Cần chuyển đổi mạnh mẽ xe buýt Hà Nội cả về chất và lượng

15/12/2023 15:46

(NB&CL) Trước những đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng dịch vụ cũng như các tiêu chí bảo vệ môi trường, xe buýt Hà Nội cần chuyển đổi mạnh mẽ cả về chất và lượng để ngày càng đóng góp vào sự phát triển chung của hệ thống giao thông công cộng.

Ngày càng đóng vai trò quan trọng

Thành phố Hà Nội hiện đang khai thác 154 tuyến xe buýt với tổng số xe đang khai thác trên toàn mạng là 2.279 xe; trong đó 277 xe sử dụng năng lượng sạch (139 xe CNG và 138 xe buýt điện), có trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên.

Mạng lưới vận tải hành khách công cộng Thủ đô đang dần hoàn thiện với sự xuất hiện của phương thức vận tải khối lượng lớn, nhanh và hiện đại hơn hẳn là đường sắt đô thị. Nhất là sự kết nối của các loại hình từ vận tải xe đạp công cộng, xe buýt, tàu điện trên cao.

Khi đó vai trò của xe buýt không những không mất đi mà còn trở nên quan trọng hơn, đòi hỏi năng lực, chất lượng cao hơn, hướng đến hai mục tiêu phục vụ tốt nhân dân và thân thiện với môi trường.

can chuyen doi manh me xe buyt ha noi ca ve chat va luong hinh 1

Cần cơ chế đột phá, chính sách hỗ trợ để “xanh hóa” hệ thống xe buýt Thủ đô. Ảnh minh họa.

Bà Huệ (trú tại quận Hoàn Kiếm) chọn giao thông công cộng vì cảm thấy an toàn hơn sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển ngoài đường rất nhiều lại phù hợp với người cao tuổi. Nhờ có xe buýt mà bà Huệ có thể đi thăm bạn bè, tới các địa điểm đẹp của Hà Nội mà không phải nhờ con cháu đưa đi.

Với chị Nguyễn Nga (nhân viên văn phòng tại quận Đống Đa) chia sẻ, trước đây chị sử dụng xe máy để đi làm với quãng đường khoảng 20km cho cả hai lượt đi và về. Nhưng từ hai năm nay, chị đã bỏ xe cá nhân để di chuyển bằng xe buýt.

Theo chị Nga, cái lợi đầu tiên mà mình thấy chính là sự an toàn và giá thành rẻ. Trên xe có điều hòa mát vào mùa hè, mùa đông thì ấm lại không phải bon chen với dòng phương tiện trên đường. Ngoài ra, việc sử dụng giao thông công cộng còn góp phần giúp giảm lượng khí thải, giảm ô nhiễm môi trường.

Là một người sử dụng xe buýt “có thâm niên”, anh Đông (trú tại quận Hà Đông) cho biết, xe buýt Thủ đô ngày càng được nâng cao chất lượng, nhất là khi xe buýt điện đi vào vận hành.

“Bước lên xe, mình rất ấn tượng với không khí thoáng mát, không có mùi xăng, dầu như xe buýt truyền thống và khi xe di chuyển cho mình cảm giác êm hơn. Trọng tâm của xe buýt điện khá thấp và sử dụng các tấm kính lớn, bắt mắt giúp hành khách dễ quan sát cảnh quan, ngắm phố xá” - anh Đông nói.

Tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg về Phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.

Đối với giao thông đô thị từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới phải là xe sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 45% - 50%. Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%. Đến năm 2050, 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Thực tế hiện nay Hà Nội đang có 2.034 xe buýt trợ giá nhưng chỉ có 277 xe sử dụng năng lượng sạch đạt 13,6% toàn mạng. Đáng chú ý vẫn còn hơn 1.575 phương tiện đang sử dụng nhiên liệu diezel cần thay thế. Con số này còn khiêm tốn so với những mục tiêu, kỳ vọng đặt ra.

