Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, Tp.HCM) thuộc Tập đoàn Quốc tế Pouchen, hoạt động ở lĩnh vực sản xuất giày thể thao. Đây là công ty có đông lao động nhất Tp.HCM hiện nay với 50.000 công nhân.
Công ty TNHH PouYuen Việt Nam có đông công nhân nhất Tp.HCM với 50.000 lao động
Mới đây, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam có thông báo về việc sắp xếp làm việc luân phiên. Theo thông báo này, tình trạng thiếu đơn đặt hàng ảnh hưởng kế hoạch sản xuất, công ty và toàn thể công nhân các xưởng thuộc khối sự nghiệp PCaG thỏa thuận sắp xếp nghỉ luân phiên.
Trong khoảng thời gian từ ngày 1/12/2022 – 28/2/2023, công ty sẽ sắp xếp cho các công nhân khu xưởng C, D, Y & Hóa công thuộc khối sự nghiệp PCaG nghỉ tổng cộng 14 ngày, lịch nghỉ cụ thể sẽ thông báo sau. Đồng thời, công ty chi trả tiền lương cho ngày nghỉ luân phiên 180.000 đồng/ngày.
Theo ước tính, kế hoạch nghỉ luân phiên này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 20.000 công nhân. Đại diện công ty mong muốn người lao động các xưởng cùng phối hợp thực hiện để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trước đó, vào giữa năm 2020, công ty này cũng từng phải cắt giảm gần 3.000 lao động do thiếu hụt đơn hàng.
Theo ông Nguyễn Hồ Thiện Nhân, Phó tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Tp.HCM (HUBA), nhiều công ty dệt may trên địa bàn phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất do thiếu đơn hàng, đối mặt nhiều khó khăn.
Hiện tại, số lượng đơn hàng tại các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may như Hoa Kỳ, châu Âu giảm rõ rệt (châu Âu giảm tới 60%, Mỹ giảm 30-40%); lượng hàng tồn kho tăng, chiếm tới 20-25%.
Ông Nhân cho hay, từ quý 4/2022 đến quý 1 năm 2023, đơn đặt hàng hạn chế và không tăng. Các doanh nghiệp cạnh tranh đơn hàng khá gay gắt. Nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50%, thậm chí 40% so với bình thường. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất.
Đồng quan điểm trên, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam nhận định, tình trạng cắt giảm lao động do thiếu hụt đơn hàng là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp ngành giày dép.
Nguyên nhân của tình trạng sụt giảm đơn hàng là do lạm phát và sức mua các mặt hàng thời trang trong đó có giày dép bị chững lại ở các thị trường lớn. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Nhất là biến động tại 5 thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Những thị trường này chiếm tới 80-90% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam.
Hiện tại, những doanh nghiệp có khách hàng truyền thống mới duy trì được đơn hàng tuy nhiên không được như kỳ vọng. Thông thường như mọi năm, thời điểm hiện tại doanh nghiệp xuất khẩu sang những thị trường truyền thống đã ký đơn hàng đến hết quý 2 năm sau.
Nhưng với tình hình hiện nay, ngay cả khách hàng cũng chậm lại để đánh giá tình hình. Nên các đơn hàng được ký cầm chừng, thực hiện xong đơn trước mới ký đơn sau chứ không ký đơn hàng cho một thời gian dài.