2 tháng trừng phạt chưa từng có, phương Tây vẫn không thể nhấn chìm nền kinh tế Nga

04/05/2022 09:46

Các biện pháp trừng phạt giống như con dao 2 lưỡi, chúng gây tổn thất cho Nga nhưng cũng khiến chính những quốc gia áp trừng phạt phải trả giá.

Con dao 2 lưỡi

Những lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây do Mỹ dẫn đầu nhằm chống lại Nga đã được ví như những vũ khí kinh tế phá hủy hàng loạt nhằm làm sụp đổ nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, trên thực tế, các biện pháp trừng phạt này giống như con dao 2 lưỡi, chúng gây tổn thất cho Nga nhưng cũng khiến chính những quốc gia áp trừng phạt phải trả giá.

Ảnh minh họa: Reuters

Phương Tây, trên thực tế, đang rơi vào một cái bẫy: Các lệnh trừng phạt và cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy giá hàng hóa và năng lượng lên cao, từ đó khiến Moscow có doanh thu cao hơn bất chấp việc xuất khẩu của nước này giảm đáng kể. Khi giá hàng hóa toàn cầu tăng cao, lạm phát sẽ gia tăng, gây ra những vấn đề trong nước cho các quốc gia áp trừng phạt.

Lấy một ví dụ thực tế: Bất chấp việc Nga bị loại khỏi các tổ chức tài chính thế giới, đồng rúp của Nga đã khôi phục mạnh mẽ nhờ các biện pháp can thiệp nhà nước. Trong khi đó, Nhật Bản lại đang trả giá vì các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Nga khi đồng yên (đồng tiền trao đổi thương mại phổ biến thứ 3 thế giới) đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm so với đồng USD.

Lạm phát tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang đe dọa lợi nhuận của các tập đoàn phương Tây, trong khi việc tăng mức lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát càng khiến người tiêu dùng đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Với những rủi ro kinh tế tiềm ẩn phía trước, tháng 4 đã trở thành tháng tồi tệ nhất của phố Wall kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng lên hồi tháng 3/2020. Chỉ số S&P500 đã giảm 8,8% trong tháng 4.

Trong 2 tháng đầu tiên cuộc chiến ở Ukraine diễn ra, trớ trêu là việc phương Tây áp các lệnh trừng phạt đã giúp Nga tăng gần gấp đôi doanh thu, lên khoảng 62 tỷ euro (65 tỷ USD) từ việc bán nhiên liệu hóa thạch, số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch tại Phần Lan cho hay. 18 nhà nhập khẩu hàng đầu, ngoại trừ Trung Quốc, là những bên áp đặt trừng phạt Nga, song riêng EU đã chiếm 71% doanh thu của Nga từ nhiên liệu trong quãng thời gian này.

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng là những bên phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga thì châu Âu nhập khẩu khoảng 44 tỷ euro (46 tỷ USD) khí đốt, dầu mỏ và than đá từ Nga trong 2 tháng này, so với khoảng 140 tỷ euro (147 tỷ USD) trong cả năm 2021.

Bên chịu thiệt hại thực sự từ lệnh trừng phạt Nga

Nga, thậm chí cả khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây, đang nỗ lực để duy trì giá năng lượng và hàng hóa ở mức cao, trong đó có việc cắt nguồn cung khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria. Moscow có thể khiến các mặt hàng tăng giá thêm qua các biện pháp đối phó trừng phạt rộng khắp hơn.

Nga là quốc gia giàu tài nguyên nhất thế giới và cũng nằm trong số những nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới về khí tự nhiên, uranium, nickel, dầu mỏ, than đá, nhôm, đồng, lúa mạch, phân bón và các kim loại quý, trong đó có palladium, quý hơn cả vàng và thường được sử dụng trong các bộ chuyển đổi xúc tác.

Những bên chịu thiệt hại thực sự trong cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây trên thực tế lại là những quốc gia nghèo hơn. Từ Peru cho rới Sri Lanka, việc tăng giá nhiên liệu, thực phẩm và phân bón đã gây ra những cuộc biểu tình bạo loạn trên đường phố, trong khi một số quốc gia có nguy cơ đối mặt với bất ổn chính trị. Những khoản nợ của nhiều quốc gia nghèo cũng ngày càng lớn hơn.

Bằng cách sử dụng tổng lực những vũ khí kinh tế của mình, phương Tây đang tìm cách gây ra "cú sốc và sự sợ hãi" cho Nga như thể để nhấn mạnh rằng trừng phạt cũng là một hình thức chiến tranh. Tuy nhiên, cũng giống xung đột vũ trang, như những gì diễn ra trong cuộc chiến ở Ukraine, kết quả của các lệnh trừng phạt đôi khi trở nên khó lường và thường dẫn đến những hậu quả không mong muốn.

