Bức tranh tài chính của First Real: Lợi nhuận tụt dốc, nợ phải trả tăng

27/10/2022 11:34

Lợi nhuận sau thuế của Công ty Cổ phần Địa ốc First Real (MCK: FIR) trong giai đoạn 2018 - 2021 có nhiều sự biến động qua các năm, nhưng có xu hướng giảm dần: 76 tỷ đồng (năm 2018); 92 tỷ đồng (năm 2019); 48 tỷ đồng (năm 2020); 39 tỷ đồng (năm 2021).

cong-ty-co-phan-dia-oc-first-real-1666843827.jpgCông ty Cổ phần Địa ốc First Real. Ảnh: Nhuệ Lộc.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty Cổ phần Địa ốc First Real được thành lập từ năm 2014, với vốn điều lệ hơn 446 tỷ đồng. FIR hoạt động kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực Môi giới và quản lý bất động sản. 

Trụ sở chính của doanh nghiệp này tại tầng 5, Khu văn phòng - Khu phức hợp Khách sạn Bạch Đằng, số 50 đường Bạch Đằng, P. Hải Châu 1, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Chủ tịch HĐQT hiện nay là ông Nguyễn Anh Tuấn.

Ngoài ông Tuấn, HĐQT còn có các thành viên khác là ông Thân Hà Nhất Thống, ông Hà Thân Thúc Luân, ông Nguyễn Thế Trung, bà Phan Thị Cẩm Thanh.

FIR làm ăn ra sao trong Quý III/2022?

Về tình hình kinh doanh của Quý III/2022, doanh thu thuần của FIR đạt 102 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của FIR trong Quý III/2022 đạt 32 tỷ đồng, trong khi đó Quý III/2021 chỉ còn 16 tỷ đồng. 

Kết thúc 9 tháng năm 2022, dòng tiền kinh doanh của FIR lỗ đậm 428 tỷ đồng, trong khi đó năm 2021 lãi 19 tỷ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lỗ đậm như vậy là do doanh nghiệp này tác động bởi sự biến động của các khoản phải thu (379 tỷ đồng) và hàng tồn kho (172 tỷ đồng).

Để tăng cường cho hoạt động kinh doanh của mình, trong 9 tháng năm 2022, doanh nghiệp này phải tăng cường hoạt động động đi vay (309 tỷ đồng) và vốn chủ sở hữu được đẩy mạnh (202 tỷ đồng). Điều này khiến cho dòng tiền tài chính của FIR tăng lên mạnh đạt 435 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái chỉ có 67 tỷ đồng.

Về cơ cấu tài sản, doanh nghiệp này có tổng tài sản đạt là 1.190 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm phần lớn cơ cấu tài sản, đạt 1.061 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các khoản phải thu ghi nhận sự tăng lên mạnh mẽ từ 405 tỷ đồng (ngày 30/9/2021) lên 785 tỷ đồng (ngày 30/6/2022). Đồng thời, hàng tồn kho cũng tăng lên “chóng mặt” từ 90 tỷ đồng (ngày 30/9/2021) lên 262 tỷ đồng (ngày 30/6/2022).

Ngoài ra, nợ phải trả của doanh nghiệp này cũng ghi nhận sự phình to từ 228 tỷ đồng (ngày 30/9/2021) lên 493 tỷ đồng (ngày 30/6/2022). Trong đó, nợ phải trả ngắn hạn chiếm gần như toàn bộ cơ cấu nợ phải trả của FIR đạt 404 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế tụt dốc và mỏng

Nhìn bức tranh tài chính của FIR giai đoạn 2018 - 2019, Doanh thu thuần của doanh nghiệp này ghi nhận sự tăng trưởng từ 176 tỷ đồng lên 327 tỷ đồng. Doanh thu đạt được kết quả như vậy là nhờ vào việc chuyển nhượng bất động sản và môi giới bất động sản.  

Chính vì doanh thu giai đoạn 2018 - 2019 tăng mạnh, lợi nhuận gộp của giai đoạn này có sự bứt phá từ 90 tỷ đồng lên 156 tỷ đồng.

Sang giai đoạn 2020 - 2021, doanh thu thuần của doanh nghiệp này giảm xuống còn 176 tỷ đồng, rồi sau đó tăng nhẹ lên lại 196 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của giai đoạn 2020 - 2021 giảm từ 122 tỷ đồng xuống còn 114 tỷ đồng.

Do các biến động ở trên, lợi nhuận sau thuế của FIR trong giai đoạn 2018 - 2021 có nhiều sự biến động qua các năm, nhưng có xu hướng giảm dần: 76 tỷ đồng (năm 2018); 92 tỷ đồng (năm 2019); 48 tỷ đồng (năm 2020); 39 tỷ đồng (năm 2021).

