Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong hai ngày tới (14 và 15/12), áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão. Cơn bão này có cường độ mạnh có khả năng di chuyển vào vùng biển phía Nam biển Đông ngày 16-17/12. Đây có thể là cơn bão số 9 của năm nay.
Nhận định ban đầu, bão có thể ảnh hưởng đến khu vực giữa và Nam Biển Đông, bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa. Khoảng ngày 19-20/12, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, trong hai ngày 14 và 15/12, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão. Ảnh minh họa.
Cơ quan khí tượng cho biết, không khí lạnh đã tiến sát đến biên giới nước ta và ảnh hưởng đến một số nơi ở khu vực Đông Bắc Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên ở Bắc Bộ có mưa, mưa nhỏ rải rác. Khu vực từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa kết hợp với hoạt động của trường gió Đông trên cao nên từ nay đến hết ngày 14/12, có mưa, mưa rào và có nơi có dông.
Ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời trở rét với nền nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến 14 - 17 độ C, vùng núi cao dưới 12 độ C; khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế 16 - 19 độ C.
Tại Hà Nội, thời tiết mưa rét, nhiệt độ thấp nhất có thể xuống ngưỡng 13 độ C. Ngày 23-24/12, nhiệt độ ban ngày tăng nhanh lên mức 24-25 độ C, nhiều khả năng có sương mù. Đợt không khí lạnh lần này có thể suy yếu trong 2-3 ngày tới.
Để chủ động ứng phó với bão, Văn phòng Thường trực BCĐ quốc gia về phòng chống thiên tai đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương chủ động phương án ứng phó bão có khả năng đi vào biển Đông. Theo đó, Văn phòng thường trực BCĐ quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Cà Mau thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của bão; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Thứ hai, các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, nhất là các tỉnh vừa chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, khẩn trương tổ chức khắc phục hậu quả; đồng thời rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho các hoạt động khai thác trên biển, ven biển để đảm bảo an toàn.
Thứ ba, trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực BCĐ quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.