Vốn ngoại rót vào bất động sản Việt Nam tăng gần gấp ba lần trong 5 tháng

01/06/2022 14:20

Dù nguồn cung dự án bất động sản mới hình thành, theo các báo cáo phân tích, đang trở nên khan hiếm nhưng dòng vốn đầu tư nước ngoài rót vào lĩnh vực này ở Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay vẫn tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Vốn ngoại rót vào bất động sản Việt Nam tăng gần gấp 3 lần trong 5 tháng. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Theo số liệu cập nhật mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 6,8 tỉ đô la Mỹ, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đáng chú ý, lĩnh vực kinh doanh bất động sản được cho là đang gặp nhiều khó khăn do khan hiếm nguồn cung dự án mới trong nhiều phân khúc cũng như vốn tín dụng trong nước đang siết chặt với chủ đầu tư nhưng vốn ngoại cam kết rót vào cao đứng thứ hai.

Cụ thể tổng nguồn vốn đầu tư cam kết vào bất động sản của nhà đầu tư ngoại trong 5 tháng đạt gần 3 tỉ đô la, chiếm 25,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nguồn vốn cam kết này cao gần gấp 3 lần vốn ngoại cam kết vào bất động sản Việt Nam của cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm ngoái tổng vốn đăng ký đạt hơn 1 tỉ đô la).

Theo các chuyên gia, điều này cho thấy lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam tiếp tục thu hút nguồn vốn ngoại, nhất là ở các thành phố lớn như khu vực Hà Nội, TPHCM… Tuy nhiên, một số địa phương gần như không có nguồn cung mới.

Nói riêng về thị trường bất động sản ở TPHCM, các chuyên gia và giới đầu tư kinh doanh bất động sản cho rằng nguồn cung nhiều loại hình bất động sản của thành phố đang rất thiếu. Ngoài việc không có nhiều dự án mới được triển khai, việc siết tín dụng cho vay bất động sản trong thời gian qua cũng là một rào cản,…

Về những ảnh hưởng của sự thay đổi trong khung pháp lý đến việc thu hút nguồn vốn FDI trong lĩnh vực bất động sản, luật sư Ngô Thị Vân Quỳnh, Công ty Luật TNHH An Legal, cho biết trong một hồi thảo vào cuối tuần rồi rằng những mặt tích cực của sự thay đổi trong khung pháp lý gồm nhiều Luật được sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là Luật Đầu tư 2020.

Nhiều luật và nghị định được ban hành để xử lý các vấn đề cấp bách của thực tiễn, việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư.

Nhờ vậy, những quy định chồng chéo giữa Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị và Luật Đấu thầu (đặc biệt liên quan đến các dự án nhà ở, dự án khu đô thị) được tháo gỡ. Cũng qua đó, luật áp dụng khi thực hiện chuyển nhượng dự án ngày càng rõ ràng, cộng thêm thêm cách thức điều chỉnh dự án đầu tư cũng có những tác động tính cực đến thị trường bất động sản trong nước.

Tuy nhiên, khung pháp lý vẫn còn một số vướng mắc như nhiều luật có liên quan đến bất động sản chưa được sửa đổi đồng bộ nên còn nhiều chồng chéo, bất cập; quy trình đầu tư dự án, thực hiện thủ tục kéo dài, khi có thay đổi luật thì phải rà soát lại hoặc điều chỉnh, làm lại thủ tục; nhiều dự án thuộc diện phải rà soát lại về mặt pháp lý hoặc phải kiểm tra, thanh tra, điều tra, các quy trình này kéo dài, liên quan đến pháp luật qua nhiều thời kỳ nên rất phức tạp.

Trên cơ sở đó, luật sư Ngô Thị Vân Quỳnh kiến nghị một số giải pháp để thu hút nguồn vốn FDI trong lĩnh vực bất động sản.

Theo luật sư Quỳnh, cần xây dựng khung pháp lý đồng bộ, thống nhất, các hiệp hội, nhà đầu tư, doanh nghiệp… chủ động và tích cực tham gia quá trình sửa đổi luật; tăng cường quỹ đất sạch để thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, Nhà nước chủ động lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư.

Đồng thời, đầu tư kết nối hạ tầng khu vực để gia tăng cơ hội phát triển cho các địa phương và phát triển cả vùng kinh tế trọng điểm; minh bạch thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, liên thông về đất đai, quy hoạch, dự án, quy trình, thủ tục…

Bạn đang đọc bài viết "Vốn ngoại rót vào bất động sản Việt Nam tăng gần gấp ba lần trong 5 tháng" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).