Bộ trưởng Bộ Tài chính: Thanh tra, chấn chỉnh việc thao túng thị trường chứng khoán

08/06/2022 18:14

Trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đang tích cực theo dõi, giám sát và tăng cường thanh tra hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán; sẽ xử lý nghiêm việc thao túng và đưa ra những thông tin sai lệch trên thị trường chứng khoán…

Sáng 8/6, Quốc hội tiếp tục phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính.

Tham gia chất vấn, các đại biểu Đào Hồng Vận (Đoàn tỉnh Hưng Yên), Trần Văn Tiến (Đoàn tỉnh Vĩnh Phúc), Nguyễn Hữu Thông (Đoàn tỉnh Bình Thuận), Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) đã hỏi Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc các nhóm vấn đề về bảo hiểm nông nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trái phiếu doanh nghiệp, thu thuế kinh doanh thương mại điện tử, giải pháp làm lành mạch thị trường chứng khoán…

Vướng mắc xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phẩn hóa

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đào Hồng Vận (Đoàn tỉnh Hưng Yên) về vấn đề bảo hiểm nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 58 để thực hiện thí điểm giai đoạn 2011-2013, tuy nhiên kết quả đạt thấp. Số hộ tham gia ít, phần lớn là hộ nghèo chủ yếu ở các tỉnh Hà Giang, Nghệ An, Bình Đình, Thái Bình. Với lợi nhuận không cao nên các doanh nghiệp bảo hiểm cũng chưa hăng hái tham gia.

Trước thực trạng này, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Cục Bảo hiểm khuyến khích doanh nghiệp thực hiện và kỳ vọng, sau khi Quốc hội ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm thì loại hình bảo hiểm này được thúc đẩy hơn.

bo-truong-1654676382.jpgBộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đang tích cực theo dõi, giám sát và tăng cường thanh tra hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán

Về chậm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết từ năm 2016 đến 2021 thu được 204.000 tỷ đồng, trong đó thu từ 2018 đến nay đạt thấp. Thực trạng cổ phẩn hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước rất chậm, Bộ trưởng cho biết, vướng mắc nhất là xác định giá trị doanh nghiệp và phương án sử dụng đất. Bên cạnh đó, rủi ro pháp lý cao nên các cơ quan chủ quản ngại phê duyệt phương án, các doanh nghiệp quyết tâm không cao nên tình hình “dậm chân tại chỗ”.

Về trách nhiệm của các cơ quan trong vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ, Chính phủ giao cho Bộ KH&ĐT tổng hợp, theo dõi. Bộ Tài chính được giao theo dõi cổ phần hóa và phối hợp các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp; còn trực tiếp thực hiện là doanh nghiệp và cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu.

Trước các nút thắt về mặt pháp lý cần được hoàn thiện đảm bảo cho vấn đề cổ phần hóa, Bộ trưởng cho rằng phải có 1 mục tiêu hay nguyên tắc để thực hiện vấn đề cổ phần hóa theo hướng: Đối với những những doanh nghiệp dưới 5% vốn của Nhà nước nên cổ phần hóa hết, để các doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện sản xuất, kinh doanh chủ động; nếu nhà nước là tham gia vốn thì nhà nước phải điều hành được. Đối với những doanh nghiệp quản trị tốt, làm ăn tốt, giải quyết được việc làm, giữ được vai trò điều tiết cho các nền kinh tế thì nên giữ và nên tăng cường năng lực hoạt động. Đồng thời, trong quá trình cổ phần hóa, cần quản lý chặt chẽ đất đai...

Về thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trong chính sách tài khóa liên quan đến phần thu ngân sách có thực hiện giãn, hoãn, miễn và giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% và một số loại chính sách khác. Ngoài ra ban hành các nghị định để hướng dẫn thực hiện sử dụng các kinh phí, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước lãi suất  cho các doanh nghiệp thông qua việc vay vốn tại các ngân hàng thương mại.

