Cuộc chiến pháp lý giữa ‘Apple xưa’ và ‘Apple nay’?

01/02/2023 08:20

Ngày nay, mỗi khi nhắc đến từ “Apple” (quả táo), thay vì nghĩ tới trái cây, nhiều người lại liên tưởng đến công ty của ông hoàng công nghệ Steve Jobs. Những sản phẩm của Apple có uy tín đến độ một số người dùng thề rằng sẽ chỉ trung thành với đồ của Apple, và từ chối mua PC hoặc Android.

Tuy vậy, nhiều người không biết rằng cách đây không lâu, kẻ thù lớn nhất của Apple không phải là Samsung, LG hay Microsoft mà là nhóm nhạc The Beatles!

Bạn không đọc sai đâu. Thực tế, từ năm 1978 đến năm 2007, tập đoàn đa phương tiện Apple Corps Ltd, thuộc sở hữu của nhóm nhạc The Beatles, đã không ít lần đưa tập đoàn “con đẻ” của Steve Jobs ra tòa án tối cao Vương quốc Anh.

Sau cái chết của Brian Epstein - người quản lý yêu quý của The Beatles vào năm 1967, nhóm nhạc đã thành lập Apple Corps để giúp họ kiểm soát tình hình tài chính và lợi nhuận tốt hơn. Trong quá trình hoạt động, hãng thu âm Apple Records của The Beatles đã phát hành các album mang tính biểu tượng của mình như Abbey Road , Yellow Submarine và Let It Be.

Trong thời điểm này, nhiều nghệ sĩ mới cũng đã ký hợp đồng phát hành nhạc với hãng. Trong số đó có cả ca sĩ, nhạc sĩ kiêm nghệ sĩ đình đám James Taylor. Ngoài lĩnh vực âm nhạc, Apple Corps còn hoạt động và kinh doanh trong cả lĩnh vực phim ảnh.

The Beatles đăng ký nhãn hiệu đầu tiên của công ty vào năm 1969. Từ đó trở đi, hình ảnh toàn bộ hoặc một nửa logo quả táo xanh đã trở thành một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của họ.

Ít lâu sau đó, Steve Jobs đã cùng với những người bạn của mình là Steve Wozniak và Ronald Wayne đồng sáng lập Công ty Máy tính Apple (Apple Computer) vào năm 1976. Steve Job tuyên bố ông đặt tên cho công ty của mình là Apple bởi vì như vậy tên công ty ông sẽ xếp trước tên công ty dẫn đầu về công nghệ thời bấy giờ - công ty trò chơi điện tử Atari. Đi kèm với tên gọi này, Apple Computer đã sử dụng hình ảnh quả táo có màu sắc cầu vồng bị thiếu một mảnh để làm biểu tượng của mình.

Gần như ngay sau đó, vào năm 1978, Apple Corps đã kiện Apple Computer vi phạm nhãn hiệu. Tranh chấp pháp lý đầu tiên này được giải quyết ngoài tòa án vào năm 1981.

Kết quả, Apple Computer phải trả 80.000 đô la cho Apple Corps. Hai công ty cũng thông qua thỏa thuận rằng: chỉ cần Apple Corps không kinh doanh trong lĩnh vực máy tính hoặc sử dụng hình ảnh quả táo khuyết màu cầu vồng để làm logo, và Apple Computer không kinh doanh trong lĩnh vực âm nhạc hay sử dụng toàn bộ hoặc một nửa quả táo xanh làm biểu tượng, thì hai công ty có thể cùng song song tồn tại.

Năm 1981, khi giải quyết tranh chấp đầu tiên, hai công ty không thể lường trước được âm nhạc và máy tính lại phát triển theo hướng chồng chéo như ngày nay. Vì vậy, năm 1991, Apple Corps lại tiếp tục đưa Apple Computer ra tòa khi họ tạo ra những chiếc máy tính có khả năng tạo ra âm thanh vào năm 1989, vi phạm thỏa thuận này.

Một lần nữa Apple Corp đã chiến thắng Apple Computer. 26,5 triệu đô la đã thuộc về công ty quyền lực thuộc sở hữu của The Beatles!

Hai công ty tiếp tục đặt ra thỏa thuận rằng Apple Computer có quyền tham gia vào lĩnh vực âm nhạc kỹ thuật số; tuy nhiên, họ sẽ không bán hoặc phân phối những sản phẩm vật lý về âm nhạc, chẳng hạn như đĩa CD và băng cassette.

Lần hòa hợp thứ hai này không kéo dài lâu, bởi vì vào tháng 1 năm 2001, Apple Computer đã tung ra phần mềm iTunes. Ban đầu, phần mềm này chỉ hoạt động như một “máy hát tự động cho máy tính”. Nhưng ngay sau đó, Apple Computer đã phát hành iPod thế hệ đầu tiên, một thiết bị di động giúp con người lưu trữ nhạc từ thư viện iTunes và đem theo bên mình. Vào tháng 4 năm 2003, Apple Computer đã thông báo rằng cửa hàng đa phương tiện kỹ thuật số "iTunes Music Store" sẽ được thêm vào phần mềm iTunes.

Cái tên "Apple" không được sử dụng trong tên iTunes Music Store; tuy nhiên Apple Computer lại sử dụng logo táo khuyết trong phần mềm này. Apple Corps cho rằng điều này là vi phạm thỏa thuận của họ năm 1991 và một lần nữa kiện Apple Computer. 

Tuy nhiên, lần này, Tòa án tối cao thấy rằng phân phối nhạc kỹ thuật số là một thị trường hoàn toàn khác với việc phân phối vật lý, trong khi đó thỏa thuận giữa họ không bao gồm việc này. Do đó, trong lần tranh chấp này, Apple của Steve Job đã giành phần thắng.

Kể từ năm 2007, mối quan hệ giữa Apple Corps và Apple, Inc. gần như êm ấm. Năm 2010, Apple Corps thậm chí còn cho phép bán danh mục các bài hát của The Beatles trên iTunes Music Store vào năm 2010.

Lịch sử tranh chấp pháp lý giữa hai công ty hùng mạnh này có lẽ sẽ bị lãng quên bởi thế hệ tương lai. Nhưng lần tới khi bạn nghe nhạc từ iTunes Store trên iPhone hoặc tìm thấy chiếc iPod thế hệ thứ 5 cũ kỹ bị chôn vùi trong chiếc hộp chứa ký ức thời trung học, hãy nhớ rằng đã có lúc Apple phải chiến đấu hết mình với một Apple khác cũ hơn để bạn có được công nghệ đó trong tay.

Bạn đang đọc bài viết "Cuộc chiến pháp lý giữa ‘Apple xưa’ và ‘Apple nay’?" tại chuyên mục Kinh Tế Thế Giới. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).