Ba Đình (Hà Nội): Ai đứng sau vụ “hô biến” trụ sở công ở 77 Nguyễn Thái Học?

09/08/2022 14:44

Việc “hô biến” trụ sở Liên minh HTX Việt Nam ở số 77 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình (Hà Nội) nhiều năm nay trở thành showroom nội thất, đang cho thấy nhiều khuất tất. Trong đó, vai trò của lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam rất cần các cơ quan bảo vệ pháp luật làm rõ khi ngang nhiên không chấp hành các quy định về cho thuê tài sản công một cách “vô pháp, vô thiên”.

77-nguyen-thai-hoc-1660027774.png

Qua tìm hiểu của phóng viên cho thấy dư luận đang thắc mắc trước việc trụ sở công ở số 77 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình (Hà Nội) nhiều năm nay lại “hô biến” trở thành showroom nội thất, kinh doanh thiết bị vệ sinh liệu có đúng quy định của pháp luật hay không, có gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước hay không?

Dấu hỏi quanh người chịu trách nhiệm

Lần giở lại thì được biết Liên minh HTX Việt Nam được giao quản lý trụ sở tại số 77 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội và Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Bảo đã ký Nghị quyết số 779/NQ ngày 17/10/2017 trong đó nêu rõ: “Giám sát chặt chẽ Quyết định của Thường trực về việc đình chỉ thực hiện các Hợp đồng có liên quan đến Nhà số 77 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội”.

Cứ ngỡ đó là sự nghiêm khắc, quyết liệt của người đứng đầu này nhằm tránh tình trạng trục lợi từ tài sản công. Thế nhưng, chỉ 3 tháng sau đó, chính người đứng đầu Liên minh đã quay ngoắt 180 độ khi ký Nghị quyết số 15/NQ ngày 10/1/2018 về việc quản lý, khai thác cơ sở vật chất để phát triển kinh tế ngành. Trong đó, đối với tòa nhà 3 tầng phía trước, mặt đường Nguyễn Thái Học giao cho Ban Kinh tế Đầu tư phối hợp văn phòng dự thảo hợp đồng hợp tác khai thác thương hiệu.

Nghị quyết này cũng giao cho văn phòng ký kết hợp đồng khai thác thương hiệu, hợp tác với CTCP Phong cách Âu châu (Euro style), hoàn thành trước ngày 15/1/2018 và làm việc với CTCP Phong cách Âu châu về thủ tục pháp lý liên quan đến việc đã cải tạo, sửa chữa tòa nhà (giấy phép sửa chữa, bản vẽ…), giá trị công trình sửa chữa, hoàn thành trước ngày 31/1/2018.

Điều lạ lùng là Nghị quyết ngày 10/1/2018 mới được ban hành nhưng Hợp đồng với CTCP Phong cách Âu châu đã ký từ ngày 25/12/2017 (Hợp đồng ủy quyền sử dụng lợi thế cơ sở vật chất số 19/HĐUQSDLTCSVC ký ngày 25/12/2017 giữa Liên minh HTX Việt Nam và CTCP Phong cách Âu châu (thời hạn hợp đồng là 5 năm từ ngày 25/12/2017 đến 25/12/2022).

Như vậy là hợp đồng đã ký trước Nghị quyết được 15 ngày. Phải chăng có gì đó mờ ám, khuất tất quanh chuyện ký hợp đồng với việc ra nghị quyết. Liệu có mối liên hệ “lợi ích nhóm” với CTCP Phong cách Âu châu hay không?

Nên biết rằng, Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài chính đã nhiều lần chỉ đạo Liên minh HTX Việt Nam phải chấm dứt việc cho thuê, vì sử dụng không đúng quy định của pháp luật.

Ngày 27/10/2020, Thanh tra Chính phủ đã làm việc với Liên minh HTX Việt Nam theo Quyết định số 662/QĐ-TTCP ngày 23/9/2019 của Tổng Thanh tra Chính phủ về thanh tra công tác quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính đối với tài sản công (nhà, đất) đã khẳng định: “Việc Liên minh HTX Việt Nam cho CTCP Phong cách Âu châu sử dụng nhà, đất tại 77 Nguyễn Thái Học là chưa đúng mục đích sử dụng nhà 3 tầng, là thực hiện chưa đúng theo phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất đã được Bộ Tài chính, UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt”.

