Bài 2: Nhiều dự án khác của TMS Group “có vết”

22/09/2021 14:27

Như chúng tôi đã thông tin, Công ty Cổ phần Tập đoàn TMS, tiền thân là Công ty Cổ phần Quốc tế Thái Minh được thành lập năm 2004. Doanh nghiệp này hoạt động theo mô hình tập đoàn đa ngành, gồm: Du lịch, bán lẻ, giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, hạ tầng cơ bản và bất động sản. TMS hiện có các công ty thành viên: TMS edu, TMS Travel, TMS Homes và TMS Food.

Tiến độ dự án được cập nhật trên website http://tms-wonderworld.com. Ảnh: PV

Năm 2008, Công ty Cổ phần Quốc tế Thái Minh bắt đầu chuyển sang mô hình tập đoàn và lĩnh vực bất động sản, lập ra Công ty Cổ phần TMS Bất động sản (TMS Land).

Trên website chính thức của TMS Group, ngoài TMS Đầm Cói, tập đoàn này còn là chủ đầu tư của TMS Hotel Đà Nẵng, TMS Grand City Phúc Yên, TMS Hotel Qui Nhơn. “Tốc độ” là một trong những giá trị cốt lõi mà lãnh đạo Tập đoàn TMS Group đề cao. Tuy nhiên, trên thực tế thì không phải như vậy.

Tìm hiểu sơ bộ, chúng tôi được biết, không chỉ riêng Dự án TMS Đầm Cói “nằm đợi” 10 năm, nhiều dự án khác của tập đoàn này cũng chậm tiến độ.

Trước hết có thể kể đến Dự án Khu du lịch Cồn Sơn (Resort TMS Cồn Sơn) do TMS Group làm chủ đầu tư. Dự án này được chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 4/2019, với quy mô khoảng 75 ha. Đây là một trong những dự án “khủng” của TMS Group tại Cần Thơ với tổng vốn đầu tư trên 1.571 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm, từ năm 2019 đến năm 2023. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa triển khai theo đúng tiến độ đã cam kết.

Mới đây, UBND TP Cần Thơ đã có văn bản giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát tiến độ thực hiện, tham mưu thu hồi Dự án Khu du lịch Cồn Sơn. Văn bản của UBND TP Cần Thơ nêu rõ, trường hợp doanh nghiệp không tích cực triển khai thực hiện dự án theo tiến độ đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định chủ trương đầu tư số 893 ngày 11/4/2019, tham mưu UBND TP thu hồi chủ trương đầu tư dự án nêu trên theo đúng quy định.

Không chỉ có vậy, Dự án TMS Land Hùng Vương cũng gặp nhiều sai phạm. Dự án TMS Land Hùng Vương có quy mô 18,574 ha thuộc phạm vi quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc, quy hoạch phân khu C2 và đã có điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt tại Quyết định số 1048/QĐ-UBND ngày 27/4/2015. 

Sau quá trình thẩm định thiết kế cơ sở Dự án Đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu nhà ở TMS Land Hùng Vương, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã chỉ ra nhiều sai phạm trong việc thiết kế hồ sơ cơ sở đề xuất kết cấu áo đường loại 1 chưa phù hợp với tiêu chuẩn.

Tiếp đó là Dự án TMS Luxury Hotel Đà Nẵng. Không ít khách hàng đặt biệt danh cho Dự án TMS Luxury Hotel Đà Nẵng là dự án gặp nhiều tai tiếng nhất của TMS Group.

Dự án TMS Luxury Hotel Đà Nẵng có quy mô 228 phòng khách sạn và căn hộ khách sạn tiêu chuẩn 4 sao, khai trương 20/10/2018. Tuy nhiên, Dự án TMS Luxury Hotel Đà Nẵng từ khi thi công xây dựng đến khi hoàn thiện liên tiếp bị cơ quan chức năng xử phạt về hành vi xả thải "bức tử" môi trường.