Dòng tiền kinh doanh của FIR trong giai đoạn 2019 - 2021 ghi nhận sự không ổn định qua các năm: - 77 tỷ đồng (năm 2018); 116 tỷ đồng(năm 2019); 16 tỷ đồng (năm 2020); - 46 tỷ đồng (năm 2021).

Dòng tiền đầu tư giai đoạn này cũng ghi nhận tình trạng âm liên tục: 2,3 tỷ đồng; 96 tỷ đồng (năm 2019);  40 tỷ đồng (năm 2020);  3,8 tỷ đồng (năm 2021). Dòng tiền đầu tư liên tục âm ở các năm là do doanh nghiệp này tập trung vào các khoản liên quan đến mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác.

Dòng tiền tài chính giai đoạn 2018 - 2021 của FIR chủ yếu là đi vay và trả nợ cho hoạt động đi vay. Riêng 2021, dòng tiền tài chính liên quan đến việc đi vay của doanh nghiệp này đang phình to lên 141 tỷ đồng so với năm 2018 chỉ là 40 tỷ đồng.

FIR đang “mắc kẹt tiền” tại đâu?

Tổng tài sản của doanh nghiệp này giai đoạn 2019 - 2021 tăng từ 450 tỷ đồng lên 663 tỷ đồng. Đáng chú ý trong cơ cấu tài sản của FIR trong giai đoạn này, các khoản phải thu và hàng tồn kho chiếm phần lớn tổng tài sản. 

Dù chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản, FIR vẫn chưa thể chuyển dòng tiền từ các khoản phải thu và hàng tồn kho thành lợi nhuận của mình. Đồng thời, việc các khoản phải thu và hàng tồn kho duy trì ở mức cao như vậy sẽ làm cho doanh nghiệp bị “chôn” dòng tiền, khó linh hoạt trong các các kế hoạch kinh doanh đầu tư khác. 

Theo đó, các khoản phải thu tăng mạnh từ 118 tỷ đồng lên 405 tỷ đồng. Trong khi đó, hàng tồn có sự giảm dần các năm: 184 tỷ đồng, 132 tỷ đồng, 90 tỷ đồng.

Riêng trong năm 2021, các khoản phải thu tăng mạnh lên 405 tỷ đồng là do dòng tiền của FIR bị mắc tại một số khoản: Khoản tiền Công ty đặt cọc và tạm ứng cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hạ tầng Quảng Nam để xúc tiến tiến độ hoàn thành và phát triển Dự án “Khu đô thị mới An Phủ" phường An Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam; các khoản đặt cọc cho chủ đầu tư các dự án bất động sản để đảm bảo quyền bao tiêu và cung cấp dịch vụ môi giới độc quyền sản phẩm của các dự án này của Công ty;

Khoản tạm ứng cho nhân viên được đảm bảo bằng 1.400.000 cổ phiếu của Công ty sở hữu bởi một số cá nhân có liên quan theo Thỏa thuận bảo đảm tài sản số 01/2021 ngày 30/9/2021; khoản tiền Công ty góp vốn hợp tác đầu tư cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Dịch vụ Thái Dương để thực hiện các hạng mục công việc và phát triển Dự án “Khu dân cư Quảng Lăng" tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, phường Điện Nam Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Hàng tồn kho của FIR tập trung chủ yếu ở Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang Hàng hóa bất động sản. Cụ thể, hàng hóa bất động sản là giá trị các lô đất nền của các dự án đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Dự án Khu nhà ở thương mại Trường Thịnh và Mỹ Cảnh; Dự án Khu tái định cư các dự án tại phường Điện Ngọc và Điện Dương - Phân khu 1; Dự án Phường Nam Lý; Dự án Khu dân cư phố chợ Điện Thắng Trung.

Ngoài ra, để có tiền phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, ngày 30/9/2021, một số lô đất nền thuộc Dự án Khu tái định cư các dự án tại phường Điện Ngọc và Điện Dương - Phân khu 1 được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay ngân hàng ngắn hạn với giá trị 9.569 triệu đồng.

Ngoài ra, nợ phải trả của FIR cũng ghi nhận sự tăng lên trong giai đoạn này từ 131 tỷ đồng lên 228 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng tăng từ 318 tỷ đồng lên 405 tỷ đồng.

Vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã công bố danh sách 62 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý 4/2022, trong đó có cổ phiếu của Công ty Cổ phần Địa ốc First Real (MCK: FIR).

Lý do cổ phiếu của First Real không được giao dịch ở quý 4 là chưa đủ thời gian 6 tháng đưa vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.

Bạn đang đọc bài viết "Bức tranh tài chính của First Real: Lợi nhuận tụt dốc, nợ phải trả tăng" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).