"Vua" rác Thuận Thành EJS thu mua phế liệu không thông quan?

19/08/2022 12:02

Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành (Thuận Thành EJS) là cái tên lớn trong xử lý phế liệu, rác thải công nghiệp. Thế nhưng, cũng có lúc doanh nghiệp này “quên” thông quan khi nhập phế liệu từ doanh nghiệp chế xuất?

Thu mua phế liệu không thông quan?

Bên cạnh những cái tên sừng sỏ trên, một trong những doanh nghiệp đối tác lớn của Thuận Thành EJS ký kết hợp đồng để mua phế liệu và xử lý chất thải nguy hại tại KCN Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là Công Ty TNHH Công Nghệ Chính Xác Fuyu. Được biết, Công ty Công nghệ chính xác Fuyu là một đơn vị sản xuất linh kiện cho Tập đoàn Foxconn - nhà cung ứng linh kiện của Apple.

hai-quan-tien-hanh-bat-04-xe-cho-phe-lieu-cua-thuan-thanh-ejs-1660883116.jpeg
Hải quan tiến hành bắt 04 xe chở phế liệu của Thuận Thành EJS (Ảnh cắt từ clip do người dân cung cấp)

Theo đó, Công ty TNHH Công nghệ chính xác Fuyu là doanh nghiệp chế xuất, chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu. Do đó, toàn bộ phế liệu của Công ty Fuyu bán cho Thuận Thành EJS đều phải làm thủ tục mở tờ khai với hải quan trước khi bàn giao với Thuận Thành EJS.

Cụ thể, căn cứ khoản 5, Điều 75 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 03 năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/04/2015 quy định như sau: “Đối với phế liệu, phế phẩm được phép bán vào thị trường nội địa: Thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Chương II Thông tư này, theo đó doanh nghiệp chế xuất làm thủ tục xuất khẩu và doanh nghiệp nội địa mở tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu theo loại hình tương ứng.

Tuy nhiên, có vẻ như không phải lúc nào Công ty Fuyu và Thuận Thành EJS cũng tuân thủ đúng quy định pháp luật?

Theo đó, chiều ngày 17/8, 04 chiếc xe tải chở phế liệu có biển kiểm soát gồm: 15C-336.13, 99C-166.88, 98H-012.68 và 98C-132.76 di chuyển ra khỏi Công ty Fuyu, đoạn qua cầu vượt Quang Châu đã bị lực lượng Hải quan bắt giữ. Được biết, cả 04 chiếc xe này đều gắn biển Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành.

Với một doanh nghiệp đã có kinh nghiệm hoạt động hơn 10 năm trong lĩnh vực vận chuyển, xử lý chất thải, phế liệu như Thuận Thành EJS, là đối tác của nhiều doanh nghiệp nước ngoài lớn, thật khó có thể tin là Thuận Thành EJS và Công ty Fuyu đã “quên” không mở tờ khai hải quan với 04 xe chuyên chở. Phải chăng, đây không phải lần đầu việc mở tờ khai hải quan bị bỏ qua?

Theo một số thông tin, mỗi ngày có từ 20 - 30 xe chở phế liệu từ Công ty Fuyu là của Thuận Thành EJS. Liệu trong hàng chục xe đó, có bao nhiêu xe trót lọt vận chuyển “lậu” phế liệu của Công ty Fuyu?

Thiệt hại sẽ là là không nhỏ cho ngân sách nhà nước, bởi khi không mở tờ khai hải quan, rất khó để cơ quan chức năng ghi nhận lại số lượng và khối lượng phế liệu không có trên giấy tờ. Do không có thông tin để theo dõi, các phế liệu này có thể được bán trên thị trường mà không phải đóng thuế, gây thất thoát ngân sách nhà nước, đồng thời đem lại lợi ích kinh tế không hề nhỏ cho đối tượng buôn bán.

Siêu doanh nghiệp chuyên về xử lý chất thải

Trong lĩnh vực xử lý chất thải tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, cái tên Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành (Thuận Thành EJS) trụ sở ở tại thôn Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh không còn là cái tên xa lạ. Bởi, doanh nghiệp này gắn chặt với tên tuổi của vị doanh nhân “lừng lẫy” Vũ Văn Đắc (SN 1966). Điều này được thể hiện qua tỷ lệ cổ phần chi phối ông sở hữu tại doanh nghiệp. Cụ thể, tính đến hiện tại, vốn điều lệ Thuận Thành EJS đạt 200 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Ông Vũ Văn Đắc (55%), bà Nguyễn Thị Thoa (5%) và một cá nhân khác chiếm 40%.

Hiện từ năm 2019, Thuận Thành EJS là đơn vị chịu trách nhiệm xử lý 100% rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh). Mặt khác, số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cho thấy, hiện nay trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 900 tấn chất thải sinh hoạt. Trong đó, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt của Thuận Thành EJS xử lý 100 - 105 tấn rác.

Theo báo cáo doanh thu thuần của Thuận Thành EJS trong năm 2020 đạt 1.566 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng 4,2 tỷ đồng mỗi ngày; trong khi lãi ròng giảm 13% về 146 tỷ đồng. Tính ra, mỗi ngày doanh nghiệp này thu về 4,2 tỷ đồng doanh thu từ việc xử lý chất thải. Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Thuận Thành EJS tính đến ngày 31/12/2020 đạt 2.174 Tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.450 tỷ. Lưu ý rằng, vốn góp chủ sở hữu tính đến hết năm 2019 chỉ là 200 tỷ đồng.

Điều này đồng nghĩa với việc Thuận Thành EJS đang tích lũy được nguồn lợi nhuận khoảng 1.250 tỷ đồng. Bên cạnh xử lý chất thải, Thuận Thành EJS còn hoạt động trong các lĩnh vực khác như: thu gom, vận chuyển chất thải; tái chế chất thải, phế liệu; dịch vụ vệ sinh công cộng; tư vấn môi trường… Có thể thấy, Thuận Thành EJS thực hiện mọi hoạt động liên quan đến các loại chất thải, theo một quy trình khép kín, từ vận chuyển cho đến xử lý.

Được biết, doanh thu khổng lồ này phần lớn đến từ việc Thuận Thành EJS là đối tác thu gom và xử lý chất thải công nghiệp cho các nhà sản xuất hàng đầu thế giới như: Samsung, Canon, Hoya, Kyocera, Panasonic, Daikin, Philips, Sumitomo, Hồng Hải, Unilever, LG Display Việt Nam…Với việc không lập tờ khai hải quan trong vụ việc gần đây, dư luận đặt ra câu hỏi: liệu Công ty Fuyu và Thuận Thành EJS có đang “bắt tay” nhau để “buôn lậu” phế liệu giá trị cao, vì lợi ích kinh tế hay mục đích khác? Hành động này đã diễn ra từ bao giờ? Những câu hỏi này cần được các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để điều tra, làm rõ.

Bạn đang đọc bài viết ""Vua" rác Thuận Thành EJS thu mua phế liệu không thông quan?" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).