Bộ TN&MT sẽ thanh tra, xử phạt các doanh nghiệp chưa nộp tiền xử lý chất thải

23/05/2022 15:13

Bộ TN&MT sẽ tiến hành thanh-kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt đối với các doanh nghiệp chưa kê khai, nộp tiền “hỗ trợ xử lý chất thải” vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam theo quy định.

Mạnh tay xử phạt đối với các doanh nghiệp vi phạm

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu gồm trách nhiệm tái chế chất thải được quy định tại Điều 54 và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải tại Điều 55.

Riêng trách nhiệm thu gom, tái chế chất thải, tại Luật Bảo vệ môi trường 2022 và Nghị định hướng dẫn thi hành quy định rõ, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các loại sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó tái chế như: thuốc bảo vệ thực vật; kẹo cao su; pin dùng một lần; tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt; thuốc lá; đồ nhựa dùng một lần, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, quần áo, đồ da, giày dép, đồ chơi và túi nilon khó phân hủy kích thước nhỏ... đều phải nộp bản kê khai trước ngày 31/3 và nộp tiền hỗ trợ xử lý chất thải vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam trước ngày 20/4/2022.

Bộ TN&MT sẽ thanh tra, xử phạt các doanh nghiệp chưa nộp tiền xử lý chất thải - Ảnh 1
Sau ngày 20/4, tất cả các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải đóng Quỹ Bảo vệ môi trường mà chưa kê khai, chưa đóng sẽ bị xử phạt. (Ảnh minh họa)

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tại đợt đóng quỹ đầu tiên vừa qua, Bộ này ghi nhận hầu hết các nhà sản xuất, nhập khẩu đã thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trên. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp chưa kê khai và nộp tiền vào quỹ theo quy định. Bộ TN&MT đã có danh sách của các doanh nghiệp này và sẽ tiến hành thanh, kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt.

Bộ TN&MT đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Trong đó, đưa ra các mức xử phạt nặng đối với doanh nghiệp vi phạm các quy định về trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải nói riêng và trách nhiệm bảo vệ môi trường nói chung.

Cụ thể, các doanh nghiệp có một trong các hành vi như: Không nộp tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải; nộp tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải quá thời hạn 91 ngày trở lên sẽ bị phạt đến 2 tỷ đồng.

Ông Phan Tuấn Hùng nhấn mạnh dù Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường chưa ban hành và chưa có hiệu lực nhưng các doanh nghiệp vẫn phải đóng Quỹ Bảo vệ môi trường để thu gom, xử lý chất thải theo đúng thời hạn quy định.

Sau ngày 20/4, tất cả các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải đóng Quỹ mà chưa kê khai, chưa đóng Quỹ sẽ bị xử phạt ngay sau khi Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực.

Ngoài các mức phạt nặng, các doanh nghiệp có các hành vi vi phạm như trên còn bị công khai danh tính trên Cổng Thông tin điện tử EPR quốc gia.

Vẫn còn nhiều khó khăn trong xử lý rác thải sinh hoạt

Ước tính mỗi ngày cả nước phát sinh hơn 61 nghìn tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó tại khu vực đô thị là hơn 37 nghìn tấn và khu vực nông thôn là hơn 24 nghìn tấn. Các địa phương có khối lượng phát sinh lớn như TP Hồ Chí Minh (9.100 tấn), Hà Nội (6.500 tấn), Thanh Hóa (2.246 tấn), Bình Dương (1.764 tấn), Ðồng Nai (1.838 tấn)...

Trong khi đó, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị mới đạt khoảng 85%; tại khu vực nông thôn còn thấp (trung bình từ 40 đến 55%)... Ðáng chú ý, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 40/2019/NÐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rất rõ trách nhiệm của chủ phát thải nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Nhưng thực tế cho thấy, phần lớn chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn; việc phân loại mới chỉ được thực hiện tại một số địa phương.

Mặt khác, việc thu gom vận chuyển được thực hiện khác nhau giữa đô thị và nông thôn, giữa các địa phương và thậm chí giữa các vùng trong cùng một địa phương.

Quyết định 491/QÐ-TTg, ngày 7/5/2018, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu đến năm 2025, có tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường…

Ðể thực hiện được mục tiêu nêu trên, các địa phương cần đẩy nhanh việc xây dựng kế hoạch và từng bước triển khai có hiệu quả chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và năng lực quản lý chất thải rắn của địa phương; huy động mọi nguồn lực đầu tư, tăng cường xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Xây dựng lộ trình giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương bảo đảm chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển tiến tới bù đắp chi phí xử lý, giảm dần hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tổ chức thí điểm thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng chất thải…

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan, chính quyền các địa phương rà soát, đánh giá việc xây dựng và thực hiện các quy hoạch về quản lý chất thải rắn sinh hoạt (quy hoạch cấp vùng, liên tỉnh, liên đô thị, vùng kinh tế trọng điểm và quy hoạch cấp địa phương); xây dựng, hoàn thiện và lồng ghép các quy hoạch quản lý chất thải rắn sinh hoạt cấp vùng và cấp địa phương vào quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng ở các trường học, cộng đồng dân cư, cơ quan nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ về giảm thiểu, phân loại tại nguồn, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, thải bỏ chất thải rắn đúng nơi quy định.

Ðồng thời, đưa nội dung quản lý chất thải rắn bao gồm ngăn ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải rắn, sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn theo đúng quy định vào chương trình tập huấn, bồi dưỡng đào tạo cán bộ tại các cơ quan, đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các cấp học phổ thông...

Bạn đang đọc bài viết "Bộ TN&MT sẽ thanh tra, xử phạt các doanh nghiệp chưa nộp tiền xử lý chất thải" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).