Quan chức hàng đầu Tổ chức Y tế thế giới – WHO ngày 4/1 cảnh báo mặc dù ngày càng nhiều bằng chứng khoa học cho thấy biến thể Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn nhưng việc biến thể này gây ra số ca nhiễm bùng nổ ở nhiều khu vực trên thế giới có thể tạo các điều kiện dịch tễ thúc đẩy nhiều biến thể nguy hiểm hơn xuất hiện.
Lời cảnh báo được Tiến sĩ Catherine Smallwood, một trong những quan chức phụ trách các tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới – WHO đưa ra vào thời điểm nhiều ý kiến cho rằng với việc biến thể Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn biến thể Delta, thế giới có thể hy vọng chấm dứt đại dịch Covid-19 trong năm 2022 khi biến thể Omicron chiếm thế áp đảo và thay thế biến thể Delta.
Ảnh minh họa. (Ảnh: The Guardian)
Theo bà Catherine Smallwood, mặc dù đây cũng là một nhận định có cơ sở nhưng nhiều người lại đang bỏ qua một hiệu ứng ngược khác của việc số ca nhiễm biến thể Omicron đang bùng phát dữ dội tại nhiều quốc gia trên thế giới, đó là khi càng lan rộng và càng sản sinh nhiều hơn thì biến thể Omicron sẽ càng có khả năng tạo ra thêm nhiều đột biến hơn, dẫn đến việc cho ra đời các biến thể virus SARS-CoV-2 có thể còn nguy hiểm hơn các biến thể trước đó.
Hiện tại, nhiều nhà khoa học trên thế giới cũng đang theo dõi rất chặt chẽ việc xuất hiện các biến thể mới giữa làn sóng Omicron. Mới đây, Viện các bệnh truyền nhiễm (IHU) ở thành phố Marseille (Pháp) đã phát hiện 1 biến thể mang tới 46 đột biến, ghi nhận ở một nhóm du khách Pháp vừa trở về nước sau khi đi du lịch tại Cameroun. Đặc biệt, Israel cũng mới phát hiện một trường hợp nhiễm đồng thời virus cúm mùa và virus SARS-CoV-2, gây ra lo ngại về nguy cơ hai loại virus này có thể kết hợp với nhau.
Ngoài việc cảnh báo cần cảnh giác trước nguy cơ xuất hiện biến thể mới, bà Smallwood cũng đánh giá, bất chấp việc biến thể Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn biến thể Delta, số ca nhiễm bùng nổ chắc chắn sẽ khiến nhiều người nhập viện hơn và số ca tử vong cũng sẽ cao hơn, đặc biệt tại khu vực châu Âu.
Trong những ngày đầu năm 2022, châu Âu vẫn tiếp tục là tâm điểm của đợt bùng phát số ca nhiễm Covid-19 do biến thể Omicron. Trong ngày 4/1, Pháp ghi nhận đến trên 270.000 ca nhiễm, Italia có trên 170.000 ca nhiễm còn Vương quốc Anh cũng lần đầu tiên có số ca nhiễm Covid-19 trong 24h vượt cột mốc 200.000 ca (219.000). Phát biểu trước báo giới trong ngày 4/1, mặc dù vẫn từ chối áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn nhưng Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng thừa nhận, đây là thời điểm mà nước Anh phải đặc biệt thận trọng và một phần hệ thống y tế Anh sẽ bị quá tải bởi làn sóng nhiễm biến thể Omicron hiện nay.
Cố vấn trưởng Khoa học của chính phủ Anh, ông Patrick Vallance cũng nhận định, không ai biết khi nào làn sóng dịch tại Anh mới đạt đỉnh và đỉnh dịch có thể tồi tệ đến mức nào.
“Chúng tôi không biết chính xác khi nào thì dịch sẽ đạt đỉnh và đỉnh dịch sẽ lớn cỡ nào. Đây là các yếu tố sẽ xác định dịch nghiêm trọng đến mức nào ở khía cạnh các ca nặng phải nhập viện. Điều quan trọng thứ hai đó là cho đến nay thì phần lớn số ca nhiễm là ở những người trẻ tuổi nhưng hiện độ tuổi nhiễm Covid-19 đang tăng lên và khi đó, cần phải lường trước là sẽ có nhiều ca nhập viện hơn. Chúng tôi thực sự không chắc là việc này sẽ diễn ra như thế nào và mức độ dịch sẽ nghiêm trọng đến đâu.”, ông Patrick Vallance nói./.