Ai đang là chủ nợ lớn nhất của FLC?

01/11/2022 10:56

Cuối quý III/2022, nợ phải trả của FLC ghi nhận hơn 28.271 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm, chiếm 78% tổng tài sản và cao gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 mới được CTCP Tập đoàn FLC (HoSE: FLC) công bố mới đây, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đi lùi 70% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 429 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến doanh nghiệp lỗ gộp hơn 96 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ tiêu này ghi nhận đang dương 144 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính cũng là một điểm tối khi ghi nhận giảm mạnh 93% xuống mức 18 tỷ đồng. Trong khi đó ở chiều ngược lại, hàng loạt chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều đồng loạt tăng mạnh lên lần lượt 105 tỷ đồng và 267 tỷ đồng.

Ngoài ra, FLC còn tiếp tục phải gánh thêm khoản lỗ từ công ty liên doanh, liên kết lên tới tận 318 tỷ đồng. Với việc doanh thu thấp mà chi phí nối đuôi tăng cao, doanh nghiệp báo lỗ 785 tỷ đồng trong quý III/2022.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, tập đoàn này lỗ hơn 1.890 tỷ đồng, trái ngược hoàn toàn với khoản lãi gần 70 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021.

FLC nêu nguyên nhân doanh thu giảm mạnh do tình hình chung của thị trường bất động sản, sự thay đổi trong chính sách tín dụng dành cho chủ đầu tư. Đồng thời, FLC cho biết doanh nghiệp đang trong quá trình tái cấu trúc lại các vị trí lãnh đạo chủ chốt, các mảng kinh doanh cốt lõi nên có sự ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Bên cạnh đó, lợi nhuận của FLC giảm mạnh cũng do khoản lỗ tăng từ mảng đầu tư hàng không, khách sạn. Đây là hai mảng kinh doanh đang trên đà phục hồi tích cực, tuy nhiên nhiều diễn biến bất lợi mang tính khách quan của thị trường (như giá nhiên liệu tăng cao, thị trường quốc tế phục hồi chậm...) khiến lợi nhuận của hai lĩnh vực này chưa thực sự đạt như kỳ vọng.

Thuyết minh tại phần đầu tư dài hạn, FLC cho biết khoản đầu tư vào CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) có giá gốc 4.015 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9/2022, FLC đã lỗ gần 1.269 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh của Bamboo Airways.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của FLC ghi nhận dương 3.793 tỷ đồng tại cuối quý III/2022, do tăng các khoản phải trả và giảm hàng tồn kho. Theo thuyết minh trong BCTC, tính đến ngày 30/9 FLC có mục hàng tồn kho giảm 11% xuống 1.922 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn lại tăng 20% lên 8.712 tỷ đồng.

Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của FLC ở mức 36.216 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Đáng chú ý, FLC ghi nhận đầu tư 174 tỷ đồng vào chứng khoán kinh doanh nhưng đã lỗ tới hơn 148 tỷ đồng khoản này. Các mã chứng khoán mà công ty đang nắm giữ bao gồm AMD, HAI và KLF.

Cuối quý III/2022, nợ phải trả của Tập đoàn ghi nhận hơn 28.271 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm, chiếm 78% tổng tài sản và cao gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu. Tổng nợ vay giảm 19% về 5.015 tỷ đồng, trong đó có 3.193 tỷ đồng vay ngắn hạn và 1.822 tỷ đồng vay dài hạn.

Đáng chú ý, chủ nợ lớn nhất với các khoản vay ngân hàng của FLC đến cuối tháng 9 là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với dư nợ lên tới 1.506 tỷ đồng, tài sản đảm bảo cho khoản vay này là tài sản hình thành từ vốn vay (bao gồm 333,216 tỷ đồng vay dài hạn đến hạn trả và 1.014 tỷ đồng vay dài hạn tại chi nhánh Quy Nhơn, 158 tỷ đồng vay dài hạn tại chi nhánh Quảng Bình); xếp thứ hai là Ngân hàng TMCP Quốc dân – chi nhánh Hà Nội với dư nợ vay ngắn hạn 581 tỷ đồng và nhiều khoản vay nhỏ lẻ tại các ngân hàng, tổ chức tài chính khác.

Ngoài ra, doanh nghiệp ghi nhận vay của các cá nhân là ông Lê Thái Sâm (Thành viên HĐQT FLC) 621 tỷ đồng và bà Cao Ngọc Kim Ngân 36 tỷ đồng. FLC cho biết tất cả các khoản vay tài chính trên doanh nghiệp đều có khả năng trả nợ.

Kể từ khi cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn, ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố vì hành vi thao túng giá cổ phiếu vào cuối tháng 3/2022 đến nay, FLC liên tục có sự thay đổi về dàn lãnh đạo thượng tầng, kết quả kinh doanh lao dốc và nhận hàng loạt quyết định cưỡng chế thuế.

Chỉ trong vỏn vẹn 3 tháng, FLC đã nhận các quyết định cưỡng chế thuế với tổng giá trị 1.386 tỷ đồng từ các cơ quan quản lý thuế như Cục thuế Hà Nội, Quảng Bình, Thanh Hoá, Khu vực Đak Đoa – Mang Yang và Kon Tum.

Cổ phiếu FLC trên thị trường đã bị đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9 do chưa công bố các báo cáo tài chính soát xét năm 2021, chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên và chưa tìm được đơn vị kiểm toán BCTC năm 2022. Ngày 4/11 tới đây, FLC dự định sẽ chốt danh sách cổ đông tham gia ĐHCĐ thường niên 2022.

Bạn đang đọc bài viết "Ai đang là chủ nợ lớn nhất của FLC?" tại chuyên mục Doanh Nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).