Trước đó, ngày 9/10/2020, Bộ Tài Chính đã ban hành Công văn số 12436/BTC-QLCS trả lời Liên minh HTX Việt Nam về việc sử dụng khai thác cơ sở vật chất đã nêu rõ: Tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải tuân thủ các quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 69; khoản 2 điều 70 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ban hành ngày 21/6/2017 cũng như Nghị định 151/NĐ-CP, ngày 26/12/2017 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết một số điều quản lý tài sản công và Thông tư số 144/TT-BTC, ngày 29/12/2017 của Bộ Tài Chính hướng dẫn chi tiết Nghị định 151.

Cụ thể, khoản 2 Điều 69 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định: Phải lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định. Được cơ quan, người có thẩm quyền theo phân cấp của Chính phủ phê duyệt đề án. Sử dụng tài sản đúng mục đích đầu tư xây dựng, mua sắm; không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Điều lệ của tổ chức.

Đáng chú ý, điều 57 Nghị định 151/NĐ-CP cũng quy định rõ: “Ban lãnh đạo của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính, Bộ quản lý Nhà nước (đối với tổ chức thuộc Trung ương quản lý).

Thế nhưng ông Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam không chỉ khuất tất khi chỉ đạo ký hợp đồng cho thuê trước khi chính ông ký ban hành Nghị Quyết của tập thể Đảng Đoàn, mà còn ngang nhiên cho thuê khi chưa có đề án được phê duyệt, không báo cáo xin phép Bộ Tài chính và Chính phủ, không tổ chức đấu giá để lựa chọn bên cho thuê, sử dụng tiền thu được không đúng mục đích. Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, tổng số tiền CTCP Phong cách Âu châu và Trung tâm phát triển thương mại và Đầu tư (đơn vị thuê nhà 7 tầng phía sau, ko phải mặt đường – pv) đã trả cho Liên minh HTX Việt Nam từ khi ký hợp đồng đến 30/6/2020 là 5.610 triệu đồng. Tuy nhiên, Liên minh HTX Việt Nam chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định. Việc làm này thể hiện sự coi thường, không chấp hành quy định của Nghị định 151/NĐ-CP và Luật Quản lý tài sản công.

Không thể “vô pháp, vô thiên” với trụ sở công

Theo Hợp đồng uỷ quyền sử dụng lợi thế cơ sở vật chất số 919/HĐUQSDLTCSVC ký ngày 25/12/2017 giữa Liên minh HTXVN và CTCP Phong cách Âu châu thì Liên minh HTX Việt Nam sử dụng diện tích tầng 3 của toà nhà cho CTCP Phong cách Âu châu thuê làm nơi làm việc của Liên minh HTX Việt Nam. Nhưng ngay sau đó ngày 25/7/2018, Liên minh HTX Việt Nam lại ký tiếp phụ lục Hợp đồng số 01/PLHĐ/919/HĐUQSDLTCSVC đồng ý chuyển đổi tương đương văn phòng làm việc từ tầng 3 lên sử dụng diện tích sàn tầng 4.

Phải nói rõ thêm rằng tài sản công mà Liên minh HTX Việt Nam cho CTCP Phong cách Âu châu thuê là nhà Pháp cổ, trong các văn bản của Liên minh đều ghi đây là “toà nhà 3 tầng phía trước, mặt đường Nguyễn Thái Học” (Nghị Quyết số 15). Vậy hai bên đồng ý chuyển trụ sở của Liên minh lên tầng 4 là lên đâu? Phải chăng là phần áp mái của nhà Pháp cổ để làm trụ sở cơ quan?

