Bản hùng ca Mường La

15/12/2023 11:00

Hàng nghìn năm qua, dòng sông Đà xanh ngăn ngắt chảy qua các tỉnh Tây Bắc. Có lúc bình yên, dịu hiền mang nguồn nước phục vụ đời sống nhân dân. Nhưng cũng có những lúc “đỏng đảnh”, gây lên “tai ương” cho bà con vùng cao rồi nước sông Đà lại cuồn cuộn chảy về xuôi, không giúp gì cho vùng rừng núi Tây Bắc này.

Đã từng có thời điểm, người vùng cao “khát nước”, người dưới xuôi “ngụp lặn” trong những cơn “đại hồng thủy” khi mùa lũ về. Khi những cánh rừng già “đỏ máu” vì bị chặt phá, đất đai dần khô cằn, đá ong hóa giữa trời nắng nóng thiêu đốt, biết bao thế hệ đồng bào thiểu số vì thế mà đói rách, ‘ăn muối dầm sương” vất vả cuốc cày trên những đồi nương của gia đình mình mà vẫn thiếu đói.

 

Thủy điện Sơn La nhìn từ trên cao.

Dù không sinh ra trên mảnh đất này, tôi  may mắn đã từng nhiều năm dong ruổi đi trên những nẻo đường tây bắc vào những ngày hè nắng chang chang hay mùa khô rét buốt, mới thấy hết sự khắc nghiệt của khí hậu nơi này, chủ yếu do không thuần hóa được dòng nước.

Biết là vậy, nhưng nếu không có kỳ tích chế ngự dòng Đà Giang “hung hãn” từ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự quyết tâm của chính quyền các cấp; sự hy sinh lớn lao của đồng bào các dân tộc vùng tây bắc như Mường La, Quỳnh Nhai, Mường Lay... Tây bắc đã không có công trình thế kỷ - Đó chính là Thủy điện Sơn La. 

Kỳ tích đáng nhớ

Còn nhớ, sau rất nhiều năm chuẩn bị sáng 2/12/2005, tại xã Ít Ong (huyện Mường La, tỉnh Sơn La), Thủ tướng Phan Văn Khải đã chính thức phát lệnh khởi công công trình thủy điện Sơn La. Ban đầu dự kiến năm 2012 phát điện tổ máy số 1, năm 2015 hoàn thành toàn bộ công trình. Tuy nhiên, EVN đã mạnh dạn đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ công trình theo kiểu “ vừa khởi công vừa lấp dòng”, sự kiện chưa có tiền lệ ở bất cứ công trình thủy điện nào.

Theo nguyên tắc, sau khi khởi công, các công trình thủy điện thường mất khoảng 2 năm chuẩn bị cơ sở hạ tầng như làm đường, điện, thông tin, giải phóng mặt bằng, làm công trình dẫn dòng… Tuy nhiên, Thủy điện Sơn la đã “đi ngược” trình tự. Nghĩa là chuẩn bị hạ tầng trước khi có quyết định đầu tư và phê duyệt thiết kế.

Xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La, bậc hai trong hệ thống thủy điện trên sông Đà là ước mơ cháy bỏng của cán bộ, công nhân ngành Điện từ mấy chục năm nay đã thành hiện thực. Ai cũng nhớ hình ảnh dòng sông Đà hung dữ chảy giữa hai triền núi đá vôi hiểm trở trong tùy bút Người lái đò sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân. Vậy mà chỉ mấy chục năm sau, con sông Đà đã trở thành bài toán kinh tế lớn, được chế ngự hoàn toàn. Đáng nói, thủy điện ở Sơn La là sự lựa chọn lý tưởng vì có dòng sông Đà trữ năng lượng lớn nhất nước ấy, vừa ít tốn công xây đập, tiết kiệm đất nông nghiệp, tạo được hồ chứa nước chừng 9,5 tỷ m3 nước, rồi giao thông đường thủy, môi trường du lịch...

