Bất thường tài chính tại Tập đoàn Bảo Việt

12/08/2021 11:56

Tập đoàn Bảo Việt (BVH) đầu tư đa ngành trong khi hoạt động kinh doanh kém sáng, các khoản nợ khá lạ, cổ phiếu BVH kén người mua?

Tính đến 30/6/2021, tổng tài sản của BVH đạt hơn 149.047 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm
Tính đến 30/6/2021, tổng tài sản của BVH đạt hơn 149.047 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm

Kinh doanh giảm sút, cổ phiếu BVH thông báo không bán được

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 tại BVH, trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, riêng quý II ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt gần 10.177 tỷ đồng, tăng nhẹ 10% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khí đó, phí nhượng tái bảo hiểm giảm còn 878 tỷ đồng, giảm 71%. Doanh thu bảo hiểm thuần đạt hơn 9.299 tỷ đồng, tương ứng chỉ tăng 16,5% so với cùng kỳ. Trong kỳ, chi phí bảo hiểm tăng lên mức hơn 9.331 tỷ đồng, tăng 7,5%. Lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 182 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chi phí hoạt động khác tăng đột biến lên gần 178 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ năm 2020. Lãi từ hoạt động tài chính tại BVH giảm 18% vể mức 2.101 tỷ đồng. Theo đó, Tập đoàn Bảo Việt báo lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 443 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính đến 30/6/2021, tổng tài sản của BVH đạt hơn 149.047 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, giảm mạnh nhất là tiền và các khoản tương đương tiền giảm 58% chỉ còn 2.860 tỷ đồng.

Nợ phải trả tại BVH tính tới cuối quý II/2021 ghi nhận hơn 127.385 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Như vậy, tỷ số nợ phải trả trên tổng tài sản của BVH là 85%, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp gần 6 lần. Về nguyên tắc, hệ số này càng nhỏ, có nghĩa là nợ phải trả chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn thì doanh nghiệp ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. Hệ số này càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.

Tại bảng cân đối kế toán, nợ dài hạn tại BVH lại tiếp tục vượt qua tài sản dài hạn. Cụ thể, tại ngày 30/6/2021, nợ dài hạn ghi nhận hơn 115.272 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong khi đó, chủ yếu là dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm (114.681 tỷ đồng) và phải trả dài hạn khác (gần 281 tỷ đồng). Tài sản dài hạn tại thời điểm này chỉ có 59.564 tỷ đồng. Như vậy, nợ dài hạn cao gấp 2 lần tài sản dài hạn tại BVH.

Bảo Việt vì sao nợ người lao động hàng nghìn tỷ đồng?
Bảo Việt vì sao nợ người lao động hàng nghìn tỷ đồng?

Mới đây, Công đoàn BVH đã đăng ký bán ra 127.000 cổ phiếu đang sở hữu. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 18/6 đến 15/7, theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Nếu hoàn tất giao dịch, số cổ phần BVH của Công đoàn BVH nắm giữ sẽ giảm xuống còn 178.761 đơn vị, tương đương 0,024% vốn điều lệ của tập đoàn.

Việc bán cổ phiếu diễn ra ngay trước thềm đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của Bảo Việt hơn 1 tuần. Như kế hoạch, BVH tổ chức Đại hội cổ đông vào ngày 29/6.

Mục đích việc bán 127.000 cổ phiếu nhằm cân đối tài chính. Động thái bán ra 127.000 cổ phiếu BVH diễn ra trong lúc cổ phiếu BVH đã giảm mạnh so với thời điểm đầu năm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/6, giá cổ phiếu BVH dừng ở mức 60.300 đồng/cp, giảm 14% so với thời điểm đầu năm. Tạm tính với mức giá 60.300 đồng/cổ phiếu. Công đoàn Tập đoàn Bảo Việt ước thu về gần 7,7 tỷ đồng sau giao dịch.

Thế nhưng, ngày 16/7/2021 Tập đoàn Bảo Việt đã thông báo chưa bán được số 127.000 cổ phiếu này với lý do diễn biến thị trường không thuận lợi. Từ vùng giá 70.000 đồng hồi giữa tháng 1/2021. Hiện, cổ phiếu BVH đã giảm 24% trong vòng hơn 7 tháng qua lùi về ngưỡng 53.400 đồng (phiên ngày 10/8/2021) cùng thanh khoản suy yếu.

Từ đầu năm 2021 đến nay, trong khi chỉ số VN-Index liên tục chinh phục mức đỉnh lịch sử. Nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ và vừa liên tục nổi sóng. Nhiều cổ phiếu trụ thăng hoa như HPG, VPB, TCB, MSN, NVL thì cổ phiếu BVH đang khiến rất nhiều nhà đầu tư cảm thấy thất vọng sau chuỗi những tháng giảm giá.