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, việc hiện thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 đã được Bộ thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả. Đến nay Bộ cũng đang làm với Bộ KH&CN để sớm hoàn thiện hướng dẫn sử dụng tiền trong Quỹ Viễn thông công ích để thực hiện các vấn đề về ứng dụng khoa học công nghệ.

Thu thuế kinh doanh thương mại điện tử là vấn đề rất khó

Trả lời câu hỏi của đại biểu về trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, hiện nay không có chủ trương siết chặt hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp. Bởi trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn rất hiệu quả cùng với các ngân hàng thương mại để huy động vốn cho các doanh nghiệp, đóng góp vào sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc huy động này phải đúng pháp luật, phải minh bạch và không được lợi dụng việc huy động này để sử dụng tiền sai mục đích, đưa tiền này vào bất động sản hay các mục đích khác mà không đóng góp cho nền kinh tế. Hiện nay quy mô trái phiếu doanh nghiệp khoảng 15% GDP, tức là đang ở trong khoảng cho phép.

ht111-1654676412.jpgQuang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng cho biết, so với các nước xung quanh, trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam huy động đang ở mức thấp nhất và đang có dư địa để thực hiện.

Về thu thuế kinh doanh thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đây là vấn đề rất khó và Bộ Tài chính đã chủ động đấu tranh trong lĩnh vực này. Những tháng đầu năm 2022, Bộ đã thu được gần 500 tỷ đối với sàn thương mại điện tử. Hiện nay có khoảng trên 100 sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn thương mại điện tử, trong đó có 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn cung cấp dịch vụ và 3 công ty đối tác.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, hiện đã đã thiết lập Cổng đăng ký và thanh toán xuyên biên giới, từ đó, các doanh nghiệp xuyên biên giới có thể đăng ký để nộp thuế. Thời gian vừa qua, Facebook, Google, Microsoft cũng đã nộp thuế. Mặc dù thu thuế trong lĩnh vực này gian nan nhưng Bộ Tài chính sẽ cố gắng, tiếp tục thực hiện kê khai; xây dựng cổng quy định mức thu và thông báo, vận động, giải thích để cho các sàn thương mại điện tử và các ông chủ công nghệ phải đăng ký nộp thuế. Thời gian tới, Bộ cũng đang nghiên cứu và tìm phương án tối ưu để thực hiện được vấn đề thu thuế trên sàn thương mại điện tử.

Xử lý nghiêm việc thao túng thị trường chứng khoán

Về chuyển giá FDI, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện nay Bộ đang tích cực để thực hiện; phải đấu tranh để giải quyết chuyển giá đối với FDI. Trong thời gian vừa qua, đã thực hiện việc truy thu thuế, thanh tra thuế đối với các công ty FDI của nước ngoài và một số doanh nghiệp lớn thì cũng chấp hành một cách rất đầy đủ. Bộ trưởng cho biết thêm, tới đây khi mà áp dụng thuế thu nhập tối thiểu, thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu tăng lên 15% thì những sắc thuế ưu đãi cho FDI phải nâng lên cho nên số thuế sẽ nâng lên trong tương lai.

Về chấn chỉnh hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, Bộ đang tích cực theo dõi, giám sát và tăng cường thanh tra. Đối với những dấu hiệu bất thường, những vi phạm sẽ xử lý nghiêm như việc thao túng và đưa ra những thông tin sai lệch trên thị trường chứng khoán, nghiêm cấm những thông tin giả mạo ảnh hưởng đến nhà đầu tư.

“Đây là những nội dung được đưa vào điều cấm của Luật Chứng khoán. Bộ sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý những trường hợp tung tin đồn nhảm hoặc đưa những thông tin sai lệch để ảnh hưởng đến các lợi ích của các nhà đầu tư khác và làm đảo lộn trật tự kinh tế trên lĩnh vực chứng khoán” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin.

Bạn đang đọc bài viết "Bộ trưởng Bộ Tài chính: Thanh tra, chấn chỉnh việc thao túng thị trường chứng khoán" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).