Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng Khoa Khám Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết ngày Tết, mọi người có xu hướng ăn uống vô độ, không kiểm soát. Các món ăn đặc trưng là thực phẩm nhiều dầu mỡ như thịt mỡ, nem rán, giò thủ, lạp xưởng, xúc xích; món ngọt như bánh trái, mứt, kẹo; nhiều chất bột đường như bánh chưng, bánh tét, xôi... Một số người có xu hướng ăn quá nhiều, trong khi số khác lại cắt giảm quá mức để tránh tăng cân, điều này đều không tốt cho sức khỏe.
Các chuyên gia chỉ ra một số sai lầm trong việc ăn uống dịp Tết, như sau:
Ăn quá nhiều
Nhiều người quan niệm một năm mới có một dịp Tết nên ăn uống thả ga, điều này dễ dẫn đến các vấn đề sức khỏe như tăng cân, trào ngược dạ dày. Việc giảm cân cấp tốc sau Tết bằng những phương pháp không lành mạnh cũng gây nhiều hệ lụy.
Thực tế, chỉ cần một tuần ăn uống mất kiểm soát, cơ thể sẽ tích mỡ xấu. Thực phẩm trong ngày Tết đều thuộc nhóm giàu đạm, chất béo và tinh bột, hàm lượng calo cao. Trong khi đó, mọi người có thời gian nghỉ ngơi dài ngày, ngừng làm việc và lao động nên nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm so với ngày thường. Khi ăn quá nhiều sẽ khiến cân nặng tăng nhanh.
Ngoài ra, ăn quá nhiều cũng dễ dẫn đến tăng nồng độ đường, mỡ trong máu. Ở những bệnh nhân có bệnh lý như đái tháo đường hay rối loạn mỡ máu..., việc này sẽ làm gia tăng tình trạng bệnh. Nhiều người chỉ ăn thịt, không ăn rau, dẫn đến tình trạng mất cân đối, thiếu các loại vitamin và khoáng chất.
Cắt giảm tinh bột
Trái ngược với ăn uống vô độ, nhiều người có xu hướng không ăn tinh bột trong ngày Tết để tránh tăng cân. Thực đơn của họ là rau củ, salad, ức gà, thịt bò. Điều này là hoàn toàn sai lầm và gây hại.
Carbohydrate, thành phần chính của các thức ăn tinh bột, đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể. Tinh bột, đạm và chất béo là các chất sinh năng lượng, do đó việc nạp không đủ tinh bột có thể gây suy nhược, ảnh hưởng tới trí nhớ cũng như năng suất công việc.
Trên thực tế, các bữa ăn tối không chỉ cung cấp năng lượng mà còn giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Ngoài ra, việc nạp tinh bột vào buổi tối cũng rất có ích với những trường hợp có nguy cơ hạ đường huyết.
Nếu không ăn hoặc ăn ít, cơ thể không đủ năng lượng, bạn phải ăn dư đạm, dư đường từ hoa quả, hoặc dư chất béo từ các hạt có dầu..., từ đó gây rối loạn chuyển hóa.
Bác sĩ Hưng nhận định bổ sung đa dạng thực phẩm là mẹo để ăn uống lành mạnh dịp Tết. Nếu không muốn tăng cân, bạn chỉ ăn 80% theo nhu cầu khuyến nghị.
Ăn quá nhiều các loại hạt
Các loại hạt giàu dinh dưỡng song cũng là nguồn cung rất nhiều dầu. 100 g các loại hạt cung cấp trung bình 500-600 calo, bằng ba miệng bát cơm. Bởi vậy, nếu ăn quá nhiều ngày Tết chắc chắn sẽ gây tăng cân. Ngoài ra có thể khiến đầy bụng, khó tiêu, cơ thể ì ạch vì dư thừa năng lượng.
Không cân bằng giữa các bữa
Các dịp lễ, Tết thường là thời điểm mọi người ăn uống vô độ. Trong tiệc tất niên, việc ăn nhiều hơn ngày thường là điều không thể tránh khỏi. Ăn quá nhiều, quá nhanh, kết hợp với uống rượu khiến não không đủ thời gian để bắt kịp dạ dày. Điều này khiến hệ tiêu hóa phải làm việc quá sức và dễ dẫn đến các vấn đề sức khỏe.
Ngoài ra, não không kịp gửi tín hiệu đã no khiến bạn ăn nhiều hơn, có thể gây tăng cân, béo phì.
Bên cạnh đó, nhiều người thường bỏ bữa sáng hoặc bữa trưa trong dịp Tết. Điều này có thể khiến bạn mệt mỏi, hạ đường huyết, đau đầu, thậm chí thèm ăn, dẫn đến ăn tối nhiều hơn.
Thay vào đó, bạn nên ăn 5-6 bữa nhỏ mỗi ngày để giúp cân bằng dinh dưỡng, ngăn cảm giác đói, tránh tình trạng ăn quá nhiều một lúc.
Ăn tiết canh
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), cho rằng nhiều người dân thói quen ăn đồ tái sống, đặc biệt ăn tiết canh dịp Tết để may mắn cả năm. Thực tế, việc làm này rất nguy hại sức khỏe.
Tiết canh bản chất máu sống chế biến cùng các loại thịt, xương nên không thể tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, nhất là máu của lợn, gà, vịt... đang nhiễm bệnh. Nguy cơ nhiễm chất độc từ máu các động vật rất cao.
Nhiều gia đình khẳng định nuôi lợn sạch, không bị bệnh nên vẫn giết mổ để ăn, nhưng chúng ta không thể biết con lợn đó có thực sự khỏe mạnh hay không. Lợn có thể bị nhiễm liên cầu khuẩn hay những bệnh khác mà con người không thể nhận biết bằng mắt thường. Ngoài ra, những chất độc tồn tại trong máu lợn trong quá trình nuôi, có thể gây các bệnh khác. Do đó, mọi người cần cảnh giác, tốt nhất không nên ăn tiết canh.