Cụ thể: Ngày 11/6/2018, UBND quận Ngũ Hành Sơn ban hành Quyết định số 2109/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính số tiền 40 triệu đồng đối với CTCP TMS Hotel Đà Nẵng vì thi công công trình Khách sạn TMS Luxury sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp…

 Giỏ hàng của Dự án TMS Đầm Cói được cập nhật đến ngày 28/8/2021. Theo giải thích của Bình, các ô màu đỏ đã được khách đặt cọc. Ảnh: PV

Ngày 10/8/2018, Công ty TMS Hotel, chủ đầu tư của Khách sạn TMS Luxury Đà Nẵng, thuộc TMS Group tự ý xả thải vào hệ thống thoát nước công cộng khi chưa được cơ quan chức năng cho phép. Hành vi này bị Thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng phạt 6 triệu đồng.

Tuy nhiên, đơn vị này vẫn tiếp tục để xảy ra sai phạm. Từ ngày 5/3 đến 27/3/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Đà Nẵng đã thành lập các đoàn kiểm tra về đấu nối, thoát nước và xử lý nước thải của 61 đơn vị trên lưu vực Mỹ An, Mỹ Khê.

Sau khi kiểm tra, Sở TN&MT Đà Nẵng đã ra quyết định xử phạt 9 khách sạn hạng sang, trong đó xử phạt vi phạm hành chính số tiền 70 triệu đồng đối với Khách sạn TMS Luxury của TMS Group. Theo đó, Khách sạn TMS đã thực hiện không đúng nội dung báo cáo đánh giá và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt tác động môi trường.

Điều đáng nói khác là ở ngay tại dự án đang “làm mưa làm gió” là siêu đô thị TMS Đầm Cói, TMS cũng bị điều chỉnh giảm (mà người dân gọi là thu hồi một phần) không nhỏ.

Cụ thể, tại Quyết định số 1062/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc điều chỉnh qui hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị mới TMS Land Đầm Cói, UBND tỉnh Vĩnh Phúc sau 10 năm giao đất quyết định: Tách phần diện tích đất dân cư hiện hữu dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai (ĐT.305), đất đường gom QL2 - BOT đoạn tránh TP Vĩnh Yên, đất Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm PC45 và đất Trại giam Công an tỉnh ra khỏi phạm vi ranh giới lập quy hoạch dự án.

Cụ thể, điều chỉnh quy mô tổng diện tích đất trong phạm vi thực hiện dự án là hơn 143,3ha, giảm gần 10,4 ha so với quy hoạch trước đó. Quỹ đất này được đưa ra ngoài phạm vi dự án để bố trí làm đất giao thông đối ngoại, đất dân cư hiện hữu dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai, đất Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm PC45 và đất Trại giam Công an tỉnh.

Quy mô dân số giảm 208 người còn khoảng 16.792 người.

Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, diện tích đất ở bên trong dự án được điều chỉnh giảm hơn 2,6 ha xuống còn 42,2 ha. Trong đó, cắt bỏ chức năng đất hỗn hợp (căn hộ, khách sạn, văn phòng, thương mại,...); giảm 8,5 ha đất ở biệt thự xuống còn 2,4 ha; đất nhà liền kề giảm 4,3 ha xuống còn 14,5 ha; đất nhà ở xã hội giảm 1.2 ha xuống còn 8,7 ha; đất nhà ở liền kề kết hợp thương mại tăng 12,7 ha lên thành 16,8 ha.

Dự án còn điều chỉnh giảm diện tích đất công cộng - dịch vụ đô thị; tăng diện tích công trình công cộng, công trình giáo dục và đất cây xanh, công viên, thể dục thể thao.

Về quy hoạch chia lô, dự án có 1.571 ô đất nhà ở liên kế với diện tích 85 - 150 m2; đất nhà liền kề kết hợp thương mại có 1.564 ô với diện tích 102 - 180 m2; đất biệt thự chia thành 139 ô với diện tích 150 - 250 m2; đất nhà ở xã hội được chia thành 24 block với 1.056 căn hộ với diện tích ≤70m2/căn hộ.

Với tốc độ bán hàng “bỏng tay” như những lời quảng cáo của nhân viên tư vấn, bán hàng nói trên của Dự án TMS Đầm Cói, liệu có khách hàng nào đã mua trúng phần diện tích bị điều chỉnh? Những nguy cơ, thiệt hại và rủi ro này của người dân có thể trông cậy vào ai? Người dân có thể “gõ cửa” cơ quan nào để kêu cứu?

Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này để bạn đọc theo dõi./.

Bạn đang đọc bài viết "Bài 2: Nhiều dự án khác của TMS Group “có vết”" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).