Xu hướng phục hồi nhanh của sản xuất công nghiệp

01/09/2022 11:55

Các doanh nghiệp trong ngành sản xuất công nghiệp đang nỗ lực mở rộng sản xuất bù lại khoảng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IPP) tháng 8 ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục Thống kê cho rằng, ngành này đang ghi nhận xu hướng phục hồi nhanh do các doanh nghiệp nỗ lực mở rộng sản xuất bù lại khoảng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nhìn tổng thể, chỉ số IPP 8 tháng qua ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (nhanh hơn 3% so với cùng kỳ năm 2021), đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,8%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm;

Còn ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 4,2%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Từ đầu năm đến nay, chỉ số sản xuất của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước, dẫn đầu là sản xuất đồ uống (tăng 26,8%); sản xuất trang phục (tăng 22,5%); sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (tăng 18,5%).

Một số ngành khác cũng tăng trưởng 2 con số gồm sản xuất thiết bị điện và sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu cùng; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị).

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm, trong đó mạnh nhất là sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (giảm 6,3%); sản xuất kim loại (giảm 0,8%); khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (giảm 0,7%).

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 8 tháng đầu năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước, bao gồm bia (31%); thủy hải sản chế biến (21%); linh kiện điện thoại (20%); ô tô (14%); quần áo mặc thương (13%); giày, dép da (13%); thuốc lá (10%).

Trong khi đó, một số sản phẩm cho thấy sự sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước, bao gồm sắt, thép thô (12,3%); ti vi; phân hỗn hợp NPK; vải dệt từ sợi nhân tạo; điện thoại di động.

Xét theo địa phương, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng qua của 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng so với cùng kỳ năm trước, dẫn đầu là Bắc Giang với 51%.

Một số địa phương khác cũng có chỉ số IIP tăng cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện phục hồi mạnh mẽ khi dịch bệnh được kiểm soát như Lai Châu, Đắk Lắk, Sơn La, Quảng Nam, Khánh Hòa.

Bên cạnh đó, vì hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, 2 địa phương duy nhất có chỉ số IIP 8 tháng đầu năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước gồm Trà Vinh (giảm 27%) và Hà Tĩnh (giảm 15%).

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2022 tăng 0,6% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 23% so với cùng thời điểm năm trước.

Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước không đổi và giảm 6%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,7% và tăng 20%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,5% và tăng 27%.

Bộ Công thương cho biết, sản xuất tại các trung tâm công nghiệp đều đang có dấu hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên, tình trạng ‘khát’ nhân lực đang là một trong những ‘chướng ngại vật’ lớn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt trên chặng đường phục hồi sản xuất.

Trong hội nghị do Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức vào giữa năm nay, đại diện Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam, bà Phạm Thị Tình đã phản ánh, sau thời gian dài nghỉ việc, tay nghề của lao động đi xuống, doanh nghiệp phải mất thời gian và chi phí đào tạo lại. Dù giá nhân công trong lĩnh vực này tăng nhưng vẫn không đủ sức ‘giữ chân’ lao động.

Trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao, Bộ Công thương cho rằng các doanh nghiệp sản xuất cần đa dạng thị trường nhập khẩu nguyên liệu lẫn thị trường xuất khẩu hàng hóa để tránh phụ thuộc. Bên cạnh đó, cần có nhiều hơn các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tại thị trường trong nước để từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu. Đây là vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam.

Bộ cũng lưu ý cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam.

Bạn đang đọc bài viết "Xu hướng phục hồi nhanh của sản xuất công nghiệp" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).