Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm chóng mặt trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (26/11), khi một biến chủng mới của Covid-19 được phát hiện ở Nam Phi khiến giới đầu tư toàn cầu tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro. Giá dầu thô lao dốc mạnh nhất trong hơn 1 năm rưỡi, Bitcoin cũng không nằm ngoài sự tháo chạy của dòng tiền.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones sụt 905,04 điểm, tương đương giảm 2,53%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu năm, còn 34.899,34 điểm. Có thời điểm trong phiên giao dịch, Dow Jones giảm hơn 1.000 điểm.
Chỉ số S&P 500 mất 2,27%, còn 4.594,62 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 2,23% là 15.491,66 điểm.
Phiên bán tháo diễn ra sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về một biến chủng Covid-19 mới được phát hiện ở Nam Phi. Biến chủng này chứa nhiều đột biến về gai protein – thành phần giúp virus tấn công vào tế bào – hơn so với biến chủng Delta. Do những đột biến này, giới khoa học lo ngại rằng biến chủng mới sẽ có khả năng kháng vaccine cao hơn, cho dù WHO nói cần phải nghiên cứu thêm mới có thể xác định. Ngày 26/11, WHO đã phân loại biến chủng mới là “biến chủng đáng lo ngại” và đặt tên là Omicron.
Anh đã đình chỉ các chuyến bay từ 6 nước châu Phi do biến chủng Covid nói trên. Israel cấm đi lại với 6 quốc gia sau khi phát hiện một ca nhiễm biến chủng này. Hai ca đã được phát hiện ở Hồng Kông. Bỉ cũng phát hiện một ca.
“Tôi đã đọc tin có một ca ở Bỉ và một ca ở Botswana, và rồi tuần tới, chúng ta có thể phát hiện một ca ở Mỹ. Tôi sẽ không khuyến nghị ai mua bất kỳ thứ gì trong phiên ngày hôm nay cho tới khi chắc chắn rằng điều đó không xảy ra. Tôi không dám chắc là điều đó không xảy ra”, chuyên gia Jim Cramer của CNBC nói.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sụt mạnh vì giới đầu tư đổ xô mua trái phiếu để tìm kiếm sự an toàn. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 15 điểm cơ bản, còn 1,49%. Đây là một sự đảo chiều mạnh bởi trong phiên, có lúc lợi suất tăng lên mức 1,68%, duy trì xu hướng tăng của thời gian gần đây.
Trước phiên Mỹ, các nhà đầu tư đã bán tháo trong phiên ngày thứ Sáu ở châu Á và châu ÂU, khiến chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và Hang Seng của Hồng Kông cùng giảm hơn 2% mỗi chỉ số. Chỉ số DAX của Đức lao dốc hơn 4%.
Bán tháo cũng diễn ra trên thị trường tiền ảo, với giá Bitcoin giảm 8%. Lúc gần 9h sáng 27/11 theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com sụt 7,7% so với thời điểm cách đó 24 tiếng, còn 54.167 USD. Cách đây vài tuần, giá Bitcoin lập kỷ lục mọi thời đại ở ngưỡng 69.000 USD.
Chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi của Phố Wall tăng lên mức 28 điểm, cao nhất trong 2 tháng.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London sụt 11,55%, chốt ở 72,72 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York lao dốc 10,24 USD/thùng, tương đương giảm 13,06%, còn 68,15 USD/thùng.
Đây là phiên giảm mạnh nhất của giá dầu kể từ tháng 4/2020 và cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020 giá dầu WTI đóng cửa dưới mức trung bình 200 ngày – một chỉ số kỹ thuật then chốt.
Mức giảm mạnh nhất trên thị trường chứng khoán thuộc về các cổ phiếu liên quan đến đi lại. Carnival Corpl và Royal Caribbean đồng loạt giảm 11% và 13,2%. United Airlines giảm hơn 9% và American Airlines sụt 8,8%. Boeing trượt hơn 5%, trong khi Marriott International bay 6,5% giá trị.
Cổ phiếu ngân hàng cũng đi xuống do giới đầu tư lo ngại sự suy giảm của các hoạt động kinh tế và lãi suất. Cổ phiếu Bank of America và Citigroup giảm tương ứng 3,9% và 2,7%.
5 phiên giảm mạnh nhất của Dow Jones từ đầu năm.
Các cổ phiếu công nghiệp với sự ràng buộc lớn đến sức khỏe kinh tế toàn cầu không nằm ngoài xu hướng giảm, dẫn đầu là Caterpillar với mức giảm 4%. Cổ phiếu hãng dầu khí Chevron sụt 2,3%.
Trái lại, nhà đầu tư mua mạnh cổ phiếu các hãng sản xuất vaccine, khiến cổ phiếu Moderna tăng hơn 20% và cổ phiếu Pfizer tăng 6,1%.
Cổ phiếu các công ty cung cấp sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ làm việc từ xa cũng tăng mạnh, như Zoom Video tăng hơn 5%. Cổ phiếu công ty thiết bị tập luyện Poleton tăng trên 5%.
Phiên giao dịch ngày thứ Sáu được rút ngắn do kỳ nghỉ lễ Tạ ơn. Khối lượng giao dịch giảm xuống mức thấp có thể là một nguyên nhân làm gia tăng mức biến động của các chỉ số.
“Cần phải nhấn mạnh rằng mọi thứ vào lúc này còn chưa rõ ràng. Không rõ biến chủng mới có khiến vaccine giảm hiệu quả hay không. Bởi thế, rất khó để đưa ra được một quyết định đầu tư khôn ngoan nào vào thời điểm này”, chuyên gia Paul Hickey của Bespoke Investment viết trong một báo cáo.
Một số chuyên gia cho rằng phiên bán tháo này có thể là một cơ hội để mua.
“Nhiều nhà giao dịch có lẽ vẫn còn đang nghỉ lễ Tạ ơn. Mức thanh khoản thấp có thể là một lý do khiến thị trường giảm sâu”, chuyên gia Ajene Oden của BNY Mellon Investor Solutions phát biểu. “Nhưng phản ứng mà chúng ta đang chứng kiến chính là một cơ hội mua cho các nhà đầu tư. Chúng ta nên nghĩ đến dài hạn”.
Tính cả tuần này, Nasdaq giảm 3,5%, trong khi S&P 500 và Dow Jones giảm tương ứng 2,2% và 2%.