Trong những lần  làm việc, rồi “trà dư tửu hậu” với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tâm - người ngắn bó với vùng đất này từ khi còn là chuyên viên văn phòng, rồi chánh văn phòng, trưởng phòng nông nghiệp và nay là Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ:

Có thủy điện Sơn La, dòng nước sông Đà bị ngăn lại, hiền hòa hơn. Cảnh mùa mưa phải xả hàng nghìn m3 nước phí hoài, mùa khô đỏ mắt chờ mưa thượng nguồn rất hiếm khi xảy ra. Có thể nói, đây là công trình thủy điện vĩ đại nhất Đông Nam á, một công trình trọng điểm quốc gia, có tác dụng không chỉ đối với ngành Điện mà còn với nhiều lĩnh vực khác của miền Tây Bắc.

 

Ông Nguyễn Văn Tâm trong buổi làm việc với phóng viên.

Nhưng xây dựng thủy điện Sơn La cũng có những khó khăn rất lớn. Trước hết là vốn. Riêng công trình chính, để có được hồ chứa nước rộng 224 km2, sản xuất hằng năm hơn 10 tỷ KWh điện với công suất lắp máy 2.400 MW, đến nay Nhà nước đã phải chi tới hơn 60 ngàn tỷ đồng. Không chỉ vậy, thủy điện Sơn La còn xây dựng 4 đường dây 500KV để chuyển tải điện lên lưới quốc gia; còn phải làm mới hàng trăm km đường giao thông tránh lòng hồ; còn làm ngập 23.300 héc ta đất; còn phải di chuyển hơn 20 ngàn hộ bà con các dân tộc thuộc 3 tỉnh đến nơi tái định cư mới…

Có được số tiền lớn như vậy trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo quả không hề đơn giản. Thứ hai, nhà máy được xây dựng trên một nền địa chất thường xảy ra động đất của Việt Nam. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn cho Thủ đô và cả vùng đồng bằng phía hạ lưu là vô cùng quan trọng. Từ chiều cao đập, chiều rộng hồ đến việc có nên xây nhà máy hay không trên vùng đất ấy đều được đặt lên bàn Chính phủ, Quốc hội cân nhắc nhiều lần. Thứ 3, đây là công trình lớn đầu do chúng ta tự làm từ khâu đầu đến khâu cuối. Biết bao bỡ ngỡ, bao ngần ngại, rồi có cả ý kiến ngăn trở…

Nhưng nhà máy đã hoàn thành về đích trước thời hạn 3 năm so với lời hứa trước Quốc hội, một kỳ tích ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Có được kỳ tích ấy là thành quả của ý chí Việt Nam, ý chí người thợ xây dựng điện, sự hy sinh của đồng bào Tây bắc, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, không tiếc mồ hội công sức vì dòng điện của tổ quốc.

Cuộc di dân có “một không hai” và những người xây cuộc đời mới.

Để có công trình thế kỷ, di dân tái định cư là một trong những công việc quan trọng và gian nan nhất của dự án Thủy điện Sơn La. Theo Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng số dân di chuyển thuộc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La là 20.340 hộ, 92.301 nhân khẩu. Trong đó, tỉnh Sơn La 12.584 hộ, 58.337 khẩu; tỉnh Điện Biên 4.459 hộ, 17.010 khẩu; tỉnh Lai Châu 3.297 hộ, 16.954 khẩu.

Tổng số khu, điểm tái định cư tập trung của Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La 78 khu, 285 điểm, tái định cư xen ghép vào 38 bản thuộc 17 xã và tái định cư tự nguyện; bố trí tái định cư cho 20.477 hộ (gồm số dân di chuyển thuộc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La và Dự án đường tránh ngập đường Mường Lay-Nậm Nhùn, giai đoạn 1).

Đến tháng 9/2015, các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã hoàn thành việc lập và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết toàn bộ 78 khu, 285 điểm tái định cư xen ghép vào 37 bản thuộc 16 xã và khu tái định cư tự nguyện 19.990 hộ dân với 96.000 nhân khẩu của 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã phải rời bỏ quê hương bản quán để nhường lại diện tích hơn 225 km2 cho lòng hồ.

Với hàng trăm điểm tái định cư, không phải nơi nào cũng thật sự mỹ mãn nhưng cũng phải khẳng định Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và EVN đã rất cố gắng trong việc bố trí “nơi ăn chốn ở” cho hàng vạn con người.

