Thuế thu nhập cá nhân không giảm, người lao động gặp khó
Đây không phải là vấn đề mới, những ý kiến này đã được đưa ra sau mỗi chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được ban hành. Những ý kiến trên đưa ra lập luận rằng, do dịch bệnh, người làm công ăn lương cũng bị giảm thu nhập; các chính sách hỗ trợ chưa quan tâm đến người làm công ăn lương. Vậy có nên giảm thuế cho đối tượng này?
Là nhân viên nhân sự của công ty xuất nhập khẩu, chị Ny (Phụ trách nhân sự, Công ty xuất nhập khẩu Hoàng Việt) cho biết, hầu hết các nhân viên ở công ty có thu nhập từ 11 triệu đồng trở lên phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Với mức thu nhập này sau khi đã nộp thuế, những người này đang đối mặt với nhiều khó khăn.
"Hiện tại chi phí sinh sống ở TP.HCM tốn rất nhiều mà lương không lên nên ảnh hưởng tới cuộc sống rất nhiều", chị N cho biết.
Xăng dầu tăng giá, nhiều chi phí khác cũng tăng theo nhưng thuế thu nhập cá nhân không giảm đã làm cho nhiều người làm công ăn lương gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người có thu nhập từ 21 triệu trở lên phải nộp thuế thu nhập cá nhân bậc 2, nộp 10% tổng thu nhập, nên đã thắt chặt chi tiêu.
Theo các chuyên gia, từ năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp, hộ gia đình đều có nhiều chính sách hỗ trợ khi khó khăn vì đại dịch Covid-19 như giảm thuế, giãn thuế.
Hiện nay, các đối tượng trên vẫn tiếp tục được Chính phủ hỗ trợ nhưng người làm công ăn lương nộp thuế thuế thu nhập cá nhân lại hoàn toàn không được đề cập đến.
Nhà nước nên tiếp tục siết các dòng thuế có thu nhập cao với các đối tượng là tiểu thương, bán hàng online để đánh thuế; đồng thời xem xét lại hệ số thuế thu nhập cá nhân mới cho người lao động và tăng mức giảm trừ gia cảnh, bởi mức thuế thu nhập cá nhân hiện nay không còn phù hợp với giá cả hiện tại.
Giảm thuế chỉ có lợi cho người có thu nhập cao
Theo thông tin trước đó cho biết, liên quan đến ý kiến cho rằng có cần thiết phải giảm thuế TNCN cho người làm công, ăn lương hay không? Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định của pháp luật thuế TNCN hiện hành, thu nhập làm căn cứ tính thuế là thu nhập người lao động thực nhận sau khi đã tính các khoản giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo theo quy định.
Với quy định hiện hành, người lao động có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng sẽ không phải nộp thuế TNCN, đối với mức thu nhập cao hơn thì sẽ tính các khoản giảm trừ theo quy định và áp dụng biểu thuế lũy tiến. Nếu người lao động có 2 người phụ thuộc và có đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc, thì với mức thu nhập 22 triệu đồng/tháng không phải nộp thuế và không bị tạm khấu trừ thuế TNCN; với mức thu nhập từ 23 triệu đồng/tháng thì nộp thuế ở bậc 1 với thuế suất 5% và số thuế khấu trừ hàng tháng chỉ là 39.250 đồng/tháng.
Nếu giảm thuế TNCN cho người làm công ăn lương, thì đối tượng được hưởng sẽ chủ yếu rơi vào nhóm có thu nhập nhập cao. Điều này không đúng với mục tiêu hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bởi vì số thuế từ nhóm cá nhân có thu nhập cao chiếm 87% trong tổng số thu từ thuế TNCN đối với tiền lương, tiền công.
Theo Tổng cục Thuế cũng, để thực hiện việc hỗ trợ đúng đối tượng, các bộ, ngành đã trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 2/6/2020 về việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh, theo đó mức giảm trừ cho bản thân tăng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ cho người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng/tháng. Theo tính toán của Tổng cục Thuế, Nghị quyết 954 điều chỉnh giảm thu nhập tính thuế đến khoảng 6 triệu người lao động, giảm thu ngân sách nhà nước khoảng trên 10 nghìn tỷ đồng mỗi năm, trong đó có khoảng 1,2 triệu người lao động đang thuộc diện chịu thuế ở bậc 1 thì theo quy định mới thuộc diện không phải nộp thuế.
Hỗ trợ người lao động gặp khó khăn phải từ các chính sách an sinh xã hội
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam từng cho rằng, trong trường hợp người lao động gặp khó khăn thì không nên giải quyết đơn thuần bằng chính sách thuế, mà phải bằng các chính sách an sinh xã hội khác. “Thực tế vừa qua cho thấy, khi dịch Covid-19 xảy ra, Chính phủ đã có hàng loạt các chính sách để hỗ trợ người lao động gặp khó khăn. Điều này cho thấy, các chính sách đã và đang đi đúng hướng. Vấn đề là chúng ta cần thực hiện tốt các chính sách này một cách đồng bộ để đảm bảo công bằng, bình đẳng, hỗ trợ tốt nhất người dân gặp khó khăn, đi đôi với tăng cường cải cách thủ tục hành chính thuế để việc hoàn thuế, miễn giảm thuế đơn giản, nhanh nhất, không làm người nộp thuế quan ngại”.
Huyền Diệu