Cụ thể, ngày 31/12/2020, VPBank có công văn số 1853/2020/CV-VPB gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố thông tin kết luận kiểm tra thuế.
Công văn nêu rõ, ngày 30/12/2020, VPBank nhận được Quyết định số 2236/QĐ-TCT của Tổng Cục Thuế về việc xử lý vi phạm về thuế qua kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế năm 2018 và 2019.
Cụ thể, qua kiểm tra về việc chấp hành pháp luật thuế năm 2018 và 2019, số tiền VPBank phải nộp bổ sung cho năm 2018 là hơn 7,67 tỷ đồng, còn năm 2019 là 6 tỷ đồng.
Ngoài ra, VPBank còn bị phạt kê khai sai và chậm nộp phát sinh liên quan của năm 2018 là 2,97 tỷ, còn năm 2019 là 1,67 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số tiền VPBank phải nộp là hơn 18 tỷ đồng.
Công văn VPBank gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sau quyết định xử phạt của Tổng cục Thuế |
Về phía VPBank, ngân hàng này cho biết, số tiền phải nộp bổ sung chủ yếu là do kết quả kiểm tra điều chỉnh giảm chi phí dự phòng của khoản mục đầu tư dài hạn làm tăng lợi nhuận trước thuế năm 2018 và 2019 và tăng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp tương ứng.
Khoản thuế TNDN này sẽ được điều chỉnh giảm vào số thuế TNDN năm 2020 của ngân hàng.
Báo cáo tài chính quý 3/2020 của VPBank cho thấy, sau 9 tháng đầu năm 2020, VPBank đã hoàn thành 92% kế hoạch năm. Theo đó, kết thúc quý 3/2020, tổng doanh thu hợp nhất của ngân hàng này đạt 28.300 tỷ đồng, tăng 7,6%. So với cùng kỳ năm ngoái, ngân hàng mẹ tăng trưởng 18,7%.
Lợi nhuận trước thuế thu được của VPBank đạt 92% kế hoạch năm, tương đương mức gần 9.400 tỷ đồng. Trong đó lợi nhuận của ngân hàng mẹ đạt hơn 6.200 tỷ đồng, đóng góp 66% vào lợi nhuận hợp nhất. Tổng giá trị tài sản của VPBank tại ngày 30/9/2020 là 413.892 tỷ đồng, tăng gần 37.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Tại ngày 30/9/2020, theo báo cáo tài chính, nợ xấu của VPBank tăng lên 10.147 tỷ đồng. Trong đó, cuối quý 3, nợ cần chú ý tăng từ 12.238 tỷ đồng ghi nhận cuối năm 2019 lên 14.764 tỷ đồng, tương tự nợ dưới tiêu chuẩn tăng từ 5.447 tỷ đồng lên 6.278 tỷ đồng. Ở nhóm nợ nghị ngờ cũng tăng từ 1.311 tỷ đồng ghi nhận cuối năm 2019 lên 1.777 tỷ đồng cuối quý 3 năm 2020. Riêng nợ có khả năng mất vốn dao động quanh mốc 2.000 tỷ đồng.
VPBank thuộc nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao
Đi kèm với những con số tạo lợi nhuận có vẻ "đẹp như tranh" nói trên, VPBank cũng là ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu rất cao. Chưa kể, phân khúc khách hàng mà VPBank đang đối mặt cũng khá rủi ro, chủ yếu là tín chấp với bán lẻ và vẫn còn nhiều bóng dáng của các ông lớn "bất động sản" trong mảng bán buôn. Tức tỷ lệ nợ xấu thực tế còn nằm trong chính nhóm khách hàng hiện tại.
Tính đến cuối tháng 9/2020, nợ xấu hợp nhất của VPBank chỉ mới vừa xuống dưới mức 3%.
Dù kết quả kinh doanh và nợ xấu liên tục cải thiện qua các quý, nhưng cố phiếu VPB không bứt phá mạnh. Giới đầu tư chứng khoán lo ngại, con số nợ xấu báo cáo của VPBank cũng chưa hẳn đã cải thiện thực chất như báo cáo. 3% nợ xấu, tức VPBank thuộc nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao.
Nhiều năm nay, cơ cấu kinh doanh của VPBank phụ thuộc nhiều vào công ty cho vay tiêu dùng FE Credit (khoảng xấp xỉ 50% tổng thu nhập lãi thuần). Trong mảng FE Credit, có 4 nhóm sản phẩm chính là cho vay tiền mặt, cho vay tiền mặt đảo nợ chéo, cho vay mua xe máy và cho vay mua hàng điện tử gia dụng.
Nhưng không như những năm trước, từng được VPBank xem là "gà đẻ trứng vàng", "điểm tựa chính để phát triển", FE Credit lại đang là nguyên nhân cốt lõi đem lại rủi ro cho VPBank. Thậm chí, FE Credit còn bị tố là nổi ám ảnh của khách hàng vì những hành vi đòi nợ kiểu quấy rối, đe dọa khách hàng.