Có lẽ tốn kém và phức tạp nhất trong Dự án Thủy điện Sơn La là vấn đề tái định cư. Tính đến nay, số tiền đầu tư vào chương trình này đã vượt lên hàng chục ngàn tỷ đồng. Để ổn định đời sống, phát triển sản xuất cho các hộ tái định cư, các ngành và chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn lập phương án sản xuất, triển khai một số mô hình canh tác trên đất dốc, mô hình trồng tre lấy măng, trồng cây ăn quả, mô hình chăn nuôi lợn, mô hình trồng rau an toàn, trồng khoai tây, hỗ trợ trồng cây cao su và một số cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao... Bình quân mỗi hộ tái định cư được bố trí từ 1,3ha đến 1,5ha đất. Trong đó, phần lớn quỹ đất tái định cư do người dân sở tại (nơi đến) nhường lại để phục vụ dự án di dân.

 

Người dân làm du lịch từ nguồn suối nóng thiên nhiên ưu đãi tại Ngọc Chiến.

Ông Đinh Đại Thanh, Giám đốc Ban quản lý dự án Mường La (Ban gộp cả Ban di dân vào là một) cho chúng tôi biết, sau nhiều năm về nơi tái định cư ở, hầu hết bà con đã thích nghi với cuộc sống mới. Trước đây, bà con đều quen canh tác theo kiểu quảng canh, du canh, nay phải học cách quay vòng đồng vốn liên tục bằng cách trồng ngô để chăn nuôi lợn gà hoặc chế biến thành hàng hóa.

Những năm qua, bằng các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Sơn La, lãnh đạo huyện Mường La qua các thời kỳ đã sâu sát, chỉ đạo người dân ổn định đời sống, phát triển kinh tế xã hội. Nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả hình thành như Táo, Xoài tại xã Tạ Bú, Mường Bú. Người dân Ngọc Chiến đã biết làm du lịch. Khai thác thế mạnh của địa phương gắn với thực hiện “mỗi xã một sản phẩm”. Đến nay Mường La đã có nhiều sản phẩm OCOP, gồm: Tinh dầu sả java, thịt bò hun khói, gạo nếp tan Ngọc Chiến, gạo tẻ nương xã Chiềng Ân, cá sấy sông Đà xã Chiềng Hoa…Các sản phẩm có chất lượng tốt được thị trường ưa chuộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.

 

Nuôi cá lồng bè trên hồ sông Đà.

Còn theo ông Nguyễn Minh Tiến, nguyên Trưởng ban QLDA di dân tái định cư Thủy điện Sơn La (nay là giám đốc sở Kế hoạch Đầu tư) nhớ như in những ảnh hưởng và  hy sinh nhiều nhất chính là người dân 2 huyện Quỳnh Nhai và Mường La. Họ phải dời nhà cửa, quê hương bản quán đến nơi ở mới. Nhường đất để làm thủy điện. Chúng tôi đã nhiều dịp được tiếp xúc và làm việc với các cán bộ của Ban QLDA di dân tái định cư tỉnh Sơn La, của huyện Mường La. Họ đều là lớp người trẻ, đam mê và trách nhiệm. Với khối lượng công việc đồ sộ như vậy, nhiều dự án thành phần được triển khai cùng một thời điểm, không ít bỡ ngỡ vì công việc khá mới mẻ, lại diễn ra trong quãng thời gian ngắn. Tuy nhiên, tất cả đã kịp tiến độ, kế hoạch, hiệu quả để đón nhân dân đến nơi ở mới giúp cho công trình thế kỷ được hoàn thành sớm nhất.

Khó khăn đã dần qua, vất vả và cả những mất mát, thiếu xót trong quá trình thực hiện dự án là không tránh khỏi. Nhưng ký ức của một thời di dân “đỏ lửa trong đêm” như bản anh hùng ca người Tây bắc. Vượt lên tất cả, niềm tin của người dân Mường La nói riêng và nhân dân Sơn La, Lai Châu và Điện Biên đã góp công sức mình vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội cả nước.

Văn Minh

Bạn đang đọc bài viết "Bản hùng ca Mường La" tại chuyên mục Nhân vật - sự kiện. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).