Tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt vốn
Đầu năm 2021, khi Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái ra 51% vốn và Quỹ Đầu tư hạ tầng PVI trở thành cổ đông lớn chi phối, giới đầu tư kỳ vọng Afiex sẽ có nhiều thay đổi.
Tuy nhiên, trải qua gần hai năm kể từ khi nhóm cổ đông mới tham gia tái cấu trúc, chất lượng tài sản của Afiex không có dấu hiệu cải thiện. Thậm chí, tình trạng kinh doanh thâm hụt vốn càng thêm trầm trọng.
Cụ thể, từ năm 2021 đến 9 tháng đầu năm 2022, dòng tiền kinh doanh chính ghi nhận âm 424,1 tỷ đồng (năm 2021 âm 191,3 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2022 âm 232,8 tỷ đồng). Trong cùng thời gian, dòng tiền đầu tư của Công ty dương 106,7 tỷ đồng, dòng tiền tài chính dương 397,3 tỷ đồng.
Được biết, từ khi lên giao dịch trên thị trường UPCoM (vào năm 2016) tới nay, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh chính của Afiex âm liên tục với giá trị lớn như gần 2 năm trở lại đây. Cụ thể, từ năm 2016 đến năm 2020, Công ty chỉ ghi nhận dòng tiền âm một năm duy nhất là năm 2018, với giá trị âm 152,08 tỷ đồng, thấp hơn hẳn so với giai đoạn sau khi cổ đông Nhà nước thoái vốn.
Để bù đắp cho thâm hụt vốn kéo dài, từ ngày 1/1/2021 đến 30/9/2022, Afiex đã tăng vay nợ 13,6 lần, tương ứng tăng thêm 397 tỷ đồng, lên 426,5 tỷ đồng, chiếm 46,4% tổng nguồn vốn (đầu kỳ chỉ chiếm 6,7% tổng nguồn vốn).
Cùng với vấn đề thâm hụt vốn, tăng vay nợ, dòng tiền của Công ty có dấu hiệu chảy vào bên thứ ba, thông qua các khoản phải thu. Trong đó, tính tại ngày 30/9/2022, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 84,4% so với thời điểm 1/1/2021, tương ứng tăng thêm 236,1 tỷ đồng, lên 516,03 tỷ đồng và chiếm 56,1% tổng nguồn vốn.
Trong đó, Afiex cho biết, phải thu chủ yếu bao gồm 45,5 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển tổng hợp An Thịnh; 32,8 tỷ đồng của Công ty TNHH Green Buy Vietnam; 23,2 tỷ đồng của bà Nguyễn Thị Ngọc Dung; 20,7 tỷ đồng của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ LOCBTH Việt Nam; 13,7 tỷ đồng của Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư xây dựng Thiên Kim… Ngoài ra, Công ty cũng đang trả trước 197,4 tỷ đồng cho nhiều công ty.
Có thể thấy, trong khi hoạt động kinh doanh chính không tạo ra tiền, Công ty đang dùng nợ vay tài trợ cho các bên thứ ba, dẫn tới các khoản phải thu ngắn hạn ngày một phình to.
Quỹ đất lớn vẫn ở dạng… tiềm năng
Diễn biến đáng chú ý tại Afiex gần đây là Quỹ Đầu tư hạ tầng PVI bất ngờ thoái ra toàn bộ 51% vốn; Tổng công ty Lương thực Miền Nam – CTCP giảm sở hữu từ 20,5% về còn 4,8%, không còn là cổ đông lớn. Ở chiều ngược lại, ông Đặng Quang Thái từ sở hữu 8,1% cổ phần từ chỗ không nắm giữ cổ phiếu nào và trở thành cổ đông lớn của Công ty.
Như vậy, chỉ sau 9 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ cổ đông nhỏ trôi nổi bên ngoài đã tăng từ 19,9% lên 78,4%.
Điểm đáng lưu ý là, khi Quỹ Đầu tư hạ tầng PVI trở thành cổ đông lớn của Afiex, đơn vị này ngay lập tức miễn nhiệm toàn bộ thành viên Hội đồng quản trị, bầu mới 7 thành viên. Trong đó, ông Đặng Quang Thái là Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Hứa Minh Trí là Tổng giám đốc. Tuy nhiên, sau khi quỹ này thoái 51% vốn, ông Thái vẫn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Trí giữ vị trí Phó chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Hứa Minh Trí được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc.
Việc cổ đông lớn thoái vốn tại Afiex không làm thay đổi lãnh đạo Hội đồng quản trị, theo nhận định của nhiều thành viên thị trường, giống việc thay nhóm cổ đông đứng tên hơn là thay đổi sang một nhóm cổ đông mới.
Được biết, trước khi tham gia vào Afiex, ông Đặng Quang Thái từng giữ chức Tổng giám đốc tại Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Hoàng Minh (mã KPF) từ tháng 10/2017 - 8/2019 và làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Điện tử Ảnh màu – Nha Trang từ tháng 12/2019 tới nay.
Về Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Hoàng Minh, đơn vị này mới đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư tài sản Koji, hoạt động kinh doanh không có nhiều điểm nhấn. Thời điểm 31/12/2019, tài sản công ty này là 857,9 tỷ đồng, chủ yếu liên quan tới tồn kho dự án Khu du lịch sinh thái Prime - Prime Resort and Hotels tại Cam Lâm, Khánh Hoà (391,9 tỷ đồng) và chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn 260,1 tỷ đồng, liên quan tới dự án Khu du lịch sinh thái Prime - Prime Resort and Hotels.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, mục đích nhóm cổ đông liên quan tới ông Đặng Quang Thái mua cổ phần của Afiex là do công ty này sở hữu nhiều bất động sản ở miền Tây, có thể phát triển thương hiệu Afiex trở thành công ty bất động sản có tiếng tại khu vực này bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp truyền thống.
Được biết, riêng tại Cần Thơ, Afiex đang sử dụng và quản lý khu đất rộng 309 m2 tại số 34 - 36 Hai Bà Trưng, phường Mỹ Long; khu đất 1.030 m2 tại phường Bình Khánh; khu đất 5.900 m2 tại xã Mỹ Khánh; khu đất 2.730 m2 tại xã An Hòa; khu đất 2.341 m2 tại thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn; khu đất 761 m2 tại phường Mỹ Thạnh; khu đất rộng 37.888 m2 tại ấp Long Hòa, xã Long Giang; khu đất 24.959 m2 tại ấp Bình Tây 1, Phú Bình và hai khu đất tại ấp Vĩnh Mỹ có tổng diện tích 26.332 m2; 455 m2 tại xã Hòa An. Ngoài ra, Công ty cũng sở hữu hơn 10 khu đất thuê với tổng diện tích gần 500.000 m2 trên địa bàn tỉnh An Giang.
Mặc dù vậy, tiềm năng lĩnh vực bất động sản của Afiex mới nằm ở kỳ vọng. Trong khi đó, báo cáo tài chính gần nhất (quý III/2022) cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2022, hoạt động kinh doanh nông, lâm, thuỷ hải sản ghi nhận 28,08 tỷ đồng lợi nhuận, lĩnh vực dịch vụ lỗ 0,2 tỷ đồng. Trước đó, năm 2021, hoạt động kinh doanh nông, lâm, thuỷ hải sản ghi nhận 6,14 tỷ đồng, chiếm 82,5%; hoạt động dịch vụ ghi nhận 1,3 tỷ đồng, chiếm 17,5% tổng lợi nhuận.