Hapaco có đủ sức đầu tư loạt dự án hàng nghìn tỷ đồng" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).