Cụ thể, theo nhiều người dân nơi đây cho biết, khu vực đất với quy mô hơn 1ha nằm trên con phố Ngọa Long có nguồn gốc là đất công do UBND phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm trực tiếp quản lý. Do lịch sử để lại phần lớn đất tại đây là đất lò gạch, đất đường mương nội đồng, sau này toàn bộ khu vực đất được tổ chức san lấp bằng phẳng như hiện nay.
Thế nhưng, việc san lấp nói trên lại tạo điều kiện thuận lợi để nhiều tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thi nhau “xẻ thịt” chiếm dụng đất công sử dụng vào các mục đích kinh doanh vật liệu xây dựng…. Trong đó, một phần khu vực đất tại đây trở thành bãi trung chuyển tập kết phế thải xây dựng.
Cũng theo người dân sống xung quanh cho biết, hàng ngày các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng như ô tô tải, xe ben, xe ba gác hoạt động rầm rộ ngày đêm trên phố Ngọa Long. Điều này không chỉ gây ra nguy cơ mất an toàn giao thông cho người dân, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề môi trường.
Tại đây Công ty 225 ngang nhiên tổ chức thi công đổ bê tông, thiếp lập hàng rào tôn xung quanh, trong khi chưa được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành giao đất |
Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường cho thấy, toàn bộ khu đất nằm giáp với cổng chào khu dân cư Ngọa Long đã được quây tôn, phân chia khu vực rõ ràng. Theo đó, phía ngoài là cổng sắt kiên cố, khoảng đất mặt tiền tuyến phố được đổ bê tông kiên cố; bên trong dựng một container, bồn chứa nước, xung quanh xây dựng các khung thép… kế bên là bãi tập kết vật liệu xây dựng, thời điểm phóng viên có mặt xuất hiện rất nhiều xe ba gác, xe tự chế ra vào vận chuyển.
Ông Nguyễn Văn Khoa – Phó Chủ tịch UBND phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm cho biết: Phản ánh trên của người dân là đúng thực tế, các vị trí đất hiện đang được quây tôn là đất do chính quyền địa phương quản lý. Theo quy hoạch của UBND TP. Hà Nội khu vực với diện tích 1,25 ha nằm trong Dự án giải phóng mặt bằng, xây dựng đầu tư công của quận Bắc Từ Liêm và TP. Hà Nội. Theo báo cáo của lực lượng chức năng phường hiện nay Công ty 225 đã tổ chức đổ bê tông lối ra vào, quây tôn các vị trí xung quanh. Tuy vậy, khi Công ty này dựng khung thép, lắp mái che, UBND phường Minh Khai phối hợp với Đội Quản lý trật tự xây đô thị quận Bắc Từ Liêm tiến hành lập Biên bản đình chỉ các hoạt động xây dựng.
Chỉ khi Công ty 225 bắt đầu triển khai việc dựng khung sắt, lợp mái che thời điểm đó UBND phường Minh Khai phối hợp với Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Bắc Từ Liêm mới vào cuộc có Văn bản yêu cầu đơn vị này tạm dừng thi công |
Khi phóng viên đặt câu hỏi Công ty 225 có phải là đơn vị được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, ông Khoa cho hay: Thực hiện Công văn số 475/TNMT về việc rà soát vị trí đất làm nơi tập kết, xử lý phế thải xây dựng của UBND quận Bắc Từ Liêm. Ngày 22/9/2017 UBND phường Minh Khai đã đi kiểm tra, rà soát một số vị trí đất công có thể làm nơi tập kết, xử lý phế thải xây dựng. Qua đó phường Minh Khai đề xuất thửa đất số 29, tờ bản đồ số 50, tổng diện tích của thửa đất là 7.370 m2 trong đó có một phần diện tích đã vào dự án xây dựng trường, diện tích thửa đất còn lại là 5702 m2, loại đất BHK do UBND phường quản lý.
Tuy nhiên, ông Khoa cũng phải thừa nhận dù chưa có văn bản chấp thuận của UBND quận Bắc Từ Liêm và các cơ quan có thẩm quyền, Công ty 225 vẫn ngang nhiên tổ chức lực lượng, nhân công, máy móc trang thiết bị vào hoạt động kinh doanh vận chuyển, tập kết, xử lý phế thải xây dựng. Đối với bãi vật liệu xây dựng nằm sát khu đất quây tôn của Công ty 225, ông Khoa cho hay, không có chủ cơ sở kinh doanh mà do người dân địa phương đến tận gốc các bãi vật liệu đặt mua, vận chuyển và tập kết về đây?!
Dự luận đặt ra câu hỏi, có hay không việc UBND phường Minh Khai bao che cho Công ty 225 và chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường? Đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm vào cuộc xác minh và xử lý dứt điểm vụ việc.