Thực tế qua tìm hiểu của phóng viên, toàn bộ toà biệt thự Pháp cổ đã được CTCP Phong cách Âu châu sử dụng. Không có đơn vị trực thuộc nào của Liên minh HTX Việt Nam làm việc ở đó. Vậy phần diện tích tầng 3 lấy danh nghĩa là hoán đổi đó phải chăng là “quà tặng” của Liên minh đối với phí thuê cho CTCP Phong cách Âu châu? Nếu không phần tiền thuê diện tích tầng 3 dưới chiêu bài hoán đổi đó sẽ rơi vào túi ai? Căn nhà Pháp cổ đáng được bảo tồn thì nay đã bị xâm hại nghiêm trọng, thay hình đổi dạng thành nhà hộp kính.

Bên cạnh đó, Công văn số 12436/BTC-QLCS của Bộ Tài chính cũng nêu rõ: Đối với Hợp đồng kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết đã ký trước ngày Nghị định này (Nghị định 151-pv) có hiệu lực thi hành nhưng không phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm chấm dứt Hợp đồng để quản lý, sử dụng tài sản công theo đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định này.

Và ngay trong Nghị quyết số 15/NQ-LMHTXVN, ngày 10/1/2018, do ông Nguyễn Ngọc Bảo ký đã nêu rõ: “Nguyên tắc thời hạn hợp đồng là 5 năm, nhưng sau 3 năm Liên minh HTX Việt Nam sẽ xem xét, đánh giá việc thực hiện các điều khoản hợp đồng của công ty, nếu không có vi phạm và công ty có nhu cầu sử dụng, thì tiếp tục thực hiện hợp đồng, sử dụng tiếp 2 năm còn lại”.

Như vậy, có thể hiểu ông Chủ tịch sẽ xem xét việc gia hạn hợp đồng nếu vi phạm và Bộ Tài chính đã yêu cầu rõ rằng Liên minh HTX Việt Nam chấm dứt Hợp đồng vì không phù hợp với quy định của pháp luật. Vậy mà ký một đằng, ông chủ tịch Liên minh lại làm một nẻo!

Đáng nói hơn nữa là Liên minh HTX Việt Nam không những không chấm dứt Hợp đồng mà Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo còn tiếp tục ký ban hành Nghị quyết 26 vào ngày 8/2/2022 về quản lý, khai thác cơ sở vật chất tại số 77 Nguyễn Thái Học.

Điều làm cho dư luận bất bình khi đây không phải Nghị quyết yêu cầu CTCP Phong cách Âu châu trả lại tài sản công mà lại đưa ra quyết nghị đồng ý giữ nguyên phần lợi tức của CTCP Phong cách Âu châu chuyển về Liên minh HTX Việt Nam. Như vậy, với Quyết nghị trong Nghị quyết 26, người đứng đầu Liên minh HTX Việt Nam đã thừa nhận cho CTCP Phong cách Âu châu tiếp tục sử dụng tài sản công để kinh doanh.

Trong khi đó, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính đã có văn bản “thổi còi” yêu cầu người đứng đầu Liên minh HTX Việt Nam có trách nhiệm chấm dứt hợp đồng cho thuê. Vậy mà ông Nguyễn Ngọc Bảo không những không thực hiện mà còn ký tiếp văn bản đồng ý giữ nguyên lợi tức.

Khi người đứng đầu không nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật, không cương quyết xử lý hợp đồng đối với doanh nghiệp sẽ dẫn đến việc CTCP Phong cách Âu châu chây ỳ, đòi không trả, hệ luỵ tiếp theo là tranh chấp khiếu kiện kéo dài. Hậu quả nghiêm trọng chính là khó xử lý vi phạm, nguy cơ Liên minh HTX Việt Nam mất trụ sở là hiện hữu.

Phải chăng người đứng đầu Liên minh HTX Việt Nam đang thách thức, đứng trên các quy định của pháp luật. Điều này rất cần sự vào cuộc làm rõ của cơ quan kiểm tra đảng, cơ quan thanh tra, cơ quan bảo vệ pháp luật và các bộ ngành có liên quan nhằm tránh kéo dài chuyện cho thuê trụ sở công một cách “vô pháp, vô thiên”, không tuân thủ pháp luật.

Bạn đang đọc bài viết "Ba Đình (Hà Nội): Ai đứng sau vụ “hô biến” trụ sở công ở 77 Nguyễn Thái Học?" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).