Các ngân hàng trong diện thanh tra giữ bao nhiêu trái phiếu doanh nghiệp?

02/06/2022 08:31

Top 3 nhà băng trong diện bị thanh tra đang nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất tại cuối quý I là Techcombank, TPBank và SHB. MB và VPBank là hai đơn vị không thuộc diện thanh tra, giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn trên thị trường chỉ sau Techcombank.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong hệ thống. Hoạt động trên nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong các công điện về tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng đã lên kế hoạch thanh tra 8 ngân hàng thương mại gồm Techcombank, HDBank, TPBank, SHB, PVComBank, VietBank, SeABank và Baoviet Bank.

Đến tháng 4, cơ quan thanh tra đã tiến hành thanh tra tại 7 ngân hàng, trừ Baoviet Bank, do Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra với nhà băng này.

Theo số liệu thống kê của Fiinpro về BCTC quý I của các ngân hàng trong diện thanh tra, 5/8 ngân hàng có giá trị trái phiếu của tổ chức kinh tế (TCKT) nắm giữ tăng trong quý I.

Tại 31/3, Techcombank đang nắm 76.782 tỷ đồng chứng khoán nợ của TCKT, tăng 22,2% so với cuối năm 2021 và dẫn đầu trong số các ngân hàng bị thanh tra . Theo sau, TPBank sở hữu 27.633 tỷ đồng, tăng 48,4%. Vị trí thứ 3 là SHB với 16.408 tỷ đồng, tăng 169%. Đứng thứ 4, Baoviet Bank giữ 15.500 tỷ đồng, tăng hơn 25%. Vị trí thứ 5 thuộc về PVcombank với 11.834 tỷ đồng trái phiếu của tổ chức kinh tế, tăng 37,7%.

screenshot-2022-06-01-165409-1-9803-4866

Tổng lượng TPDN các nhà băng đang nắm giữ tính đến hết quý I/2022. Nguồn: Tổng hợp BCTC quý I, đơn vị tính: tỷ đồng

Các vị trí tiếp theo lần lượt là HDBank và VietBank, tương ứng với 9.173,1 tỷ và 4.911 tỷ đồng, giảm lần lượt 10,3% và 20,1% so với đầu năm. Vị trí cuối cùng trong danh sách các ngân hàng bị thanh tra là SeABank, nắm giữ 686,2 tỷ đồng, giảm 88,7%.

Theo thống kê của Người Đồng Hành, dù không trong diện thanh tra, MB và VPBank là hai đơn vị nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn trên thị trường chỉ sau Techcombank. Đến cuối quý I, MB sở hữu 50.620 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Trong khi đó, VPBank nắm 41.593 tỷ đồng, tăng gần 50%. 

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đến cuối tháng 3, tổng số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD là 326.500 tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021. Một số ngân hàng thương mại tăng đầu tư trái phiếu trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến ngày 14/1 trước thời điểm Thông tư 16 năm 2021 quy định việc TCTD mua, bán trái phiếu doanh nghiệp nhằm tránh những quy định chặt chẽ hơn tại Thông tư.

Theo báo cáo, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích xây dựng, kinh doanh bất động sản là 121.200 tỷ đồng, tăng 25,3% so với cuối năm 2021, chiếm 37% trong tổng số dư. Nếu tính cả đầu tư trái phiếu nhằm mục đích tăng quy mô vốn và cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản, tổng số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp liên quan của toàn hệ thống TCTD là 160.600 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2021, chiếm tới 49% so với tổng đầu tư TPDN của toàn hệ thống TCTD.

Trong khi đó, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích tăng quy mô vốn của doanh nghiệp phát hành chiếm 31,6% trong tổng số dư đầu tư TPDN của toàn hệ thống, tăng 9,1% so với cuối năm 2021 nhưng lại khó xác định và giám sát được mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp phát hành.

Bạn đang đọc bài viết "Các ngân hàng trong diện thanh tra giữ bao nhiêu trái phiếu doanh nghiệp?" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).