Tiền “đặt chỗ tư vấn” là loại tiền gì ?
Trong những năm gần đây, giá đất ở TP. HCM tăng gấp nhiều lần so với các khu vực lân cận. Vì vậy, Bình Dương trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư. Chỉ trong năm 2020, Bình Dương có 114 dự án nằm trong danh sách đạt chuẩn và được phê duyệt 1/500, trong đó thành phố Thủ Dầu Một có 15 dự án, thành phố Thuận An có 36 dự án, thành phố Dĩ An có 23 dự án, TX. Tân Uyên có 23 án, TX. Bến Cát có 11 dự án, huyện Bàu Bàng có 6 dự án.
Điển hình như TP. Thuận An nơi có vị trí giáp ranh với TP. HCM nên được giới đầu tư ưu tiên lựa chọn bởi sở hữu lợi thế có đại lộ Bình Dương đi qua, kết nối dễ dàng vào trung tâm TP. HCM.
Theo thông tin từ các ngành chức năng Bình Dương, tỉnh này dự tính chi gần 10.000 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2020-2021. Trong đó, thành phố Thuận An là địa bàn được đầu tư trọng điểm với nguồn vốn 6.000 tỷ đồng. Vì vậy, cũng dễ hiểu vì sao mà giá đất tại Thuận An được thổi lên khá nhanh và là miếng mồi hấp dẫn cho các chủ đầu tư.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là việc phát triển hàng loạt các dự án BĐS cũng kéo theo tình trạng thổi giá đất, tình trạng huy động vốn trái phép diễn ra tràn lan. Đặc biệt, do dịch Covid khiến kinh tế thêm khó khăn, tình trạng này xuất hiện nhiều hơn với nhiều hình thức lách luật như rao bán, các hình thức đặt cọc giữ chỗ tại các dự án chưa đủ điều kiện mở bán nhưng bằng nhiều chiêu trò.
Điển hình như dự án khu chung cư Thuận Giao (tên thương mại Legacy Central), phường Thuận An do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi (Công ty con thuộc Kim Oanh Group). Chỉ cần gõ cụm từ “Legacy Central” sẽ ra hàng trăm kết quả các sàn rao bán với giá từ 700 – 900.000.000./ căn tùy theo diện tích và 23-25 triệu/m2.
Chưa dừng lại ở đó, dù chỉ mới tổ chức san lấp mặt bằng, bên trong chỉ là bãi đất trống, nhưng đơn vị phân phối đã tiến hành đưa khách vào tham quan nhà mẫu, “mở bán” và huy động vốn. Được hỏi về tình trạng mở bán khi chưa đủ điều kiện, thì đại diện đơn vị phân phối cho biết hiện tại dự án vẫn chưa được mở bán nhưng vẫn nhận booking (đặt chổ). Tuy nhiên, khi PV trao đổi với một nhân viên tư vấn thuộc đơn vị sàn phân phối dự án Legacy Central thì được biết hiện số lượng đặt chỗ đã lên đến 60% trong dự án.
Thậm chí, để tránh gặp rủi ro, các sàn phân phối rất “kỵ” dùng từ “mở bán” thay vào đó là hình thức booking (đặt chổ) sau đó cho khách hàng đặt cọc, hợp đồng góp vốn. Dù chưa mở bán, nhưng các đơn vị phân phối vẫn ngang nhiên ghi nhận đặt chỗ thiện chí với khách hàng. Có thể thấy chủ đầu tư đang lợi dụng hình thức này để “lách luật”. Số tiền đặt giữ chỗ của khách hàng cho Kim Oanh Group là 50.000.000 đồng/suất. Dự án có 1802 sản phẩm, giả sử nếu có 1802 người đặt chỗ với mỗi người là 50.000.000 đồng thì tổng số tiền mà chủ đầu tư đã huy động được là hơn 90.000.000.000 đồng. Số tiền này là rất lớn, nếu chủ đầu tư không sử dụng số tiền này vào việc xây dựng dự án mà dùng để trả nợ hoặc cho vay hoặc đầu tư vào lĩnh vực khác dẫn đến không còn tiền để xây dựng dự án hoặc không thể hoàn lại cho khách hàng thì đẩy rủi ro cho khách là mất toàn bộ tiền đặt giữ chỗ.
Có một điều rất đáng chú ý ở đây là khoản tiền 50.000.000 đồng được định danh là tiền đặt chỗ tư vấn abc…. Vậy phải hiểu đây là tiền đặt chỗ & tư vấn, hay là tiền đặt chỗ để được tư vấn. Khi tư vấn xong thì nghiễm nhiên quý khách hàng có quyền mua hay không mua, nhưng để được hoàn lại số tiền 50 triệu e là hơi khó vì cái tên nó đã được quy định như ở trên.
Đặt trường hợp, khi xảy ra tranh chấp, chủ đầu tư không làm đúng cam kết thì số tiền 50.000.000 đồng sẽ có những phiên tòa kéo dài dai dẳng và khách hàng luôn là người chịu thiệt.
Căn cứ khoản 1 và khoản 5 Điều 8 Luật Kinh doanh bất động sản đã cấm việc kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện theo quy định của luật và huy động, chiếm dụng vốn trái phép.