Hơn 20 năm trước, xe buýt Hà Nội đã có bước ngoặt lớn thứ nhất khi thay thế hoàn toàn nhóm phương tiện cũ bằng xe buýt hiện đại, nhiều tiện ích, thu hút người dân chuyển đổi từ xe cá nhân sang sử dụng vận tải hành khách công cộng.

 

Đến nay trước những đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng dịch vụ cũng như các tiêu chí bảo vệ môi trường, xe buýt Hà Nội chuẩn bị cho bước ngoặt thứ hai, chuyển đổi mạnh mẽ cả về chất và lượng.

Tháo gỡ khó khăn, nỗ lực “xanh hóa” xe buýt

Theo ông Phạm Đình Tiến - Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành (Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội), các doanh nghiệp rất đồng tình, ủng hộ chuyển đổi phương tiện xanh, sạch, chất lượng dịch vụ mới nhằm tăng sản lượng, doanh thu.

Tuy nhiên việc chuyển đổi phương tiện xe buýt sang phương tiện xanh, sạch có nhiều khó khăn, có thể kể đến ba thách thức chính. Thứ nhất là vốn đầu tư, theo tính toán chi phí đầu tư phương tiện xanh cao gấp 2,4 lần so với xe buýt truyền thống sử dụng diesel.

Chi phí này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lực của doanh nghiệp. Kèm theo đó là nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng liên quan đến trạm sạc điện, hệ thống trạm biến áp, nguồn cấp điện, hệ thống điều khiển.

can chuyen doi manh me xe buyt ha noi ca ve chat va luong hinh 2

Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại Hà Nội ngày càng thu hút người dân sử dụng.Ảnh: TL.

Thứ hai là việc chuyển đổi đòi hỏi triển khai đồng bộ quy hoạch điện từ trạm sạc, trạm cấp nhiên liệu, chiến lược xây dựng hạ tầng sạc điện cung cấp cho phương tiện xanh.

Thứ ba là hiện nay cơ quan chức năng vẫn chưa có cơ chế hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư để xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng xanh cho phương tiện, phục vụ quá trình chuyển đổi xe buýt xanh.

Về phía doanh nghiệp xe buýt điện, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus Nguyễn Công Nhật nhấn mạnh, muốn xe buýt đi nhanh hơn, dịch vụ hấp dẫn hơn cần những ưu tiên về cơ chế chính sách, từ trợ giá, ưu tiên về hạ tầng,...

Hằng ngày, chúng ta đối mặt với ùn tắc giao thông nặng nề và ai cũng nhận ra cần sự phát triển của các phương tiện công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân. Nhưng để đạt được điều đó, cần sự đồng hành của cộng đồng, cần những giải pháp đồng bộ.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần nhìn thẳng vào bài toán đầu tư của buýt điện, nếu không có chính sách hỗ trợ sẽ rất khó để nhân rộng. Với các doanh nghiệp, nguồn lực là hữu hạn.

Thể lực và nội lực của doanh nghiệp không thể đáp ứng được nên cần sự hỗ trợ của Chính phủ là cần thiết và điều này không phải mãi mãi, mà có lẽ ở phần ban đầu, ta tạo nên cú hích để thay đổi và đến lúc nào đó, “cỗ xe” tự lăn, mọi người sẽ tự điều tiết các vấn đề chứ không phải có cơ chế hỗ trợ mãi mãi.

Bài toán đặt ra xanh hóa không chỉ một doanh nghiệp mà cả một mạng lưới, đòi hỏi chính sách phải phù hợp với tất cả các doanh nghiệp. Chỉ khi Nhà nước tạo ra cơ chế bền vững và doanh nghiệp cảm thấy họ có thể đáp ứng được thì mới có thể phát triển.

Thế Anh

 

Bạn đang đọc bài viết "Cần chuyển đổi mạnh mẽ xe buýt Hà Nội cả về chất và lượng" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).