Đối phó với một cường quốc trên thế giới, đặc biệt là một cường quốc sở hữu kho hạt nhân thuộc hàng lớn nhất thế giới như Nga bằng các lệnh trừng phạt cứng rắn luôn tiềm ẩn đầy rủi ro, nhất là khi phương Tây vẫn tăng cường bơm những vũ khí hạng nặng tiên tiến vào Ukraine và Mỹ còn cung cấp cả những thông tin tình báo trên chiến trường, bao gồm cả dữ liệu về các mục tiêu.

Chiến tranh Lạnh mới?

Nhà quan sát Brahma Chellaney nhận định trên The Hill, những gì diễn ra từng ngày dường như đều nhắc nhở chúng ta rằng cuộc xung đột này không chỉ tập trung vào việc kiểm soát Ukraine hay tình trạng tương lai của nước này. Thay vào đó, đây là một cuộc "Chiến tranh Lạnh" mới giữa Nga và Mỹ với châu Âu là chiến trường cho những đối đầu gia tăng.

Khi cuộc chiến tiếp tục diễn ra, chính quyền Tổng thống Biden sẽ trở nên ngày càng cứng rắn và can dự sâu hơn vào cuộc chiến này. Những lời kêu gọi hàm ý thay đổi chế độ ở Moscow của Tổng thống Biden mặc dù sau đó ông đã phủ nhận điều này hay việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công khai tuyên bố về mục tiêu "làm suy yếu" Nga dường như đang đi ngược với những gì Tổng thống Biden tuyên bố 2 tuần sau khi cuộc chiến nổ ra, rằng: "Đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga sẽ là Thế chiến III, điều chúng ta phải nỗ lực ngăn chặn".

Nhà quan sát Brahma Chellaney cũng cho biết, hầu như có rất ít cuộc tranh luận ở Mỹ về việc liệu các biện pháp trừng phạt có thể làm suy yếu Nga hay không, hoặc liệu sự hỗ trợ quân sự hào phóng của phương Tây cho Ukraine có thể đánh bại Nga trong cuộc chiến kéo dài hay không.

Hiện nay, Nga đang tập trung vào phía Đông và phía Nam Ukraine. Moscow muốn mở một hành lang trên đất liền tới Crimea và đã kiểm soát được các khu vực chiếm 90% tài nguyên năng lượng của Ukraine, trong đó bao gồm cả những giếng dầu ngoài khơi và các cảng biển quan trọng. Các cảng biển ở Biển Azov của Ukraine và 4/5 đường bờ biển giáp Biển Đen của Ukraine hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Các lệnh trừng phạt trong lịch sử thường có hiệu quả với những quốc gia nhỏ hơn là những quốc gia lớn mạnh. Tuy nhiên, chúng hiếm khi tạo ra sự thay đổi ngay lập tức. Những lệnh trừng phạt hiện nay của phương Tây có thể phải mất nhiều năm mới gây tổn thất nghiêm trọng cho nền kinh tế Nga.

Điều đáng nói là, bất chấp việc triển khai các công cụ kinh tế cưỡng ép nhằm chống lại Nga và khiến Nga gặp khó trong việc đàm phán kết thúc chiến tranh, Nhà Trắng cho rằng chỉ riêng các lệnh trừng phạt là không đủ. Điều đó lý giải tại sao Mỹ tăng cường vận chuyển vũ khí cho Ukraine, trong đó có việc yêu cầu Quốc hội thông qua ngân sách 33 tỷ USD hỗ trợ quân sự bổ sung và hỗ trợ kinh tế cho Ukraine, cũng như cản trở các mục tiêu chiến tranh của Nga.

Nhận định của Tổng thống Biden rằng "cuộc chiến này có thể tiếp diễn trong một thời gian dài" được củng cố bởi tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley khi ông đánh giá cuộc xung đột ở Ukraine có thể kéo dài một vài năm. Tuy nhiên, khi xung đột kéo dài và những hiệu ứng ngược của các biện pháp trừng phạt làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, rạn nứt giữa phương Tây sẽ ngày càng rộng ra và sự mệt mỏi vì cuộc chiến ở Ukraine sẽ ngày càng tăng lên.

Javier Solana, cựu Tổng thư ký NATO cho rằng phương Tây hầu như còn rất ít lựa chọn ngoại trừ đàm phán với Tổng thống Putin để chấm dứt xung đột. Những cuộc đàm phán như vậy sẽ có vai trò cấp thiết để chấm dứt sự phá hủy ở Ukraine và khiến châu Âu không phải trả giá quá đắt./.

Bạn đang đọc bài viết "2 tháng trừng phạt chưa từng có, phương Tây vẫn không thể nhấn chìm nền kinh tế Nga" tại chuyên mục Kinh Tế Thế Giới. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).