Yêu cầu “lạ” trong HSMT của gói thầu hơn 1 tỷ đô la Mỹ tại CTCP – Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power)

07/08/2021 15:09

Ngày 6/08/2021 tới đây, PV Power mở các gói thầu quốc tế: Thiết kế, mua sắm, xây dựng, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu (EPC) Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 có giá gói thầu 24.147,637 tỷ đồng. Phương thức lựa chọn nhà thầu là 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ. Theo phản ánh, sau khi phát hành hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư đã có những điều chỉnh “lạ“.

Một số nhà thầu lớn có uy tín quốc tế làm văn bản phản hồi cho rằng Chủ đầu tư đã làm giảm cạnh tranh trong lựa chọn nhà thầu. Để rộng đường dư luận, TCĐT Thương hiệu và Pháp luật sẽ phản ánh tới bạn đọc các quy định pháp luật và thực tế đang diễn ra tại các gói thầu nói trên.

Dự án lớn với sự quan tâm của các nhà thầu quốc tế

Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 được đầu tư tại Khu công nghiệp Ông Kèo, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Quy mô của 2 nhà máy có tổng công suất lắp đặt dự kiến khoảng 1.500 MW, là trung tâm phụ tải của miền Nam với 3 khu vực phụ tải lớn là Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện đã có hàng chục nhà thầu có tiềm lực hàng đầu thế giới đăng ký tham gia như : Siemens Energy; Liên danh Doosan và Lotte; DL E&C Co., Ltd; Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam; Mitsubishi Power Asia Pacific Pte. Ltd; Mitsubishi Corporation; GE Power Vietnam Co., Ltd; Tổng Công ty Xây dựng số 1 – CTCP; Samsung C&T Corporation; China National Technical Import and Export Corporation; (11) Ansaldo Energia Baranch Indonesia; (12) TBEA Co., Ltd; (13) Huyndai Engineering Co., Ltd; (14) SEPCO III Electric Power Construction Co. Ltd; (15) Power Construction Corporation of China; (16) Chi nhánh Allen tại Hà Nội.

Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 đã đi vào vận hành.

Nhà thầu phản ánh có yêu cầu “lạ” trong hồ sơ mời thầu

Tại văn bản số DL-MS-111 ngày 20/07/2021, Nhà thầu DL E&C Co., Ltd và Mitsubishi Power với tư cách là sản xuất thiết bị chính (OEM) đã kiến nghị về hồ sơ mời thầu các gói thầu  “Thiết kế, mua sắm, xây dựng, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu (EPC) Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4“.

“....Trong các văn bản gửi PV Power trong quá trình đấu thầu, chúng tôi đã giải thích đầy đủ với PV Power các tính năng thiết kế của tuabin khí không thể hoàn toàn giống nhau về mặt kỹ thuật, ngay cả khi cùng model M701JAC do công nghệ tuabin khí đang được tối ưu hóa và phát triển liên tục.

Tuy nhiên PV Power vẫn chưa thay đổi yêu cầu này cho tuabin khí với các tính năng thiết kế “giống hệt”.

Chúng tôi lo ngại rằng chúng tôi có thể bị coi là nhà thầu không đủ tư cách ở giai đoạn đánh giá kỹ thuật do điều chỉnh nhỏ này về các tính năng kỹ thuật thiết kế của tuabin khí, không có ý nghĩa về mặt kỹ thuật và PV Power chắc chắn sẽ thu được lợi ích lớn từ việc điều chỉnh này. Nếu yêu cầu trên vẫn còn hoặc không được nới lỏng trước thời hạn nộp thầu, rất tiếc, chúng tôi sẽ bị loại khỏi cuộc đấu thầu và không có cơ hội tham gia vào dự án này và sự cạnh tranh hạn chế hoàn toàn không có lợi cho PV Power ...”

Nhà thầu phản ánh có yêu cầu “lạ” trong hồ sơ mời thầu. 

 Quy định “giống hệt “ về mặt kỹ thuật có phù hợp với các quy định hiện hành của Luật Đấu thầu và nghị định hướng dẫn Luật ?

