Xử lý dứt điểm sai phạm tại những nhà máy thủy điện ở Lào Cai

28/09/2022 09:48

Trong một thời gian dài, nhiều nhà máy thủy điện ở Lào Cai đã vi phạm các quy định về đất đai, giấy phép xây dựng, môi trường, đền bù cho dân… nhưng chậm khắc phục, kéo dài, gây bức xúc trong người dân và khó khăn trong quản lý, bảo đảm an toàn vận hành và an ninh-trật tự xã hội ở địa phương.

Nhà máy thủy điện Tả Thàng do Công ty cổ phần điện Viettracimex Lào Cai đầu tư và quản lý, hoạt động từ năm 2013 đến nay vẫn chưa khắc phục vi phạm về môi trường.

Nhà máy thủy điện Tả Thàng do Công ty cổ phần điện Viettracimex Lào Cai đầu tư và quản lý, hoạt động từ năm 2013 đến nay vẫn chưa khắc phục vi phạm về môi trường.

Với hai hệ thống sông Hồng và sông Chảy, địa hình chia cắt, nhiều dãy núi, độ dốc cao tạo nên hệ thống các sông, suối khiến Lào Cai có tiềm năng lớn về thủy điện vừa và nhỏ. Theo số liệu của Sở Công thương Lào Cai hiện có 135 dự án thủy điện, trong đó có 130 dự án thủy điện đã được phê duyệt vào Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Lào Cai, với tổng công suất 1.573 MW. Trong đó, có 69 dự án thủy điện đã hoàn thành phát điện, với tổng công suất 1.101MW và 6 dự án thủy điện đang triển khai thi công xây dựng, với tổng công suất 63,5 MW .

Tổng giá trị doanh thu của 69 dự án thủy điện đã hoàn thành phát điện đạt khoảng 4.800 tỷ đồng/năm và đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 700 đến 900 triệu đồng/1MW/năm, bao gồm: Thuế GTGT; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế tài nguyên nước và các loại thuế, phí khác có liên quan...

Nhiều vi phạm kéo dài, gây bức xúc cho người dân

Tại Lào Cai, trong thời gian dài, nhiều nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động và đang xây dựng đã vi phạm các quy định về đất đai, giấy phép xây dựng, môi trường, xả lũ, đền bù thiệt hại cho người dân do bị ngập úng, sạt lở khi tích nước hồ chứa thủy điện…, gây bức xúc và mất an ninh-trật tự ở địa phương. Làm việc với lãnh đạo Sở Công thương Lào Cai, nổi lên là việc các nhà máy thủy điện khi tích nước hồ chứa và khi vận hành xả lũ gây sạt lở, ngập úng, cuốn trôi tài sản, hoa màu của người dân hạ lưu.

Nhà máy thủy điện Phúc Long, công suất 22MW, do Công ty cổ phần thủy điện Phúc Long làm chủ đầu tư, phát điện thương mại hơn 1 năm nay, dù đã cam kết nhiều lần nhưng vẫn chưa đền bù thiệt hại do ngập úng ruộng vườn, lún nứt nhà ở của 150 hộ dân ở thị trấn Phố Ràng, xã Phúc Khánh, xã Xuân Thương, thuộc huyện Bảo Yên. Nhà máy thủy điện Nậm Lúc, công suất 24MW, do Công ty Công ty cổ phần thủy điện Đông Nam Á làm chủ đầu tư, tích nước hồ chứa gây sạt lở, “nuốt” mất đường điện và đường giao thông đi lại của người dân thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu (Bắc Hà-Lào Cai) từ tháng 4/2021 đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Ở huyện Văn Bàn, do ngành chức năng và địa phương giám sát, quản lý không chặt chẽ, có 4 nhà máy đã lắp đặt công suất lớn hơn so với công suất cho phép, buộc sự đã rồi, cơ quan chức năng phải áp dụng hình thức phạt cho tồn tại, dẫn đến nhiều hệ lụy. Cụ thể như nhà máy thủy điện Nậm Xây Nọi của Công ty Cổ phần thủy điện Nậm Xây Nọi 2 xây vượt thiết kế cho phép 3 MW (từ 12 lên 15 MW); nhà máy thủy điện Minh Lương, do Công ty cổ phần Nam Tiến làm chủ đầu tư, xây vượt 2MW; nhà máy thủy điện Minh Lương Thượng, do Công ty cổ phần phát triển thủy điện làm chủ đầu tư xây vượt 2,4 MW; nhà máy thủy điện Nậm Lúc do Công ty cổ phần thủy điện Đông Nam Á làm chủ đầu tư, xây vượt 4MW. Nhà máy thủy điện Minh Lương Thượng, còn tự ý sử dụng 2,7ha đất lúa trong khi chưa hoàn thiện hồ sơ thuê đất theo quy định.

6 nhà máy thủy điện bao quanh xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa vi phạm về đất đai, dòng chảy, xả lũ, môi trường… làm cạn kiệt suối Mường Hoa, “bức tử” làng du lịch sinh thái của đồng bào Tày nơi đây, gây bức xúc đối với người dân địa phương.

6 nhà máy thủy điện bao quanh xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa vi phạm về đất đai, dòng chảy, xả lũ, môi trường… làm cạn kiệt suối Mường Hoa, “bức tử” làng du lịch sinh thái của đồng bào Tày nơi đây, gây bức xúc đối với người dân địa phương.