Điều 69 Luật nhà ở; Khoản 1 Điều 55 Luật kinh doanh bất động sản; Điều 19 của Nghị Định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ; và Điều 9 của Thông tư số 19/2016/TT-BXD của Bộ xây dựng đã quy định: Nếu chủ đầu tư ký hợp đồng huy động vốn để phát triển nhà ở thì phải có biên bản nghiệm thu hoàn thành xong phần móng (đối với nhà chung cư/nhà hỗn hợp) hoặc phải có biên bản nghiệm thu về việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng tương ứng theo tiến độ dự án (đối với nhà ở liền kề/thấp tầng) và chủ đầu tư phải nộp hồ sơ hợp lệ đề nghị Sở Xây dựng chấp thuận được phép bán và phải có thông báo đủ điều kiện bán của Sở Xây dựng hoặc hết thời hạn mà Sở Xây dựng không trả lời thì mới được phép bán. Như vậy, việc ký hợp đồng huy động vốn mà chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục nộp hồ sơ lên Sở Xây dựng xin chấp thuận cho phép huy động vốn theo quy định này là trái pháp luật. |
Doanh nghiêp nợ như chúa chổm vẫn được phê duyệt dự án
Theo tìm hiểu của TTV, chủ đầu tư của Legacy Central là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi, thuộc Kim Oanh Group.
Legacy Central có tên pháp lý là dự án Chung cư Thuận Giao với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Dự án được UBND tỉnh Bình Dương nhanh chóng ra Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tại Quyết định số 1739/QĐ-UBND vào ngày 06/05/2020. Ngoài ra còn có giấy phép xây dựng số 2886/GPXD do Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cấp cho chủ đầu tư dự án vào ngày 04/08/2020. Chúng ta có thể hiểu nôm na Legacy Central cũng là của Kim Oanh Group.
Sẽ chẳng có gì để nói khi địa phương phê duyệt dự án cho nhà đầu tư, vừa góp phần thu ngân sách về cho địa phương, đồng thời tạo đòn bẩy phát triển kinh tế cho cả một khu vực. Tuy nhiên muốn làm được điều đó thì cần phải tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực tài chính và uy tín. Với Kim Oanh Group có lẽ ở Bình Dương không ai là không biết về các tai tiếng liên quan đến các dự án mà đơn vị này triển khai, không chỉ thế Kim Oanh còn có lịch sử nợ thuế dai dẳng.
Theo tìm hiểu của TTV tìm hiểu từ nhiều nguồn, từ năm 2012 đến nay, Kim Oanh Group liên tục nợ thuế. Cụ thể, năm 2012, Kim Oanh không nộp bất cứ đồng thuế nào cho Cục thuế tỉnh Bình Dương và nợ hơn 720 triệu đồng. Năm 2013, nộp gần 5,5 tỷ đồng tiền thuế và còn nợ gần 630.000 đồng.
Đến năm 2014, nộp thuế hơn 6,1 tỷ đồng và còn nợ lại gần 630.000 đồng; Năm 2015, Kim Oanh nộp thuế gần 9 tỷ đồng và còn nợ Cục thuế tỉnh Bình Dương hơn 603 triệu đồng; năm 2016, Kim Oanh nộp thuế gần 8 tỷ đồng và nợ hơn 7 tỷ đồng.
Năm 2017, Kim Oanh nộp thuế hơn 40 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2017, Kim Oanh nợ Cục thuế tỉnh Bình Dương gần 1 tỷ đồng. Năm 2018, Kim Oanh nộp thuế gần 30 tỷ đồng. Đến 31/12/2018, Kim Oanh Group nợ Cục thuế tỉnh Bình Dương 14.679.705.310 đồng.
Năm 2019, tại ngày 1/7, Kim Oanh Group nợ 103.138.026.093 đồng. Từ tháng 7-12/2019, Kim Oanh phát sinh phải nộp tiền thuế và tiền chậm nộp là hơn 11 tỷ đồng. Cũng từ tháng 7-12/2019, công ty này nộp hơn 67 tỷ đồng tiền thuế cho Cục thuế tỉnh Bình Dương. Tại 31/12/2019, Kim Oanh Group còn nợ 47.144.547.615 đồng tiền thuế.
Bước qua năm 2020, từ tháng 1 đến ngày 11/2, Kim Oanh phát sinh phải nộp tiền thuế và tiền chậm nộp là 7.239.718.521 đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến ngày 11/2, Kim Oanh Group không nộp bất cứ đồng thuế nào cho Cục thuế tỉnh Bình Dương. Tại ngày 11/2/2020, Kim Oanh Group đang nợ tiền thuế 54.384.266.136 đồng.
Trước đó vào ngày 8/04, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố bắt tạm giam 3 lãnh đạo Tổng Công ty Bình Dương liên quan đến những sai phạm tại dự án 43h Khu đô thị Tân Phú. Vụ việc này khiến quyền lợi của hàng trăm khách hàng mà Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.Hồ Chí Minh (thuộc Kim Oanh Group) đã vay tiền, huy động vốn để được quyền chọn mua đất ở dự án rơi vào cảnh mất cả chì lẫn chài. Mới đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có công văn gửi đến UBND tỉnh Bình Dương đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra về vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng công ty sản xuất – xuất nhập khẩu Bình Dương (gọi tắt là TCT Bình Dương).
Thiết nghĩ với một DN có “bề dày lịch sử” về nợ thuế, đáng lý ra thì UBND tỉnh Bình Dương phải lựa chọn chủ đầu tư có năng lực, có tâm có tầm để phát triển dự án, nhất là tại thời điểm chúng ta vừa trải qua một thời gian dài chống dịch Covid, nền kinh tế bị ảnh hưởng. Vì vậy một doanh nghiệp có năng lực tài chính, uy tín sẽ là chất xúc tác tạo đòn bẩy phát triển kinh tế địa phương.