Từ việc cổ phiếu rơi vào kiểm soát…
Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện là thương hiệu đình đám một thời, tiền thân là Công ty Xây dựng nhà Bưu điện, được thành lập ngày 30/10/1976 theo Quyết định số 1348/TCCBLĐ của Tổng cục Bưu điện. Ngày 15/12/2004, Công ty chính thức chuyển thành công ty cổ phần và đổi tên thành Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện, năm 2008 chính thức lên sàn và tháng 10/2015 đã tăng vốn điều lệ từ 100.000.000.000 đồng lên 179.999.900.000 đồng.
Tại thời điểm tháng 12/2019, cổ đông lớn của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện gồm có bà Phạm Thị Thu Hà (sở hữu 8.711.138 cổ phiếu, chiếm tỉ lệ 53,82%), ông Võ Anh Linh (chồng bà Hà, người đang là thành viên HĐQT Tổng Công ty CP Thiết bị điện Việt Nam, nắm giữ 4.380.000 cổ phiếu, chiếm tỉ lệ 27,06%) và bà Nguyễn Thị An Ly (nắm giữ 250.268 cổ phiếu, chiếm 1,55%).
Từ vai trò lãnh đạo, tỷ lệ vốn của cặp vợ chồng bà Phạm Thị Thu Hà – Võ Anh Linh, nhìn lại chặng đường qua có thể thấy: Ngày 28/09/2018, Sở GDCK TP.HCM đã ban hành Quyết định số 382/QĐ-SGDHCM về việc chuyển cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 05/10/2018 do “Lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2018 là -7,32 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 30/06/2018 là -21,24 tỷ đồng và kiểm toán từ chối đưa ra kết luận trên Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2018 có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư”...
Tiếp đến, ngày 26/08/2020, Sở GDCK TP.HCM đã nhận được Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2020 của PTC. Theo đó, Lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2020 là 10,78 tỷ đồng và Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/06/2020 là 12,42 tỷ đồng, tuy nhiên Báo cáo tài chính vẫn có ý kiến kiểm toán ngoại trừ và nhấn mạnh.
Do đó, dù Công ty đã có lãi trong 6 tháng đầu năm 2020 và không còn lỗ lũy kế nhưng những vấn đề ngoại trừ trên Báo cáo tài chính kiểm toán tồn tại đã lâu, Công ty vẫn chưa khắc phục và có khả năng ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của Công ty. Vì vậy, Sở GDCK TP.HCM tiếp tục giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu PTC.
Cái lý mà Sở GDCK TP.HCM đưa ra là căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 23 Quy chế niêm yết chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 85/QĐ-SGDHCM, thì “trong những trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, Sở GDCK có thể xem xét duy trì diện kiểm soát đối với chứng khoán của tổ chức niêm yết”. Tất nhiên, việc xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu PTC căn cứ vào Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện.
… nhìn lại các khoản cho vay không có tài sản đảm bảo
Dù ngành nghề chủ yếu là thực hiện các dự án xây lắp trong ngành bưu chính viễn thông, sản xuất ống nhựa bảo vệ cáp, sản xuất cáp thông tin kim loại, sản xuất cửa nhựa có lõi thép và tấm nhựa theo tiêu chuẩn châu Âu, các sản phẩm công nghiệp,… song doanh thu của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện lại chủ yếu từ hoạt động tài chính, còn doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ có con số không đáng kể. Vậy, doanh thu từ hoạt động tài chính như thế nào?
Được biết, ngoài việc cho Công ty CP Xi măng Sông Đà Yaly vay hơn 21 tỷ đồng, đến tháng 6/2020 Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện còn cho các cá nhân gồm ông/bà Tạ Anh Tú, Trần Hạnh Nguyên, Trần Quang Ninh, Trần Anh Minh, Nguyễn Thị An Ly vay với khoản tiền lớn, cụ thể:
Cho ông Tạ Anh Tú vay theo Hợp đồng số 3012/HĐVV-PTIC ngày 30/12/2016, thời hạn vay là 06 tháng, phục lục hợp đồng ngày 29/12/2017 gia hạn thời gian vay thành 36 tháng tính từ ngày giải ngân, lãi suất 13,5%/năm;
Cho ông Trần Hạnh Nguyên vay theo Hợp đồng số 1908/HĐVVCN-PTIC-THN ngày 19/8/2019 với thời hạn 12 tháng, lãi suất 9%/năm;
