Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Kinh tế trung ương (CIEM), cho thấy khoảng một nửa DN ngành đồ uống giảm doanh thu, lợi nhuận trong năm 2020 và 2021vì dịch. Hơn 79% DN đã phải áp dụng các biện pháp để giảm chi phí, trên 58% dừng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và giảm lao động. Tác động từ dịch bệnh cũng khiến các DN ngành này cắt giảm từ 4-7% lao động. Thu nhập trung bình của lao động giảm 7-10% so với trước dịch.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, hai năm đại dịch khiến các DN trong ngành đồ uống sụt giảm tới 20% -30% sản lượng, doanh thu toàn ngành đồ uống giảm tới 16% so với năm 2019. Riêng bia sản lượng giảm khoảng 1 tỷ lít trong 2 năm qua. Năm nay tình hình khởi sắc hơn khi các biện pháp phòng, chống dịch được nới bỏ, du lịch, dịch vụ ăn uống được mở trở lại, nhưng lợi nhuận của DN ngành này được dự báo vẫn chưa cải thiện, do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mức cao.
Chẳng hạn nguyên liệu dùng cho sản xuất bia như malt đã tăng 50%, hoa Hublon và đường tăng 15 -20%, nguyên phụ liệu khác tăng khoảng10%, vỏ lon tăng 15%-30%, nắp chai tăng 30-35%, ngoài ra còn chi phí xăng dầu và cước vận chuyển tăng 20%... Các DN cho rằng, xăng dầu tăng, cước vận chuyển tăng, nguyên liệu tăng, lương nhân viên tăng… nhưng đầu ra sản phẩm không tăng tương ứng được vì sức mua yếu. Điều này khiến cho sản xuất khó chồng khó.
Trong khi đó, theo “Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030” vừa được Chính phủ phê duyệt ngày 23/4, cơ quan quản lý sẽ xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, bia, rượu.
Sản lượng bia đã giảm khoảng 1 tỷ lít trong 2 năm qua.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu đã qua 4 lần điều chỉnh. Hiện mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu từ 35-65% tùy độ cồn. Cách tính thuế là áp theo giá trị, tức là tăng phần trăm thuế suất dựa trên giá bán. Trong khi đó, trên thị trường hiện có khoảng 70% rượu do dân tự nấu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước. Một thực tế là nhiều năm nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn chỉ thu được ở khu vực chính thức, thất thu ở khu vực phi chính thức. Việc này đã tạo ra sự bất bình đẳng với những DN kinh doanh hợp pháp.
Khi tăng thuế, những DN làm ăn chân chính sẽ tuân thủ theo quy định của pháp luật, như vậy sản phẩm sẽ phải tăng giá bán. Trong khi đó, Nhà nước lại không kiểm soát được đồ uống có cồn từ khu vực phi chính thức, nên thuế tăng càng làm gia tăng sự bất bình đẳng. Không những thế, thuế tăng cao lại khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm phi chính thức, có giá rẻ nhưng không được kiểm soát về chất lượng. Như vậy, việc tăng thuế đối với đồ uống có cồn chính thức vô hình chung khuyến khích sản xuất những sản phẩm phi chính thức và buôn lậu gia tăng.
Tại Sri Lanka, khi Chính phủ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia lên 70%, trong khi rượu chỉ có 25%, đã khiến bia trở nên đắt đỏ, đẩy người tiêu dùng sang sử dụng đồ uống có độ cồn cao hơn hoặc có nguồn gốc bất hợp pháp, với giá rẻ hơn.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, nên thay đổi đánh thuế bia, rượu từ giá trị hiện nay, sang dựa trên nồng độ cồn. Tức là bia, rượu càng có nồng độ cồn cao, sẽ càng chịu thuế cao. Trên thế giới nhiều quốc gia đã thực hiện và cho thấy đây là cơ chế khá công bằng, minh bạch vừa tăng khả năng cạnh tranh lại vừa giúp điều chỉnh hành vi lạm dụng bia, rượu, ông Long nói.
Cũng tại Sri Lanka, từ năm 2017 khi chuyển đổi cách tính thuế theo giá trị sang nồng độ cồn, đã giúp cải thiện môi trường kinh doanh ngành bia, thu ngân sách tăng, đồng thời giảm đáng kể tình trạng tiêu dùng rượu, bia bất hợp pháp.