Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) nằm trong top những doanh nghiệp sở hữu lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn lớn trên sàn chứng khoán. Lượng tiền nhàn rỗi bắt đầu tăng mạnh từ quý II/2020 và trong năm 2021 có thời điểm cuối quý IV lên tới 18.379 tỷ đồng - mức cao nhất kể từ khi công bố báo cáo tài chính.
Tính tới cuối quý IV/2022, tổng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn của MWG đạt 15.180 tỷ đồng, chiếm 27% tổng tài sản (55.834 tỷ). Năm 2022, khoản tiền gửi ngân hàng đem về cho MWG 854 tỷ, giảm gần 12% so với năm 2021.
Song hành cùng chiến lược mở rộng "thần tốc" các chuỗi hiện hữu và thử nghiệm thêm nhiều chuỗi mới trong vài năm qua thì khoản vay nợ của MWG của cũng liên tục gia tăng từ 2020 nhằm bổ sung vốn lưu động.
Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh, cụ thể là năm 2021, trong thời kỳ tiền rẻ khi lãi suất ở mức thấp, dù gia tăng nợ vay gấp đôi so với 2019 song chi phí lãi vay của MWG chỉ ngang ngửa thời kỳ đó.
Trong bối cảnh lãi suất leo thang nửa cuối năm ngoái, MWG đã mạnh tay cắt giảm nợ vay, chủ yếu là vay ngắn hạn. Cuối năm 2022, MWG vay ngắn hạn 10.688 tỷ đồng, giảm 57% so với đầu năm và giảm gần 37% so với cuối quý III. Toàn bộ khoản vay ngắn hạn này đều là vay tín chấp từ ngân hàng với lãi suất thả nổi để bổ sung vốn lưu động. Ngày đáo hạn từ 6/11/2022 đến ngày 17/3/2023.
Không chỉ MWG, để đối phó với tình trạng lãi suất tăng chóng mặt, thống kê của WiGroup cho thấy tính đến cuối năm 2022, giá trị khoản mục vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của nhóm doanh nghiệp phi tài chính trên sàn đã sụt giảm 7% so với thời điểm tháng 9, tương đương với mức 46.117 tỷ đồng. Song song với đó, hơn 15.000 tỷ giá trị tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn gửi trong ngân hàng đã được sử dụng trong quý IV, tương đương 30% các nghĩa vụ thanh toán nợ trả lãi ngắn hạn.
Bên cạnh việc giảm nợ vay ngắn hạn thì cuối quý III/2022, MWG đã phát sinh khoản vay tín chấp dài hạn từ ngân hàng với lãi suất thả nổi nhằm bổ sung vốn lưu động có giá trị 5.901 tỷ đồng. Khoản vay này sẽ được đáo hạn vào ngày 15/9/2025.
Giai đoạn 2020 - 2021, với nghiệp vụ đem gửi tiền ngân hàng với lãi suất cao và huy động vốn giá rẻ từ các nhà băng nước ngoài đã giúp MWG không những không tốn chi phí trả lãi mà còn có lãi hàng trăm tỷ từ hoạt động này.
Tuy nhiên lãi suất tăng mạnh đã khiến chi phí lãi vay vượt khoản lãi từ tiền gửi của MWG kể từ quý I/2022. Khoảng cách này càng nới rộng trong quý IV năm ngoái khi MWG lỗ 245 tỷ từ nghiệp vụ này.
Tính chung cả năm 2022, tổng chi phí lãi vay của MWG là 1.362 tỷ đồng, gấp đôi năm 2021 trong khi lãi tiền gửi chỉ đem về 854 tỷ trong tổng doanh thu tài chính là 1.313 tỷ. Cả năm ngoái, MWG đã lỗ ròng 69 tỷ từ hoạt động tài chính.
Chi phí lãi vay và chi phí bán hàng leo cao là nguyên nhân chính khiến biên lãi thuần quý IV của công ty sụt mạnh xuống còn 2%, là quý thấp nhất kể từ khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý tới nay (2014).
SSI Research dự báo lãi suất trung bình vẫn có thể tăng vào năm 2023, nhưng với tốc độ chậm hơn (khoảng 50 đến 100 điểm cơ bản vào năm 2023 so với 200 đến 300 điểm cơ bản vào năm 2022).
Tuy nhiên, các nhà bán lẻ như MWG có thể chọn tích trữ ít hàng tồn kho hơn do dự đoán nhu cầu yếu – điều này sẽ giúp giảm áp lực lên chi phí lãi vay. Do đó, tổng chi phí tài chính của MWG có thể sẽ giảm với kế hoạch mở mới thận trọng trong năm 2023.
Các chuyên gia phân tích của SSI cho rằng tăng vốn là một yếu tố hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt trong bối cảnh chi phí vay tăng cao. MWG hoãn thực hiện tăng vốn cho công ty mảng bách hoá từ quý I/2023 sang quý III/2023. Việc phát hành cổ phiếu thành công sẽ giúp công ty giảm bớt áp lực về chi phí tài chính.
Siết hàng tồn kho là ưu tiên hàng đầu kiểm soát chi phí của MWG
Sau ba quý tăng trưởng dương, MWG bắt đầu ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về doanh thu và lợi nhuận trong quý IV/2022 do sức mua các sản phẩm điện máy, điện thoại giảm mạnh hơn dự kiến. Xu hướng thắt chặt chi tiêu cũng diễn ra ngay cả đối với thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu.
Hậu COVID-19, nhu cầu mua sắm bùng nổ nên hàng tồn kho của MWG bắt đầu tăng mạnh từ quý IV/2021. Tuy nhiên, sự suy giảm về nhu cầu mua sắm trong quý cuối năm qua khiến doanh nghiệp phải cắt giảm hàng tồn kho về còn 25.696 tỷ, giảm 21% so với cuối quý I/2022 và giảm 10% sau một quý. Chỉ số vòng quay hàng tồn kho cũng ghi nhận suy giảm trong quý cuối năm ngoái.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra giữa tháng qua, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT của MWG chia sẻ theo nhận định cá nhân ông, không chỉ của MWG mà các đơn vị phân phối trên toàn thị trường không đạt được mức tăng trưởng không như kỳ vọng trong quý IV và tháng Tết vừa qua. Vì vậy tồn kho ngoài thị trường khá lớn.
Với áp lực tồn kho ngoài thị trường lớn như vậy, thị trường cần phải xả hàng mạnh và có thể ảnh hưởng tới MWG buộc MWG phải theo thị trường để giữ doanh thu. Tuy nhiên, ông Hiểu Em nhấn mạnh MWG không vì giảm giá để xả hàng tồn mà MWG muốn giữ doanh thu. Vì vậy, việc này có thể ảnh hưởng tới biên lợi nhuận gộp của công ty song chỉ là tác động ngắn hạn trong quý I hoặc có thể kéo dài sang quý II.
Ông Hiểu Em cũng chia sẻ thêm trong bối cảnh khó khăn, trung kiểm soát hàng tồn kho là ưu tiên hàng đầu của MWG để tối ưu nhất về mặt chi phí. Ông cho hay sức mua sụt giảm ở nửa cuối năm ngoái đã được doanh nghiệp dự báo từ sớm và có biện pháp siết chặt. Số ngày tồn kho sẽ được kiểm soát thông qua hệ thống và tuỳ theo từng nhóm hàng, sản phẩm có những quy định riêng về số ngày tồn kho.