Qua rà soát về đất đai, có 4 dự án chưa thuê diện tích đất mặt nước (lòng hồ): Thủy điện Suối Chăn 1, huyện Văn Bàn; Thủy điện Vĩnh Hà, Thủy điện Phúc Long và Thủy điện Xuân Hòa, huyện Bảo Yên. Tại huyện Văn Bàn có 4 nhà máy thủy điện, là: Nậm Tha 3, Nậm Tha 4, Nậm Tha 5, Nậm Tha 6 có một số hạng mục thi công ra ngoài phạm vi ranh giới được cấp và chưa thực hiện thu hồi đất, thu hồi rừng.

Xử lý mạnh, quản lý nghiêm các nhà máy thủy điện ở Lào Cai

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương Lào Cai và Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai đã tiến hành rà soát công tác quản lý theo chức năng đối với các nhà máy thủy điện ở địa phương. Kết quả cho thấy, nhiều nhà máy thủy điện tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân địa phương như gây ngập úng, sụt lún nhà ở, ngập úng cây trồng, làm mất diện tích đất sản xuất; công trình khi xây dựng gây ô nhiễm môi trường sinh thái; đường giao thông xuống cấp do vận chuyển vật liệu thi công dự án.

Nguyên nhân là do, việc thống kê, rà soát các thiệt hại của người dân do ảnh hưởng của dự án không chính xác; phương án, áp giá và phê duyệt kinh phí đền bù chưa sát thực tế, việc hỗ trợ chậm, gây bức xúc trong nhân dân; công tác khảo sát, xác định vùng ranh giới phải giải phóng mặt bằng của các dự án thủy điện chưa được rõ ràng, dự báo mức độ ảnh hưởng chưa chính xác, dẫn đến khi thực hiện số hộ ngoài ranh giới giải phóng mặt bằng của dự án bị ảnh hưởng cao hơn so với số lượng dự tính trong dự án (như thủy điện Phúc Long, thủy điện Vĩnh Hà, thủy điện Mây Hồ). Một số nhà máy thủy điện có thái độ chây ỳ, chưa phối hợp tốt với chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là người đứng đầu các doanh nghiệp ít khi làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương để thống nhất phương án giải quyết khi xảy ra sự cố…

Nhà máy thủy điện Bản Hồ, do Công ty cổ phần công nghiệp Việt Long đầu tư và sở hữu, vi phạm đền bù giải phóng mặt bằng, môi trường bị người dân địa phương kiến nghị kéo dài.

Nhà máy thủy điện Bản Hồ, do Công ty cổ phần công nghiệp Việt Long đầu tư và sở hữu, vi phạm đền bù giải phóng mặt bằng, môi trường bị người dân địa phương kiến nghị kéo dài.

Qua kiểm tra, ngành chức năng đã xử phạt các nhà máy thủy điện vi phạm các quy định hiện hành. Cụ thể, Sở Công thương đã xử phạt hành chính bằng tiền đối với các nhà máy: Thủy điện Minh Lương, do Công ty cổ phần Nam Tiến Lào Cai làm chủ đầu tư; thủy điện Minh Lương Thượng do Công ty cổ phần phát triển thủy điện làm chủ đầu tư, nhà máy thủy điện Nậm Lúc do Công ty cổ phần thủy điện Đông Nam Á Nậm Lúc làm chủ đầu tư; với số tiền là 15 triệu đồng/nhà máy, về hành vi lắp đặt vượt công suất ghi trong giấy phép xây dựng.

Bên cạnh đó, xử phạt nhà máy thủy điện Nậm Tha 3, do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển năng lượng Phúc Khánh; thủy điện Suối Chăn 2, do Công ty cổ phần đầu tư năng lượng VIDIFI làm chủ đầu tư; với số tiền 50 triệu đồng/nhà máy, về hành vi vi phạm giấy phép hoạt động điện lực.

Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính bằng tiền, không kèm theo các hình thức xử lý bổ sung khác, như buộc tháo dỡ, khôi phục nguyên trạng đối với các nhà máy xây dựng vượt công suất theo giấy phép, giống như hình thức “phạt cho tồn tại” nên ít có tác dụng răn đe, ngăn chặn vi phạm tương tự xảy ra trong thực tế.

Hiện tại, ở Lào Cai còn 8 nhà máy thủy điện vi phạm môi trường, đó là: Tả Thàng, Ngòi Xan 2, Nậm Hô, Tà Lơi 3, Bắc Hà, Nậm Phàng, Móng Sến và Phúc Long, do: chưa lắp đặt thiết bị giám sát tự động lưu lượng xả duy trì dòng chảy tối thiểu và lưu lượng xả qua tràn, chưa thực hiện giám sát tự động lưu lượng xả duy trì dòng chảy tối thiểu, thực hiện không đầy đủ tần suất quan trắc, giám sát định kỳ về môi trường... Bên cạnh đó, còn các nhà máy chưa thuê diện tích đất mặt nước (lòng hồ) là: Thủy điện Phúc Long, thủy điện Xuân Hòa; 6 nhà máy xây dựng ngoài ranh giới được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, chưa thu hồi rừng.

Đề nghị UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các chủ đầu tư dự án không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, gây ô nhiễm môi trường sinh thái; xem xét, đề xuất thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ thi công để khắc phục hậu quả, hạn chế tác động xấu đến đời sống và sản xuất của người dân ở địa phương.

Bạn đang đọc bài viết "Xử lý dứt điểm sai phạm tại những nhà máy thủy điện ở Lào Cai" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).