Để rộng đường dư luận về cơ sở pháp lý khi xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật trong hồ sơ mời thầu, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thế Truyền – GĐ Công ty Luật Thiên Thanh.

PV: Thưa ông Nguyễn Thế Truyền, cơ sở pháp lý nào hiện nay để xây dựng Hồ sơ mời thầu đối với các gói thầu theo hình thức Thiết kế, mua sắm, xây dựng, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu (EPC).

Luật sư Nguyễn Thế Truyền: Hiện nay cơ sở pháp lý để ban hành Hồ sơ mời thầu đối với các tổ chức, doanh nghiệp có chủ sở hữu là nhà nước đó là Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu.

Đối với gói thầu EPC, căn cứ Luật đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 11/ 2016/TT-BKH ngày 26/07/2016 hướng dẫn về việc lập hồ sơ mời thầu đối với gói thầu EPC.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền – GĐ Công ty Luật Thiên Thanh.

PV: Ông có thể cho biết yêu cầu về mặt kỹ thuật được quy định trong Luật và Nghị định hướng dẫn có điểm nào điều chỉnh nhà thầu phải chào thầu thiết bị “giống hệt” thiết bị được mô tả trong yêu cầu kỹ thuật không ?

Luật sư Nguyễn Thế Truyền: Trong mẫu Hồ sơ mời thầu ban hành kèm thông tư số 11/2016/TT-BKH ngày 26/07/2016 Chương VII: Yêu cầu về kỹ thuật, Chỉ dẫn kỹ thuật đã hướng dẫn “Trong Chỉ dẫn kỹ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, không được nêu các yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của vật tư, thiết bị hoặc nguồn gốc cụ thể của vật tư, thiết bị làm giảm tính cạnh tranh trong đấu thầu. Trường hợp đặc biệt khi không mô tả được chi tiết về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêuchuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công nghệ trong HSMT thì có thể nêu nhãn hiệu, catalô của sảnphẩm, hàng hóa cụ thể của một nhà sản xuất nào đó, hoặc vật tư, thiết bị từ một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào đó để tham khảo, minh họa cho Chỉ dẫn kỹ thuật của vật tư, thiết bị thì phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalô hoặc xuất xứ nêu ra và quy định rõ khái niệm tương đương nghĩa là có đặc tính kỹ thuật tương tự, có tính năng sử dụng là tương đương với các vật tư, thiết bị đã nêu để không tạo định hướng cho một sản phẩm hoặc cho một nhà thầu nào đó “.

Như vậy có thể hiểu mẫu hồ sơ mời thầu do cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu đã hướng dẫn các mô tả liên quan đến yêu cầu kỹ thuật, cụ thể chỉ dùng cụm từ “tương đương” chứ không có điều khoản nào hướng dẫn dùng cụm từ “giống hệt “.

Quy định “lạ” có làm giảm cạnh tranh trong đấu thầu?

Với yêu cầu phải “giống hệt” một thiết bị nào đó đã vô hình chung cản trở các nhà thầu, hãng sản xuất thiết bị chào thầu không “giống hệt” nhưng tính năng kỹ thuật có thể bằng hoặc cao nhưng có chi phí hợp lý hơn. Nếu không điều chỉnh quy định “lạ” trong các gói thầu thì việc cản trở cạnh tranh có thể làm tăng chi phí gói thầu, ảnh hưởng đến vốn và tài sản nhà nước, tăng chi phí đầu tư, ảnh hưởng lớn đến giá thành đầu vào của sản phẩm lúc vận hành. Thiết nghĩ Chủ đầu tư nên xem xét và điều chỉnh lại hồ sơ mời thầu theo đúng quy định của pháp luật để tạo sự cạnh tranh bình đẳng.

Bạn đang đọc bài viết "Yêu cầu “lạ” trong HSMT của gói thầu hơn 1 tỷ đô la Mỹ tại CTCP – Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power)" tại chuyên mục Đấu Thầu. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).