Theo chứng khoán SSI Research, trong số 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu, chỉ có BVH và PVI có thị phần giảm trong 9 tháng năm 2020.

Kỳ vọng của nhà đầu tư vào BVH giảm còn do sự bất lợi của doanh nghiệp trong môi trường lãi suất thấp. Môi trường lãi suất thấp sẽ làm cho lợi nhuận đầu tư gặp khó khăn và làm giảm lợi nhuận của các công ty bảo hiểm vì phần lớn danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ.

“Chúng tôi duy trì đánh giá Trung lập đối với lĩnh vực này vì động lực tăng trưởng quan trọng là lãi suất dự kiến vẫn tiếp tục ở mức thấp trong năm 2021”, SSI Research đánh giá về BVH.

Hoạt động ngân hàng kém sáng… nhiều dự án đất vàng biến thành bãi đất hoang

Được biết, ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank) được thành lập đầu năm 2009, với vốn điều lệ ban đầu là 1.500 tỷ đồng và hiện vốn điều lệ ở mức 3.150 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối tháng 6/2021, Tập đoàn Bảo Việt nắm giữ 49,52% vốn điều lệ tại BaoViet Bank.

Theo báo cáo tài chính, mảng hoạt động chính khác của tập đoàn bảo Việt cũng ghi nhận kết quả rất khiêm tốn. Tính đến 31/3/2020, tổng tài sản còn 47.690 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu năm. Lợi nhuận sau thuế của BaoVietBank chỉ đạt 2,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2019 đạt hơn 6.886 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cũng đang âm hơn 5.149 tỷ đồng, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm gần 24 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2019 chỉ âm gần 16 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tính đến 31/3/2020, tổng nợ xấu tại BaoVietBank ở mức 1.158 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 5,1% đã vượt quá chỉ tiêu đề ra (3%) và còn rất lớn so với tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng.

Ngoài hoạt động ngân hàng không mấy khả quan, Tập đoàn Bảo Việt còn được biết đến với những dự án đất vàng bỏ hoang nhiều năm nay.

Trong đó, dự án Tháp tài chính quốc tế IFT trên lô đất 13.000m2 số 220 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Được biết, dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính quý III/2018 của Tập đoàn Bảo Việt, tập đoàn đã góp gần 119 tỷ đồng vào dự án nhưng cho đến nay dự án vẫn trong tình trạng đắp chiếu.

Lô đất vàng hơn 13.000m2 số 220 Trần Duy Hưng bị bỏ hoang nhiều năm qua. Ảnh: nhadautu.vn
Lô đất vàng hơn 13.000m2 số 220 Trần Duy Hưng bị bỏ hoang nhiều năm qua. Ảnh: nhadautu.vn

Ngoài ra, còn có dự án xây văn phòng cho các hiệp hội Hà Nội (tên thương mại Seven Star) tại lô đất D27 2,2ha quận Cầu Giấy. Dự án này được chỉ định cho liên danh Công ty CP Đầu tư Bảo Việt (Công ty con của Tập đoàn Bảo Việt), Công ty CP Sông Đà - Thăng Long và Công ty CP Đầu tư C.E.O thực hiện theo hình thức BT từ năm 2011. Tổng mức đầu tư dự án là 4.436,790 tỷ đồng. Trong đó, tổng mức đầu tư dự án BT là 1.090,527 tỷ đồng, tổng mức đầu tư các dự án đối ứng là: 3.346,262 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chưa có dấu hiệu triển khai.

Một dự án khác từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm đó là dự án khu chung cư, biệt thự, nhà vườn, du lịch Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội (trước đây thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Đơn vị thực hiện dự án là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Long Việt được thành lập từ tháng 7/2008, Bảo Việt sở hữu 45% vốn.

Còn nhớ 2 năm trước, Cục Thuế thành phố Hà Nội từng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tập đoàn Bảo Việt. Tập đoàn này đã khai sai thuế thu nhập doanh nghiệp làm phát sinh số thuế phải nộp. Theo đó, Bảo Việt bị xử phạt 40,5 triệu đồng và phải nộp đủ số tiền thuế thu nhập thiếu là hơn 202 triệu đồng.

Khi nhắc đến Tập đoàn Bảo Việt, người ta nghĩ ngay đến một tập đoàn bảo hiểm hàng đầu Việt Nam. Thực tế, việc đầu tư đa ngành có thực sự mang đến kết quả kinh doanh khả quan cho BVH trong những năm gần đây? Với những hoạt động không mấy sáng sủa, dư luận và giới chuyên môn không thôi đặt câu hỏi về việc sử dụng nguồn vốn nhà nước, an toàn tài chính, cũng như quan ngại về việc có thể xảy ra sự thất thoát lớn tại tập đoàn này.

Bạn đang đọc bài viết "Bất thường tài chính tại Tập đoàn Bảo Việt" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).