Hình ảnh hòn đảo bị "quây" thành hòn non bộ nằm giữa lòng dự án đã trở thành một trong những chủ đề gây tranh cãi dữ dội trong dư luận những ngày qua. Trên thực tế, đây là hình ảnh của dự án Ao Tiên tại Vân Đồn (Quảng Ninh) và do Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền làm chủ đầu tư.
Theo đó, năm 2004, UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận cho công ty Mai Quyền đầu tư khu đô thị du lịch và bến cảng cao cấp Ao Tiên, tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Dự án có chức năng hỗn hợp đô thị du lịch biển và cảng biển với số vốn đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng.
Đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một số lô đất đã được cấp phép xây dựng công trình nhà ở phù hợp với quy hoạch khu đô thị.
Doanh nhân Tạ Đức Quyết và loạt dự án bất động sản tại Vân Đồn
Theo tìm hiểu, công ty Mai Quyền được thành lập vào tháng 8/2000 với trụ sở chính tại thôn 1, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Chủ sở hữu kiêm tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này là ông Tạ Đức Quyết (sinh năm 1958).
Doanh nhân sinh năm 1958 này cũng là phó chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh và là người đại diện theo pháp luật các công ty như Everland Vân Đồn và Vân Đồn Heritage Road.
Sau khi hoàn thành hạ tầng dự án Ao Tiên, công ty Mai Quyền tiếp tục phối hợp cùng các nhà đầu tư thứ cấp thực hiện một số dự án thành phần tại khu đô thị này. Đó là 2 dự án tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn và tổ hợp khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên - Cát Linh Vân Đồn đã được UBND tỉnh Quảng Ninh trao quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 4/2022.
Dự án tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn có diện tích 2,6ha, tổng vốn đầu tư 3.612 tỷ đồng. Doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần EverLand Vân Đồn - công ty liên doanh giữa Công ty Cổ phần Đầu tư EverLand (HoSE: EVG) và Mai Quyền.
Ban đầu, cơ cấu cổ đông EverLand Vân Đồn gồm có công ty Mai Quyền (35%), EVG (60%) và ông Tạ Đức Quyền (5%). Hơn 1 năm sau, EVG đã giảm tỷ lệ sở hữu tại EverLand Vân Đồn xuống 5,692% và công ty Mai Quyền chính thức trở thành công ty mẹ EverLand Vân Đồn khi nắm 82,519%; cá nhân ông Quyền cũng tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp này lên 11,788%.
Với tổ hợp khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên - Cát Linh Vân Đồn, dự án có diện tích 2,3ha, tổng vốn đầu tư 3.910 tỷ đồng, được thực hiện bởi công ty Mai Quyền và Công ty Cổ phần Cát Linh Vân Đồn.
Ngoài ra, Mai Quyền còn là chủ bến cảng cao cấp Ao Tiên – Vân Đồn, dự án khác nằm tại Ao Tiên. Theo tìm hiểu, bến cảng này được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2020 với quy mô diện tích 29,21ha, tổng vốn đầu tư 613,3 tỷ đồng; công suất khi vận hành tối đa đạt khoảng 4,2 triệu lượt khách/năm; mục tiêu đón tàu chở khách du lịch lên tới 300 ghế.
Hiện bến cảng này đang triển khai thi công cơ bản hoàn thành, dự kiến khánh thành trong quý III và hoàn thành đồng bộ hệ thống giao thông. Mục đích để đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách du lịch, thay thế Cảng Cái Rồng hiện đã xuống cấp.
Những điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của Công ty Mai Quyền
Theo dữ liệu của VietnamFinance, tài sản của Mai Quyền liên tục thăng giáng trong 3 năm gần đây. Từ mức gần 1.280 tỷ năm 2019, tài sản của doanh nghiệp giảm xuống còn 700 tỷ vào năm 2020, rồi lại vọt tăng lên 1.190 tỷ vào năm 2021.
Nhìn vào bảng cân đối kế toán có thể thấy các sản phẩm của Mai Quyền khá ế ẩm trong 3 năm qua. Điều này phản ánh qua giá trị hàng tồn kho khi tăng gần gấp đôi, từ 279 tỷ đồng (2019) lên 395,5 tỷ đồng (2020) và gần 540 tỷ đồng (2021).
Trong giai đoạn 2019 – 2021, Mai Quyền cũng tăng cường đầu tư tài chính vào công ty con và công ty liên doanh, liên kết. Các khoản đầu tư này có giá trị 33 tỷ vào năm 2019, rồi tăng lên 122,5 tỷ vào 2020. Tính đến tháng 12 năm ngoái, khoản đầu tư này là 262,5 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của Mai Quyền trong 3 năm qua cũng thăng giáng liên tục, từ mức gần 1.100 tỷ đồng vào năm 2019, vốn chủ của doanh nghiệp giảm xuống còn 650 tỷ vào năm 2020, rồi lại tăng lên gần 1.050 tỷ vào năm 2021. Nợ phải trả của Mai Quyền trong giai đoạn 2019 – 2021 lần lượt ở mức: 186,4 tỷ; 50,1 tỷ và 141,6 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Mai Quyền trong 2 năm 2020 - 2021 được cải thiện khá tốt. Năm trước đó (2019), doanh thu thuần doanh nghiệp chỉ vọn vẹn hơn 6,5 tỷ đồng nhưng giá vốn bán hàng lại treo tận 8,3 tỷ. Khoản doanh thu mỏng manh này không giúp Mai Quyền bù đắp được các chi phí và kết quả tất yếu là doanh nghiệp báo lỗ gần 3,8 tỷ đồng trong năm này.
Sang năm 2020, doanh thu của Mai Quyền vọt tăng lên 126,5 tỷ đồng và năm 2021 là 304 tỷ đồng. Như vậy chỉ sau 3 năm, doanh thu của công ty đã tăng trưởng hơn 50 lần.
Sau khi trừ đi giá vốn bán hàng, lợi nhuận gộp còn lại của Mai Quyền trong năm 2020 và 2021 lần lượt là 92,5 tỷ và 233,4 tỷ đồng. Doanh nghiệp báo lãi 88,1 tỷ đồng vào năm 2020 và 182 tỷ đồng vào năm 2021.
Điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của Mai Quyền chính là vấn đề dòng tiền kinh doanh. Dòng tiền này biểu thị cho việc hoạt động kinh doanh có thu được tiền về không. Dòng tiền âm có nghĩa rằng công ty chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ không thu được tiền về.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp cho thấy trong giai đoạn 2019 – 2021, dòng tiền kinh doanh của công ty chỉ dương vào năm 2019, còn 2 năm sau đó đều rơi vào tình trạng âm ngày một nặng, lần lượt âm 45,3 tỷ đồng vào năm 2020 và âm hơn 120 tỷ đồng vào năm 2021.