Biến thể Delta và rối loạn chuỗi cung ứng kéo giảm lợi nhuận các doanh nghiệp

20/09/2021 15:31

Tại thị trường chứng khoán Mỹ, rất nhiều công ty niêm yết cho biết, lợi nhuận quý III sẽ không đáp ứng được kỳ vọng.

 

PP Industries và Sherwin-Williams Co., các nhà sản xuất vật liệu cho biết, đã gặp khó khăn trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Mặc dù chỉ là một phần nhỏ của S&P 500, nhưng nghiên cứu của Bank of America cho thấy, lợi nhuận của các công ty này trong lịch sử có tương quan nhất với các chỉ số chứng khoán.

Các cảnh báo về lợi nhuận được đưa ra khi tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, trong khi giá cả hàng hóa và dịch vụ, cũng như áp lực tiền lương đang gia tăng. BofA đã kết hợp những yếu tố đó và gọi là “chỉ số khốn khó của doanh nghiệp”. Đây là một tín hiệu khác cho thấy, kết quả kinh doanh tồi tệ hơn có thể lan rộng ra nhiều doanh nghiệp khác.

Jeffrey Kleintop, Giám đốc chiến lược đầu tư toàn cầu của Charles Schwab & Co. cho biết: “Chính những yếu tố về lợi nhuận tăng mạnh trong thời gian vừa qua đã hỗ trợ giá cổ phiếu và dẫn tới định giá khá cao. Nếu chúng tôi bắt đầu nhận được một số thất vọng như với dữ liệu kinh tế trong thời gian gần đây, điều đó có thể làm suy yếu sự hỗ trợ chính cho thị trường”.

Giả sử P/E của S&P 500 giảm trở lại mức trung bình trong 5 năm là 19,6, thì EPS chỉ là 228 USD/cổ phiếu. Theo đó, dữ liệu do Bloomberg Intelligence tổng hợp cho thấy, các nhà phân tích đã cắt giảm ước tính EPS lần đầu tiên kể từ tháng 3 và dự kiến EPS năm 2021 sẽ dừng ở mức gần 200 USD/cổ phiếu.

Tuy nhiên, theo Jim Paulsen, Trưởng chiến lược gia đầu tư tại Leuthold, các nhà phân tích có khả năng sẽ tiếp tục bắt kịp khi mùa báo cáo bắt đầu. Ông hy vọng, các công ty thuộc S&P 500 sẽ có EPS 220 USD/cổ phiếu trong năm nay.

“Tăng trưởng đang chậm lại vì biến thể Delta và các yếu tố khác, nhưng các doanh nghiệp vẫn đang tăng trưởng với tốc độ rất tốt, hiện tại có thể là 5 - 6% và 4 - 4,5% trong năm tới. Đây vẫn là mức cao hơn nhiều so với những gì chúng tôi đã thấy trong vài thập kỷ qua”, Jim Paulsen cho biết.

Các công ty Mỹ thường gắn lạm phát với lợi nhuận, nên việc “chỉ số khốn khó của doanh nghiệp” của BofA đang chỉ ra “một môi trường lạm phát tồi tệ”, có thể làm tổn hại đến tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp. Chỉ số so sánh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thực và giá tiêu dùng so với tăng trưởng tiền lương đã chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ với chu kỳ lợi nhuận.

Gina Martin Adams, Giám đốc chiến lược vốn cổ phần tại Bloomberg Intelligence cũng lặp lại mối quan ngại này và lưu ý rằng, ước tính tỷ suất lợi nhuận đã giảm đối với 140 công ty trong S&P 500 trong 3 tháng qua. Trong khoảng thời gian này, các công ty có ước tính tỷ suất lợi nhuận giảm đã chứng kiến cổ phiếu giảm trung bình khoảng 1%. Con số này so với mức tăng 5% đối với những công ty có dự báo tỷ suất lợi nhuận tăng.

“Các dự báo dài hạn liên tục cao hơn khi các nhà phân tích xem áp lực chi phí chủ yếu là tạm thời, nhưng lạm phát kéo dài sẽ ăn mòn lợi nhuận của công ty. Nếu kỳ vọng đình trệ trong tháng 8 biến thành một sự sụt giảm hoàn toàn, điều đó có khả năng dẫn đến sự sụt giảm trên thị trường nói chung”, chiến lược gia Martin Adams cho biết.

Bạn đang đọc bài viết "Biến thể Delta và rối loạn chuỗi cung ứng kéo giảm lợi nhuận các doanh nghiệp" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).