5 lưu ý khi làm quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040-2060

16/02/2022 09:04

Tháng 9-2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1528 của Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

UBND TP.HCM vừa có quyết định duyệt đề cương nhiệm vụ và tổng dự toán chi phí lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Trong nhiệm vụ lập đồ án Quy hoạch chung TP.HCM, UBND TP đề ra năm lưu ý quan trọng.

TP thành trung tâm giao thương quốc tế và quốc gia

Cụ thể, theo UBND TP, phạm vi ranh giới, quy mô diện tích lập quy hoạch lần này sẽ gồm toàn bộ địa giới hành chính TP.HCM với diện tích 2.095 km2 và khu vực biển Cần Giờ. Phạm vi nghiên cứu gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM và các tỉnh xung quanh thuộc vùng TP.HCM bao gồm các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang với diện tích khoảng 30.404 km2.

Việc điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM là công việc quan trọng, mang tính chiến lược cho giai đoạn sắp tới của TP. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

UBND TP cũng đưa ra ba mục tiêu của việc lập quy hoạch. Thứ nhất là phù hợp định hướng phát triển cùa toàn vùng TP.HCM, hướng tới phát triển TP trở thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia, trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trung tâm du lịch, tài chính - thương mại, logistics…

Thứ hai là đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP. Tạo điều kiện khả thi để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị hiện nay như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Thứ ba là tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý phát triển, đầu tư xây dựng các khu vực trong đô thị và hoàn thiện hệ thống kỹ thuật khung của đô thị theo quy hoạch.

5 lưu ý quan trọng

Theo UBND TP, để nâng cao chất lượng nghiên cứu và đảm bảo tính khả thi thì trong quá trình tổ chức lập đồ án quy hoạch cần có năm lưu ý.

Thứ nhất, quy hoạch cần thống nhất, đồng bộ (về liên kết vùng, quy hoạch sử dụng đất, phương hướng phát triển các ngành - lĩnh vực trọng yếu tương thích với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội). Thứ hai, ứng dụng công nghệ thông tin địa lý GIS để phân tích, đánh giá xu hướng phát triển đô thị thời gian qua nhằm đề xuất giải pháp quy hoạch phù hợp với đặc điểm của đô thị TP.HCM…

Thứ ba, về thiết kế đô thị, phải đáp ứng yêu cầu của Bộ Xây dựng, khuyến khích sử dụng công nghệ hiện đại để mô phỏng cấu trúc đô thị và phương hướng phát triển không gian đô thị theo các phương án đề xuất.

Thứ tư là xây dựng kế hoạch, cơ chế thực hiện đồ án quy hoạch trên cơ sở phối hợp với các cơ quan, đơn vị tư vấn (lập quy hoạch) khác có liên quan, nhằm bảo đảm nội dung nghiên cứu được cập nhật thông tin đa dạng và đồng bộ, đặc biệt đối với các chương trình, đề án và dự án đặc thù của TP.HCM.

Cuối cùng là phải xây dựng khung đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch (giai đoạn 2030-2040) tạo cơ sở để cơ quan chuyên ngành theo dõi, điều chỉnh kịp thời (nếu có)…

Trao đổi với PV, đại diện Sở QH-KT TP.HCM cho biết công tác điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn năm 2060 là công việc quan trọng, mang tính chiến lược cho giai đoạn sắp tới của TP. Trong bối cảnh quy hoạch chung TP.HCM hiện hành (Quyết định số 24 ngày 6-1-2010 phê duyệt Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2025) sau hơn 10 năm thực hiện đã đến lúc điều chỉnh.

Việc điều chỉnh này để phù hợp cơ sở pháp lý và các định hướng chủ trương lớn (trong đó có quy hoạch vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050), đồng thời ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển của TP.HCM.•

Cần có dự báo nghiêm cẩn và kịp thời

Gửi ý kiến góp ý về ý tưởng Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam lưu ý mối liên hệ “mẹ - con” giữa TP.HCM và TP Thủ Đức cũng cần được gọi tên chính danh và thể hiện các giải pháp trong quy hoạch đầy đủ theo tinh thần biện chứng. Mô hình “biến thị” trong nội bộ TP liệu còn xảy ra thế nào sau Thủ Đức cũng là một yếu tố cần có dự báo nghiêm cẩn và kịp thời.

Bên cạnh đó, cần có đánh giá rộng và sâu sự phát triển kết hợp, hỗ trợ và cạnh tranh của các đô thị liên vùng một cách đầy đủ, để tránh lạc quan, bất ngờ và lãng phí khi lập quy hoạch TP. Ví dụ như khi sân bay Long Thành thực sự vận hành khai thác; vấn đề môi trường tự phục hồi - cơ sở hạ tầng có khả năng tự phục hồi cũng cần được đặt ra khi tiến hành lập quy hoạch…

Còn theo TS-KTS Lê Quang Ninh, nguyên Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc TP, về không gian văn hóa cộng đồng lớn của TP trong tương lai chúng ta cần hướng vào công viên khoa học của TP Thủ Đức bởi nơi đây sẽ là bộ não của TP.HCM trong nay mai. Ông Ninh kỳ vọng nơi này sẽ là “thung lũng silicon” chứa đựng dung lượng khoa học to lớn thúc đẩy sự phát triển của TP và văn hóa phải sớm đặt chân vào đây để cùng với kinh tế - xã hội thúc đẩy con tàu đô thị này hướng tới tương lai phát triển mới. Việc thể hiện một công viên khoa học ở tầm cỡ thế giới cho TP Thủ Đức là một thách thức không nhỏ nhưng không thể không làm để sớm ghi nhận một bản sắc văn hóa phát triển một cách khoa học và căn cơ.

KTS Trương Nam Thuận thì cho rằng nên hiểu chữ “chung” này theo một hướng khác. Thực chất của đồ án quy hoạch chung chính là quy hoạch các dự án chiến lược cần sự “chung sức” của Nhà nước và tư nhân cùng làm. Khái niệm “chung” ở đây không chỉ là sự tổng quát mà nó còn phải rất chi tiết ở những dự án có tính chất ảnh hưởng lớn và trọng điểm, không cần phải đi vào quy hoạch chi tiết để nghiên cứu tiền khả thi hay khả thi mà phải nghiên cứu khả thi ngay ở quy hoạch chung.

Bạn đang đọc bài viết "5 lưu ý khi làm quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040-2060" tại chuyên mục Quy Hoạch. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).