Cho ông Trần Quang Ninh vay theo các hợp đồng với lãi suất ban đầu từ 9%/năm đến 11%/năm, phụ lục hợp đồng ngày 22/2/2020 gia hạn khoản vay thành 24 tháng tính từ ngày giải ngân (cụ thể: Hợp đồng vay vốn số 270319/HĐVV-PTIC ngày 27/3/2019 thời hạn cho vay ban đầu 06 tháng tính từ ngày giải ngân, lãi suất cho vay ban đầu là 11%/năm, phụ lục hợp đồng ngày 22/8/2019 điều chỉnh lãi suất xuống còn 9%/năm áp dụng kể từ ngày ký phụ lục hợp đồng; Hợp đồng vay vốn số 010419/HĐVV-PTIC ngày 01/4/2019 thời hạn cho vay ban đầu là 06 tháng tính từ ngày giải ngân, lãi suất cho vay là 11%/năm, phụ lục hợp đồng ngày 22/8/2019 điều chỉnh lãi suất xuống còn 9%/năm áp dụng kể từ ngày ký phụ lục hợp đồng; Hợp đồng vay vốn số 140519/HĐVV-PTIC ngày 14/05/2019 thời hạn cho vay ban đầu 06 tháng tính từ ngày giải ngân, lãi suất cho vay ban đầu là 11%/năm, phụ lục hợp đồng ngày 22/8/2019 điều chỉnh lãi suất xuống còn 9%/năm áp dụng từ ngày ký phụ lục hợp đồng; Hợp đồng vay vốn số 190220/HĐVV-PTIC ngày 19/02/2020 thời hạn cho vay ban đầu 12 tháng tính từ ngày giải ngân, lãi suất cho vay là 10,5%/năm);
Cho ông Trần Anh Minh vay theo các Hợp đồng vay vốn số 120320 ký ngày 12/3/2020, Hợp đồng số 160320 ký ngày 16/3/2020, Hợp đồng số 080420 ký ngày 08/4/2020, Hợp đồng số 210420 ký ngày 21/4/2020, Hợp đồng số 230420 ký ngày 23/04/2020, Hợp đồng số 050520 ký ngày 08/5/2020, Hợp đồng số 120520 ký ngày 12/05/2020 và Hợp đồng số 290620 ký ngày 29/6/2020 với thời hạn 01 năm kể từ ngày nhận tiền, lãi suất từ 11%/năm.
Cho bà Nguyễn Thị An Ly vay theo Hợp đồng vay vốn số 210520/HĐVVCN-PTIC ngày 21/5/2020 và Hợp đồng số 260520/HĐVVCN-PTIC ngày 26/5/2020 với thời hạn 01 năm, lãi suất từ 11%/năm.
Như vậy, tính đến giữa năm 2020, tổng giá trị các hợp đồng này lên tới 137.760.102.083 đồng (số đầu năm là 72.753.102.083 đồng). Các khoản cho vay cá nhân có giá trị lớn nhưng không có tài sản đảm bảo hoặc cam kết bảo lãnh của bên thứ ba, không rõ mục đích sản xuất kinh doanh của cá nhân. Và, cơ quan kiểm toán đã đưa ra ý kiến: “không thể đưa ra kết luận về khả năng thu hồi các khoản nợ gốc và nợ lãi nêu trên”.
Dù Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện có lý giải rằng: “Ông Tạ Anh Tú là Giám đốc Xí nghiệp 7 (vay tiền phục vụ công trình của Xí nghiệp 7), ông Trần Quang Ninh đều là cá nhân từng vay của Công ty thời gian ngắn, trả nợ nhanh và đúng hạn, những năm trước Công ty cũng đã từng được các cá nhân này cho vay khi thiếu hụt vốn đầu tư do PTIC không vay được ngân hàng (PTIC vay không có tài sản đảm bảo)” song thực chất những khoản vay đều là dạng tín chấp, ẩn chứa nhiều rủi ro khi không có tài sản đảm bảo. Và có lẽ, không mấy khó hiểu về mối quan hệ giữ người đứng đầu PTC với các cá nhân này. Bởi ông Trần Quang Ninh, bà Phạm Thị Thu Hà (cùng chồng là ông Võ Anh Linh) đều có tên trong danh sách thành viên HĐQT Công ty CP Xi măng Sông Đà Yaly – SDY hoặc bà Nguyễn Thị An Ly có tên trong danh sách thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện cũng đang vay theo diện cá nhân của Công ty với số tiền lên đến 45 tỷ đồng!
Như đã nêu, số liệu thể hiện trên báo cáo tài chính các năm qua của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện thể hiện rất rõ doanh thu từ hoạt động tài chính chiếm tỷ lệ lớn, còn doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ lại là con số không đáng kể. Chính điều này đã đặt ra một vấn đề là, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện không phải doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực tài chính, hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng nhưng lại đang thực hiện việc cho vay lấy lãi làm nguồn thu chủ yếu. Minh chứng như việc cho Công ty CP Xi măng Sông Đà Yaly - SDY vay với số tiền lên đến 21 tỷ đồng và các cá nhân vay lên đến hơn 137 tỷ đồng?!
Dù có tiền mặt cho vay, song tháng 6/2020, bà Phạm Thị Thu Hà đã ký Nghị quyết số 34/NQ-HĐQT thông qua việc phát hành trái phiếu riêng lẻ và phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2020 có tổng mệnh giá dự kiến là 200.000.000.000 đồng.